Con nhà quan chức
NSND Trọng Trinh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trong một gia đình quan chức. Bố của anh công tác tại Bộ Văn hóa. Nhà có 4 anh chị em, người là bác sĩ, người là kiến trúc sư, người công tác ở Bộ ngoại giao, chỉ có mình Trọng Trinh theo nghệ thuật.
Học xong phổ thông, Trọng Trinh thi vào trường trung cấp rồi về công tác tại một nhà máy. Với vị trí phó bí thư, anh hăng hái tham gia các hoạt động văn nghệ, phong trào của nhà máy.
Cho tới 1 ngày, Trọng Trinh đọc báo thấy mẩu tin tuyển diễn viên khóa 1 của Nhà hát Kịch Việt Nam, anh liền nộp đơn thi. Năm đó, có tới mấy nghìn người thi mà Nhà hát chỉ tuyển vài chục người. Thế mà Trọng Trinh lại nằm trong số vài chục người ít ỏi ấy.
Sau 3 vòng thi, Nhà hát yêu cầu có xác nhận của gia đình. Trọng Trinh cầm tờ giấy về thưa chuyện với bố. Bố anh nổi trận lôi đình, đùng đùng đuổi đánh con trai vì cái "tội" công việc đang "ngon lành" lại bày vẽ theo nghề hát hò, diễn xướng.
Gian nan lắm, bố anh mới đồng ý ký vào tờ giấy xác nhận cho anh đem lên Nhà hát nộp sau rất nhiều tác động của mẹ và các anh chị em trong gia đình.
Hồi đó, Nhà hát Kịch Việt Nam chỉ tuyển diễn viên có hộ khẩu Hà Nội để đảm bảo chuẩn tiếng nói sân khấu. Và cũng vì trải qua tới 4 vòng thi nên khóa 1 năm đó đều là những tên tuổi lẫy lừng trong nghề như NSND Lan Hương, Trung Anh, Quốc Khánh, Trọng Trinh...
Trọng Trinh thời trẻ.
NSND Trọng Trinh kể: "Bố tôi lúc đó công tác ở Bộ Văn hóa thật nhưng thời bao cấp, gia đình cán bộ nghèo lắm, không sung sướng gì đâu. So về kinh tế, nhà tôi nghèo hơn mọi người khá nhiều. Bởi nhà các bạn hầu hết đều làm nghề buôn bán nên có điều kiện.
Tôi xác định nhà mình hoàn cảnh nhất, quần áo đẹp có thể không có nhưng phải cố gắng học thật giỏi. Cũng vì học được nên tôi được bầu làm lớp trưởng".
Vở diễn tốt nghiệp của khóa 1 ngày đó "Cuộc chia tay tháng 6" do cố NSND Trọng Khôi dàn dựng đến giờ vẫn được các thế hệ diễn viên nhắc tới như một niềm tự hào của Nhà hát Kịch Việt Nam. Trong vở diễn "kinh điển" ấy, Trọng Trinh được trao bằng loại ưu vì thể hiện quá xuất sắc vai Cô-lê-xốp.
Bỏ hết tiền cát xê để "chơi" phim
Ra trường năm 1982, Trọng Trinh trở thành diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam. Năm 1995, Trọng Trinh bất ngờ xin chuyển công tác về Trung tâm Nghe Nhìn Việt Nam (giờ là Trung tâm Phát thanh và truyền hình Việt Nam).
Đạo diễn Khải Hưng ra điều kiện, anh phải đóng được "Gió qua miền tối sáng" mới chấp nhận. Và bộ phim chạm ngõ truyền hình ấy cũng là bộ phim mà Trọng Trinh để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả.
Năm 1997, Trọng Trinh chính thức trở thành đạo diễn phim truyền hình. Tác phẩm đầu tay của anh từ lúc còn đang ngồi trên ghế nhà trường "Sân Tranh" đã giành giải Vàng Liên hoan phim truyền hình toàn quốc. 3 năm sau, bộ phim "Sang sông" do anh đạo diễn tiếp tục nhận giải thưởng cao nhất tại Liên hoan này.
Đạo diễn Trọng Trinh và diễn viên Thu Hà vừa được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Nhớ lại những ngày đầu bước chân vào con đường đạo diễn phim, NSND Trọng Trinh tâm sự: "Thời nào làm phim cũng có cái khó của nó. Thời bao cấp, đi làm phim được các cơ quan ban ngành giúp đỡ rất nhiều nhưng tiền ít lắm.
Làm phim đầu tay, thiếu kinh phí, tôi bỏ hết tiền cát xê của mình ra để làm. Tôi đưa xe cẩu lên 1 quả đồi ở Việt Trì. Tôi "chơi" tới mức, không có miếu, anh em xây hẳn 1 cái miếu ở đầu làng cho đúng bối cảnh, dĩ nhiên là làm đơn giản thôi nhưng cũng rất tốn kém".
Sau đó, Trọng Trinh làm đạo diễn của hàng loạt phim truyền hình ăn khách như: Ngày hè sôi động, Cầu vồng tình yêu, Cả một đời ân oán... Bên cạnh đó, anh vẫn liên tục tham gia nhiều dự án ở vai trò diễn viên như Nhật ký Vàng Anh 2, Tuổi Thanh xuân, Nàng dâu Order...
