Giọng ca gắn liền với những ca khúc viết về Trường Sơn
NSND Trung Đức sinh ra trong gia đình thuần nông, song ông đam mê âm nhạc từ bé. Thời đó, ông thường ra cánh đồng để luyện hát. Sau này, nhờ sở hữu chất giọng cao ấm, truyền cảm, Trung Đức được nhiều thế hệ khán giả yêu mến. Tên tuổi của ông gắn liền với những ca khúc viết về Trường Sơn.
Lý giải về điều này, nghệ sĩ Trung Đức bày tỏ trong chương trình Cassette hoài niệm: "Cuộc đời tôi cũng là người lính lái xe. Tôi đã hát cho rất nhiều anh em bộ đội ở dưới chiến hào, trên mặt đất. Lúc đó tôi chưa đi văn công chuyên nghiệp, chỉ là người hát nghiệp dư phục vụ anh em".
NSND Trung Đức
Sau những ngày tháng trực tiếp đi chiến trường, nghệ sĩ Trung Đức được đào tạo ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Tốt nghiệp ra trường, ông về công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long, rồi chuyển sang Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam.
Nhắc đến NSND Trung Đức, khán giả còn nhớ đến những màn song ca bất hủ với NSND Thu Hiền trong các ca khúc như Tình ca Tây Bắc, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Chào em cô gái Lam Hồng, Người đi xây hồ kẻ gỗ, Vàm Cỏ Đông… Cả hai hát với nhau từ năm 1978 và ăn ý cho đến tận bây giờ.
Nghệ sĩ Trung Đức kể trước đây ông không biết hát dân ca. Đến khi về công tác ở Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, ông có dịp gặp gỡ NSND Thu Hiền và được đồng nghiệp dạy hát.
Trung Đức - Thu Hiền biểu tượng vàng của những đôi song ca hát nhạc đỏ
Từ đó, cặp song ca NSND Trung Đức - NSND Thu Hiền làm say đắm lòng người với những bản tình ca mượt mà... Họ trở thành biểu tượng vàng của những đôi song ca hát nhạc đỏ. Giọng hát của cả hai hòa quyện vào nhau, nâng nhau lên, dạt dào tình cảm khiến bao thế hệ khán giả Việt yêu mến.
Ngoài ca hát, nghệ sĩ Trung Đức còn là tác giả của một số ca khúc âm hưởng dân ca rất nổi tiếng như Nhớ về hội Lim, Em đi chùa Hương, Chân quê... Vì có nhiều đóng góp cho nghệ thuật nước nhà, ông đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân vào năm 2007.
Cuộc sống kín tiếng nhưng viên mãn ở tuổi 71
Thời trẻ, vì tài năng, nổi tiếng lại điển trai nên NSND Trung Đức được đông đảo khán giả nữ ái mộ. Thậm chí, nhiều cô gái còn muốn xin nam nghệ sĩ một đứa con, nhưng với tính cách thẳng thắn, rõ ràng, không lăng nhăng, nên ông thằng thừng từ chối.
Ở tuổi xế chiều, nghệ sĩ Trung Đức có cuộc sống bình yên, viên mãn bên gia đình
Hàng chục năm qua, nghệ sĩ Trung Đức chỉ chung thuỷ với một người vợ duy nhất. Chia sẻ về bà xã, ông kể cả hai quen biết nhau qua một người bạn. Khi sang nhà chơi, NSND Trung Đức thổ lộ nỗi lòng với gia đình vợ và được ủng hộ. “Vợ thích nghe tôi hát lắm. Cô ấy ngày xưa cũng rất xinh đẹp”, ông tự hào.
Sau nhiều năm chung sống, vợ chồng nghệ sĩ Trung Đức có 4 người con, 3 trai, 1 gái. Gia đình ông hiện đang sống ở Hà Đông, Hà Nội. Nam nghệ sĩ rất hài lòng về cuộc sống hiện tại.
Mỗi ngày của NSND Trung Đức thường bắt đầu bằng việc đi ăn sáng, uống cà phê với bạn bè. Sau đó, ông sẽ ngồi làm việc. Dù đã ở tuổi 71, nhưng nam nghệ sĩ vẫn giữ được chất giọng khỏe khiến nhiều người ngưỡng mộ.
NSND Trung Đức xuất hiện trong chương trình "Cassette hoài niệm" mới đây, ở tuổi 71 ông vẫn rất phong độ
Chia sẻ về bí quyết, ông bảo điều quan trọng là phải rèn luyện thường xuyên. “Ngày nào tôi cũng hát ít nhất khoảng 2 tiếng”, giọng ca Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây tiết lộ.
Hiện tại, ngoài lương hưu, nghệ sĩ Trung Đức vẫn chăm chỉ đi hát, tự sống bằng thu nhập của mình chứ không muốn phiền con, cháu. Bên cạnh đó, ông dạy còn hát miễn phí cho các học trò của mình.
NSND Trung Đức kể ngày xưa, khi đi lái xe ở Thái Nguyên xong về lớp học, ông phải mua một cái bánh mỳ ăn tạm, nên không đủ tiền đóng học phí. Vào lớp thầy hỏi tiền học phí đâu, ông trình bày ăn bánh mỳ nên thiếu tiền học, và bị đuổi ra khỏi lớp. Sau này, nghệ sĩ Trung Đức được NSND Trung Kiên nhận làm học trò. Từ đó, ông tự nhủ rằng nếu thành tài và đi dạy học, ông sẽ không bao giờ lấy tiền của học sinh.