NSƯT Công Ninh: Chuyện đổi tình lấy vai diễn là "thuận mua vừa bán"

Nguyễn Hương |

"Tôi không thể nói họ làm thế là đúng hay sai bởi đó là sự 'thuận mua vừa bán, có qua có lại", NSƯT Công Ninh bày tỏ quan điểm về vấn nạn đổi tình lấy vai diễn trong showbiz Việt.

Showbiz đang khủng hoảng thừa

Hào quang của giới showbiz quá kinh khủng. Ngày xưa tôi thi vào trường sân khấu phải giấu cha mẹ vì họ mong muốn tôi học Đại học Bách Khoa.

Hồi đó ai cũng nghĩ rằng diễn viên là nghề "xướng ca vô loài", con làm nghệ sĩ cha mẹ la làng. Ai cũng muốn con cái trở thành kỹ sư, bác sĩ. Còn bây giờ phụ huynh thậm chí còn định hướng, khuyến khích con cái họ vào showbiz từ nhỏ.

Nhưng nghề này rất cực, hào quang cũng chỉ là ảo. Nhiều phụ huynh nhìn vào dàn sao hạng A, thu nhập khủng, đi siêu xe, ở biệt thự mà tưởng ai làm nghề này cũng được vậy.

Họ không biết rằng, chỉ sao hạng A mới có đời sống ổn định vì một năm họ làm rất nhiều việc. Không đi phim, không diễn sân khấu thì làm video phim hài, phim ngắn, clip ca nhạc, game show... Mỗi thứ một chút cộng vào thì cuộc sống mới thoải mái.

Các phụ huynh chỉ nhìn nghệ sĩ hạng A mỗi năm kiếm bao nhiêu tỉ - con số này đếm trên đầu ngón tay – mà quên mất những người chìm lấp phía sau. Có hàng ngàn diễn viên khác, những người không được công chúng nhớ mặt nhớ tên thì họ sống thế nào, không ai hay.

Vài năm gần đây phim truyền hình bị thoái trào, các diễn viên cũng ít vai hẳn. Những người không được mời phim thì sống lây lắt nhờ bạn bè, gia đình, hoặc làm công việc khác như buôn bán online vì không đủ sống.

NSƯT Công Ninh: Chuyện đổi tình lấy vai diễn là thuận mua vừa bán - Ảnh 1.

NSƯT Công Ninh.

Mọi người thấy những hot boy, hot girl đóng phim truyền hình thì nghĩ là ổn lắm nhưng một năm họ đóng được bao nhiêu phim? Chưa kể, trai xinh gái đẹp thời nay rất nhiều. Ra đường một lúc có thể gặp hàng trăm người như thế.

Trường sân khấu mỗi năm đào tạo ra 50 diễn viên. Đầu vào rất khó hẳn nhiên diễn viên cũng rất đẹp. Chưa kể các câu lạc bộ, nhà hát tư nhân, các game show truyền hình... cứ 3 tháng cho ra lò 1 nhóm chuyên đóng các vai nhỏ, vai quần chúng.

Rồi những diễn viên không chuyên sau khi tham gia game show được công chúng biết tới cũng dấn thân vào showbiz. Nếu gom hết, 1 năm TP. HCM đào tạo ra không dưới 300 diễn viên.

Lễ cúng Tổ nghề Sân khấu hàng năm, số người đi cúng Tổ càng ngày càng đông. 90% số đó không ai biết mặt biết tên. Một số tự phát. Một số từ các câu lạc bộ chuyên đóng quần chúng... nhưng họ nghĩ mình là nghệ sĩ nên vẫn đi cúng Tổ hàng năm.

Nguồn cung ứng nghệ sĩ hiện nay quá nhiều, showbiz đang ở tình trạng khủng hoảng thừa.

Đổi tình lấy vai diễn là thuận mua vừa bán

Bởi thế, sự cạnh tranh vai diễn rất căng thẳng. Điều đó dẫn tới một hậu quả khác. Những gia đình kinh tế ổn định thì các em có điều kiện làm nghề. Những em gia đình khó khăn, lâu dần đuối sức mà bỏ – dù trước đó có thể có những vai diễn ấn tượng nhưng nghề không nuôi được thì họ phải bỏ.

Nó còn dẫn tới một hệ lụy rất xấu là người có tiền thì bỏ tiền mua vai, người không có thì lấy thân xác ra trao đổi. Chuyện này tôi không bàn sâu vì đã có quá nhiều người nói.

NSƯT Công Ninh: Chuyện đổi tình lấy vai diễn là thuận mua vừa bán - Ảnh 2.

Cát Phượng từng chia sẻ, thời trẻ chị từng bị dụ đổi tình lấy vai diễn nhưng chị không chịu.

Nó cũng là một khía cạnh của xã hội. Tôi không thể nói họ làm thế đúng hay sai bởi đó là sự "thuận mua vừa bán, có qua có lại".

Bản thân người sử dụng cũng đã tính hết nước, bản thân người đáp ứng nhu cầu đó cũng suy tính kỹ rồi mới đáp ứng. Thẳng thắn thì cả hai bên phải có lợi gì đó thì họ mới làm vậy.

Ở showbiz này, thân ai nấy lo, cuộc đời ai người đó sống. Mỗi người phải tự chịu trách nhiệm với chính hình ảnh và cuộc sống của mình.

Tôi hiểu rằng, nhiều người vì quá ham mê làm nghề nhưng không có cơ hội nên chấp nhận đánh đổi để chứng tỏ khả năng, để mong được tỏa sáng.

Ai cũng được quyền đam mê và thực hiện đam mê của mình nhưng thực hiện bằng cách nào thì phải chịu trách nhiệm về cách đó.

Tôi chỉ muốn nói rằng, nghề này quan trọng nhất vẫn phải là có thực tài. Dù có tạo ra hàng tỉ cơ hội nhưng không có thực tài thì mãi mãi cũng không thể vươn lên hàng sao, không mang tới danh vọng mà chỉ khiến họ tự bôi xấu hình ảnh của mình.

Và hệ lụy này khiến hình ảnh showbiz, hình ảnh người nghệ sĩ trở nên tồi tệ trong mắt công chúng.

NSƯT Công Ninh tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Đạo diễn ở Nga năm 1990. Ông đã dựng gần trăm vở diễn, trong đó nổi tiếng nhất là vở "Dạ cổ Hoài lang" ở sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần. Vở được diễn hơn 10 năm với trên 500 suất diễn.

NSƯT Công Ninh vừa là trưởng khoa Diễn viên, dạy bộ môn Kỹ thuật biểu diễn vừa là chủ nhiệm của rất nhiều khóa học tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM. Rất nhiều thế hệ học trò của NSƯT Công Ninh đều nổi tiếng như Thanh Thúy, Ngọc Trinh, Hòa Hiệp, Lê Khánh, Tiết Cương...

Trên truyền hình, NSƯT Công Ninh từng gây dấu ấn với phim "Mẹ con Đậu Đũa", "Đời cát", "Người học trò đất Gia Định", "Blouse trắng", "Dưới cờ đại nghĩa", "Sóng đời'...

* Ghi theo chia sẻ của NSƯT Công Ninh

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại