NSƯT Diệu Hiền: "Tôi có nhiều kỷ niệm với má Phùng Há khi sống tại chùa Nghệ sĩ"

Tùng Ninh |

"Chùa Nghệ sĩ là tâm huyết của má, một bậc tiền bối đã hết lòng, cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật cải lương" – NSƯT Diệu Hiền nói.

Vừa qua, tại chương trình Ký ức vàng son, NSƯT Diệu Hiền đã tâm sự về chùa Nghệ Sĩ và tâm huyết với nghệ thuật cải lương.

Chùa Nghệ sĩ là tâm huyết của má Bảy Phùng Há

Chùa Nghệ sĩ là tâm huyết của má Bảy Phùng Há, một bậc tiền bối trong nghề. Đó cũng là tâm huyết của nghệ sĩ chúng tôi, mong sao giữ được mái chùa lại làm nơi an nghỉ cho những nghệ sĩ đã qua đời và kết nối nghệ sĩ còn đang hoạt động.

NSƯT Diệu Hiền: Tôi có nhiều kỷ niệm với má Phùng Há khi sống tại chùa Nghệ sĩ - Ảnh 1.

Diệu Hiền

Tôi cũng từng có thời gian gắn bó với mái chùa Nghệ sĩ rất lâu. Tôi còn ở trong chùa để quét dọn, chăm sóc chùa, nhổ cỏ, tụng kinh rồi ôn lại cải lương.

Trong chùa là mộ của nhiều nghệ sĩ gạo cội, ai cũng có đóng góp với nghệ thuật sân khấu, cải lương. Tôi cứ ở trong chùa vả chăm sóc mộ cho các cô bác, anh chị, mong họ phù hộ cho tôi khỏe mạnh để có sức khỏe làm việc.

Trong chùa có mộ chị Thanh Nga với di ảnh rất đẹp. Ai vào thăm chùa cũng thích tới mộ chị để ngắm chị, với lại chị nổi tiếng quá, ảnh hưởng tới khán giả còn lớn.

Ngoài ra, chùa còn có mộ sư phụ Út Trà Ôn, bác Ba Vân, chú Thanh Tao… và nhiều nghệ sĩ gạo cội. Sau này là Minh Phụng, rồi má Bảy Phùng Há.

Khán giả mỗi khi muốn thăm các nghệ sĩ đã mất đều tới chùa Nghệ sĩ. Có thể nói, đây không chỉ là nơi an nghỉ mà còn lưu giữ văn hóa, nghệ thuật, giúp khán giả tới gần hơn nghệ sĩ.

Với giới nghệ sĩ, chùa Nghệ sĩ là nơi lưu giữ cội nguồn, nguồn gốc để tìm về tĩnh tâm, tự răn dạy, nhắc nhở bản thân phải làm nghề thật chỉn chu, nghiêm túc, có đạo đức, tôn trọng nghề nghiệp, khán giả, không hổ thẹn với những bậc tiền bối.

NSƯT Diệu Hiền: Tôi có nhiều kỷ niệm với má Phùng Há khi sống tại chùa Nghệ sĩ - Ảnh 2.

NSND Bạch Tuyết trước mộ NSND Phùng Há trong chùa Nghệ sĩ

Đất của chùa Nghệ sĩ thì không rộng, chỉ có nhiêu đó. Tôi mong giới nghệ sĩ ráng gìn giữ chùa để thế hệ trẻ sau này còn có cội nguồn để tìm về.

Ví dụ, các nghệ sĩ sau này muốn tìm hiểu về nguồn gốc cải lương, về những vị bậc thầy trong nghề thì tới chùa Nghệ sĩ xem có những ai rồi tỏ lòng thành kính, từ đó mà cảm thấy phải sống có tâm, có đạo đức với nghề.

Nói chung, làm gì thì làm, ráng giữ chỗ đó lại cho tụi trẻ còn có cội nguồn, đi đâu thì đi vẫn tìm về được, ấm áp tình nghệ sĩ.

Chùa Nghệ sĩ là nơi không thể quên của cải lương

Má Phùng Há là người lập ra chùa Nghệ sĩ và cũng sống luôn tại đó đến cuối đời. Chùa Nghệ sĩ là tâm huyết của má, một bậc tiền bối đã hết lòng, cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật cải lương. Đồng thời cũng là tâm huyết của nhiều nghệ sĩ như chúng tôi.

NSƯT Diệu Hiền: Tôi có nhiều kỷ niệm với má Phùng Há khi sống tại chùa Nghệ sĩ - Ảnh 3.

Tôi có nhiều kỷ niệm với má khi cùng sống tại chùa. Hai thấy trò tôi thường lên chánh điện tụng kinh mỗi ngày rồi đi thắp nhang cho các nghệ sĩ đã khuất. Mỗi khi rảnh, má lại chỉ dạy tôi về cải lương, về đạo đức làm nghề.

Vì thế, tôi nghĩ chùa Nghệ sĩ là nơi không thể quên của cải lương, nơi hiện hữu hầu hết bậc tiền bối có công lớn với nghề.

Để có được mái chùa như vậy không hề dễ, rất khó mới xây dựng được, nên ai có trách nhiệm thì ráng giữ gìn cho thế hệ sau còn có cội nguồn, có nơi đi về. Chùa Nghệ sĩ mất đi rồi, thế hệ sau không biết tìm về đâu để nhớ về cội nguồn, cha ông trong nghề.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại