Mẹ chồng tôi là bộ phim truyền hình do đạo diễn Khải Hưng thực hiện, được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Minh Chính. Phim được phát sóng lần đầu trong chương trình Văn nghệ Chủ nhật vào ngày 4/9/1994, kết thúc ngày 11/9 cùng năm.
Bộ phim kể về Thuận ( NSƯT Chiều Xuân ) vừa kết hôn thì chồng phải ra trận. Cô ở nhà sống cùng mẹ chồng ( NSƯT Thu An ). Mẹ chồng, nàng dâu sống nương tựa, yêu thương và chia sẻ với nhau.
Thuận ở nhà đem lòng yêu Lực ( NSND Trần Lực ) làm phát thanh ở xã. Mẹ chồng sau khi biết chuyện đã khuyên giải và rộng lòng tha thứ. Lực hối hận bỏ đi công tác ở nơi khác, mấy năm gặp lại Thuận rồi đi bộ đội. Anh hy sinh trong một trận bom. Thuận mang thai và được mẹ chồng chăm sóc dù đứa bé không phải cháu nội của bà.
Chương trình Văn nghệ Chủ nhật và bộ phim Mẹ chồng tôi đã tạo dấu ấn riêng trong lòng công chúng, là ký ức đẹp của khán giả truyền hình thập niên 1990. Dàn diễn viên của phim cũng trở thành những tên tuổi trong nghệ thuật.
Tròn 30 năm kể từ ngày Mẹ chồng tôi lên sóng tập đầu tiên, NSƯT Chiều Xuân chia sẻ: "Đến hôm nay, khán giả vẫn nhớ đến Mẹ chồng tôi , nhớ đến mẹ chồng Thu An, anh Trần Lực cũng như cô Thuận con dâu như thể bộ phim mới phát sóng mới ngày nào gần đây thôi.
Thương nhớ vô vàn và biết ơn khôn nguôi đến đạo diễn Khải Hưng, đến cô chú, các diễn viên và toàn bộ anh chị em đoàn phim. Tôi vẫn thấy những kỷ niệm sâu đậm của phim như mới gần đây, như mới ngày hôm qua thôi", nữ nghệ sĩ bày tỏ.
NSƯT Chiều Xuân nhận được tin đạo diễn Khải Hưng mời thử vai vào giữa năm 1993. Sau thành công của Mẹ chồng tôi , chị liên tiếp tham gia các phim như Dòng sông khát vọng, Hàng xóm, Tình biển, Người yêu đi lấy chồng. .. Năm 2007, chị được phong tặng danh hiệu NSƯT.
Nữ nghệ sĩ có cuộc hôn nhân viên mãn bên PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Họ kết hôn khi Chiều Xuân đang là sinh viên năm thứ hai Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
Những năm gần đây, NSƯT Chiều Xuân ít xuất hiện trên các bộ phim truyền hình. Chị dành nhiều thời gian cho niềm đam mê nhiếp ảnh. NSƯT Chiều Xuân xuất hiện trong phim điện ảnh Làm giàu với ma vừa khởi chiếu cuối tháng 8.
NSND Trần Lực vào vai Lực, phụ trách đài phát thanh xã trong bộ phim Mẹ chồng tôi. Lực yêu Thuận nhưng chấp nhận rời xa để cô không phải chịu điều tiếng. Gặp lại nhau sau vài năm, Lực vẫn dành tình cảm đặc biệt cho Thuận. Lực đi bộ đội và hy sinh khi chưa kịp nhận con ruột.
Trước khi nổi tiếng, Trần Lực từng làm diễn viên trong đoàn Tổng cục Hậu cần nhưng đa phần là vai quần chúng. Năm 1983, anh tham gia học lớp đạo diễn sân khấu và tu nghiệp 7 năm ở Bulgaria.
Về nước anh ghi dấu ấn qua những vai diễn trong các phim Chuyện tình bên dòng sông , Hoa ban đỏ , Người yêu đi lấy chồng , Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong ... Sau này, Trần Lực chuyển nghề đạo diễn. Anh vừa nhận danh hiệu NSND đầu năm 2024.
NSƯT Thu An - vai mẹ chồng trong phim - được khán giả yêu mến bởi sự hiền hậu, chất phác. Bà thường đảm nhận những dạng vai hiền lành trên màn ảnh. NSƯT Thu An tham gia bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam là Chung một dòng sông (năm 1959).
Nghệ sĩ Thu An cũng nổi tiếng với các phim Mẹ chồng tôi, Sao tháng Tám, Tướng về hưu,...
Khi về hưu NSƯT Thu An tìm niềm vui tuổi già bằng công việc bán cây cảnh kiêm chủ quán trà nhỏ trên phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Nữ nghệ sĩ qua đời năm 2011.
Trong Mẹ chồng tôi, NSƯT Văn Hiệp đóng vai một cán bộ xã hết mình với công việc chung. Nhân vật này vừa nghiêm túc, vừa có chút hài hước.
Nghệ sĩ Văn Hiệp sinh năm 1942, quê gốc ở Thanh Trì, Hà Nội. Ông được khán giả yêu mến qua vai diễn "ông trưởng thôn" chất phác trong chương trình Gặp nhau cuối tuần và nhiều bộ phim nổi tiếng.
Trong sự nghiệp, nghệ sĩ Văn Hiệp tham gia tới 1.000 tác phẩm kịch, phim truyện. Nghệ sĩ Văn Hiệp nghỉ hưu từ năm 2002. Ông mất năm 2013 ở tuổi 71, được truy tặng danh hiệu NSƯT.
Đạo diễn Khải Hưng - người đặt nền móng cho Văn nghệ Chủ nhật - đi tiên phong trong việc làm phim truyền hình ở Việt Nam. Năm 1985, khi vô tuyến đen trắng mới chỉ phổ biến ở thành phố thì đạo diễn Khải Hưng đã bấm máy bộ phim video đầu tiên của Trung tâm nghe nhìn - Đài Truyền hình Việt Nam, lấy tên Cánh diều nhỏ .
30 năm làm việc ở Đài Truyền hình Việt Nam, ông là cha đẻ của nhiều chương trình gây được tiếng vang như Văn nghệ Chủ nhật, Gặp nhau cuối tuần, Gặp nhau cuối năm. Năm 2003, Hãng phim truyền hình Việt Nam đổi tên thành Trung tâm Phim truyền hình Việt Nam (VFC), NSND Khải Hưng trở thành giám đốc đầu tiên và đảm nhiệm vai trò này đến khi về hưu.