Trọng Trinh chia sẻ: "Những lúc khó khăn hay gặp chuyện không vui trong nghề, tôi thường tự động viên mình rằng, mình vừa được làm công việc mình đam mê lại được trả tiền thì còn gì bằng. Mấy ai được làm nghề mà mình yêu thích tới già đâu. Chỉ cần nghĩ thế, tôi thấy khỏe ngay".
Vì những cống hiến của anh cho nghệ thuật mà chỉ vài ngày trước, Trọng Trinh được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Hôn nhân đổ vỡ, hơn 1 năm mất niềm tin vào phụ nữ
Trọng Trinh kết hôn năm 1987. Vợ anh là người ngoài ngành. Họ có với nhau 2 người con trai. Những tưởng cuộc hôn nhân ấy sẽ bền vững mãi mãi khi mà Trọng Trinh là người cực kỳ chung thủy. Nhưng tạo hóa khéo trêu người hay định mệnh, định số đã buộc anh phải trắc trở, để rồi sau 20 năm, cuộc hôn nhân ấy tan vỡ.
NSND Trọng Trinh trên phim trường.
"Cuộc sống này có nhiều điều uẩn khúc và mong manh lắm nhưng đời là thế. Đã sống với nhau 20 năm mà còn chia tay thì đau xót đến dường nào nhưng mình phải chấp nhận. May là các con tôi rất ngoan, chúng nó hiểu hết.
Dĩ nhiên, không có đứa con nào muốn bố mẹ nó chia tay nhưng chứng kiến bao nhiêu năm, chúng nó biết muốn bố mẹ sống tiếp với nhau cũng khó nên hiểu đến lúc phải như thế và chấp nhận.
Khi mà vợ chồng càng ngày càng xa nhau về văn hóa, quan điểm thì người ta chỉ chịu nhau đến một lúc nào đó thôi, khi không chịu được nữa thì đành dứt áo ra đi", NSND Trọng Trinh bày tỏ.
Hỏi Trọng Trinh ai là người chia tay trước, anh bảo "là cô ấy, cô ấy không muốn tiếp tục. Sau khi ly hôn, tôi bị sốc một thời gian dài.
Hơn 1 năm sau đó, tôi mất lòng tin vào phụ nữ. Gặp nói chuyện bình thường không sao, chỉ cần người ta có ý quý mến, rủ đi uống cà phê là tôi sợ".
Từ ngày vợ chồng chia tay, Trọng Trinh nuôi cả hai người con. Anh bảo "mình có điều kiện hơn thì nuôi thôi". Cũng bởi gia đình không trọn vẹn nên anh luôn cố gắng bù đắp cho con. Hỏi han, quan tâm, chăm sóc con nhiều hơn.
Nhưng anh cũng thích dạy con tư duy độc lập, không bao bọc, dung dưỡng, chiều hư. Cũng bởi cách dạy tâm lý đó mà hai người con của Trọng Trinh đều thành đạt và rất ngoan, chia sẻ với bố như những người bạn.
Con trai lớn của anh du học chuyên ngành marketting ở nước ngoài, mới về Việt Nam mở công ty truyền thông và đã lập gia đình. Cậu con trai thứ hai đang học ở Tây Ban Nha để lấy bằng Thạc sĩ kinh tế.
Giờ đây, NSND Trọng Trinh hài lòng với cuộc sống với người vợ kém anh 16 tuổi.
Anh nói: "Hồi nhỏ chúng nó cũng đóng phim nhiều lắm nhưng lớn thì không theo nghề của bố. Không phải chúng nó không thích mà tôi không muốn con theo, bởi nghề này quá vất vả. Đam mê hay yêu thích chưa đủ, thời nay muốn làm nghệ thuật còn phải có rất nhiều điều kiện.
Bản thân tôi trước khi trở thành đạo diễn đã phải trải qua rất nhiều vị trí và vô cùng vất vả, từ trợ lý, phó đạo diễn, thư ký, hiện trường tới sản xuất...
Nếu chỉ học đạo diễn, ra nghề sẽ rất khó để tồn tại vì không có trải nghiệm và vốn sống. Chưa kể mình phải biết công việc của các bộ phận khác như ánh sáng, quay phim thì mới có thể làm tốt được".
Hiện tại, NSND Trọng Trinh đã kết hôn lần thứ 2. Người phụ nữ hiện tại kém anh 16 tuổi cũng đã từng đổ vỡ trong hôn nhân.
Anh chia sẻ: "Cuộc sống hiện tại của vợ chồng tôi đơn giản lắm. Chúng tôi không có con nhưng cũng không quá kỳ vọng, trời cho thì mừng, không được cũng không sao. Bởi cuộc sống này mong manh lắm.
Tôi chỉ sợ người khác thôi, chứ bản thân tôi không thích thay đổi. Cái gì thay đổi thì được, riêng gia đình, tôi cần ổn định, êm ấm, có một nơi để đi về, tôi sợ cảm giác chới với... ".