Dấu ấn của NSƯT Tiến Hợi
Nhắc đến các nghệ sĩ, diễn viên thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh , không thể không nhắc tới cố NSƯT Tiến Hợi . Ông được coi là một trong người thể hiện thành công hình tượng Bác trên cả sân khấu, truyền hình và điện ảnh .
Nghệ sĩ Tiến Hợi có hơn 40 lần thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các phim điện ảnh, truyền hình và chương trình lễ hội, kỷ niệm. Lần đầu tiên thể hiện vào năm 1987 khi 28 tuổi, Tiến Hợi nhận vai Bác Hồ trong vở Đêm trắng của Đoàn Văn công Quân khu 2 (đạo diễn Doãn Hoàng Giang, tác giả Lưu Quang Hà).
Sau này ông là người thể hiện hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các phim Hẹn gặp lại Sài Gòn, Hà Nội mùa đông năm 46... Năm 2013, sách Kỷ lục Guinnes Việt Nam công nhận: "Tiến Hợi là nghệ sĩ thể hiện thành công vai Bác Hồ qua nhiều thể loại nhất".
Nghệ sĩ Tiến Hợi sinh năm 1959, quê gốc Nghệ An. Năm 1988, sau khi Đoàn Văn công Quân khu 2 bị giải thể, ông về Nhà hát Kịch Hà Nội , tham gia các vở Sám hối, Vòng đời, Vị thánh trong mơ, Những người con Hà Nội. Ông từng đoạt huy chương vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1992 - hóa thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ở vở Xin lĩnh án tử hình - và huy chương bạc Liên hoan Sân khấu Toàn quốc năm 2018 với vai ông Sinh trong vở Vùng lạnh.
Để thể hiện vai diễn về Bác được tốt nhất, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, học theo phong cách, dáng đi, cách làm việc của Bác. Ông được đánh giá cao khi toát lên được cốt cách, tinh thần của Bác.
NSƯT Tiến Hợi thể hiện hình tượng Bác Hồ trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn.“Những bộ phim tôi đã từng đóng, đã diễn ở sân khấu quan trọng nhất là thần thái, cốt cách của Bác Hồ, phong cách của Bác, diễn làm sao cho dung dị, mộc mạc. Tôi nghiên cứu thấy Bác gần gũi, thân thương, phong cách sống rất đơn giản, mộc mạc. Bác đi thăm hỏi, động viên từng người, chia sẻ tình cảm. Chính vì thế khi diễn tôi cố gắng toát lên thần thái”, cố NSƯT Tiến Hợi từng chia sẻ.
15 năm thể hiện Bác Hồ của diễn viên Minh Hải
Minh Hải là diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam . Hơn 20 năm gắn bó với nhà hát, anh được trải nghiệm nhiều dạng vai. Tuy nhiên diễn viên Minh Hải để lại ấn tượng sâu sắc nhất với khán giả khi thể hiện thành công hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh .
Anh bén duyên với vai diễn thể hiện hình tượng Bác khi đang làm trợ lý trường quay cho chương trình Sân khấu truyền hình . Thời điểm đó, anh phải giúp đạo diễn Phạm Hà Bảo tìm diễn viên để thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm 1947-1950 trong vở Bác Hồ ra trận .
Diễn viên Minh Hải (áo xám cài khuy) tái hiện thành công hình ảnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trên hành trình tìm đường cứu nước qua phim Vượt qua bến Thượng Hải.
“Lúc đó nhà đài tìm kiếm diễn viên với ngoại hình gầy gò, mặc quân phục để chỉ huy chiến dịch. Ngày ghi hình đã có nhưng đoàn chưa thể chốt được diễn viên chính. Sau khi thử đọc vài dòng trong Bản Tuyên ngôn Độc lập bằng tiếng Nghệ An, tôi đã được nhận”, diễn viên Minh Hải chia sẻ với Tiền Phong .
Anh cũng gặt hái thành công với hình ảnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trên hành trình tìm đường cứu nước qua phim Vượt qua bến Thượng Hải . Phim tái hiện lại hành trình Bác từ Hong Kong (Trung Quốc) tới Hạ Môn, Thượng Hải và tìm đường sang Liên Xô.
Minh Hải khẳng định được thể hiện hình tượng của Bác là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của anh.“Diễn viên thể hiện vai diễn mà trước đó các bậc tiền bối đã thực hiện, áp lực phải chiếm đến 99%. Áp lực đó thực rất lớn nhưng tôi luôn phải cố gắng. Mỗi người có một phong cách, cuộc sống riêng, vì vậy mỗi vai diễn cũng có cách thể hiện, cách diễn riêng. Hình mẫu đã có nhưng vẫn cần nét riêng để có sự khác biệt”, diễn viên Minh Hải cho biết.
Đặc biệt khi thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan trọng nhất là lời nói và ánh mắt. Nam diễn viên đã có nhiều đêm không ngủ để luyện tập, rèn luyện và ghi hình qua gương.
Minh Hải khẳng định được thể hiện hình tượng của Bác là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp. Anh không chỉ thể hiện hình tượng Bác trên phim mà còn tham gia nhiều vở kịch về Bác như Nước mắt giữa rừng Pác Bó , Bác không phải là vua , Ông Cụ ở quê ra , Đêm Giao thừa , Bác Hồ chúc Tết gia đình chị Tín, đặc biệt là vở Đêm trắng.
Vai diễn điện ảnh của NSND Trần Lực
Bộ phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông do NSND Trần Lực đảm nhiệm vai Nguyễn Ái Quốc được giới chuyên môn đánh giá cao.
Bộ phim điện ảnh lịch sử Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông do Hãng phim Hội nhà văn Việt Nam và Hãng phim Châu Giang của Trung Quốc phối hợp thực hiện vào năm 2003. Nam nghệ sĩ từng khẳng định được đảm nhận vai Nguyễn Ái Quốc là điều vô cùng hạnh phúc.
"Đối với tôi, đây là cơ hội đặc biệt để thử sức mình, mặc dù đó là vai diễn khó. Được vào vai Nguyễn Ái Quốc trong bộ phim là niềm vinh hạnh lớn với tôi. Vì thế, tôi và đoàn làm phim đều làm việc hết mình”, NSND Trần Lực từng chia sẻ.
Tạo hình của NSND Trần Lực trong phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông.
Dù ngoại hình không có nhiều nét giống Bác nhưng NSND Trần Lực vẫn vào vai vị lãnh tụ thành công. Anh cùng đạo diễn Khắc Lợi đã tìm hiểu rất nhiều bộ phim tư liệu về những năm tháng lịch sử đó, tìm gặp những chứng nhân lịch sử đã có thời gian bên cạnh Bác.
Họ cũng vào Bảo tàng Hồ Chí Minh để tìm lại tư liệu về những hoạt động thời trẻ của Bác từ khi ở Pháp cho tới khi về đến Hong Kong (Trung Quốc).
NSND Bùi Bài Bình giảm cân, khổ luyện
NSND Bùi Bài Bình sinh năm 1956, trưởng thành từ lớp Diễn viên khoá 2 của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Năm 1977, ông về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam và nhận ngay tác phẩm đầu tay của đạo diễn Phạm Văn Khoa.
Ông ghi dấu ấn qua những bộ phim Mùa ổi , Lặng yên dưới vực sâu , Hương vị tình thân , Gió làng Kình , Ma làng , Chiều ngang qua phố cũ ...
NSND Bùi Bài Bình thể hiện thành công hình tượng Hồ Chủ tịch thông qua phim điện ảnh Nhà tiên tri .
Mới đây, vai diễn của ông trong tác phẩm điện ảnh Nhà tiên tri tiếp tục để lại ấn tượng. Phim được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ phim được khởi quay năm 2015, lấy bối cảnh khoảng năm 1947-1951.
Khi nhận lời thể hiện hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, NSND Bùi Bài Bình phải nghiên cứu kỹ các tư liệu, hình ảnh từ trong nước đến nước ngoài về Bác.
Ông cũng phải học thêm tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc và tiếng Nga để thoại khớp khẩu hình. Về ngoại hình, NSND Bùi Bài Bình phải đi làm lại răng, nuôi râu, sửa tóc, hóa trang kỹ phần tai, mắt. Nam nghệ sĩ giảm 6 kg để sát nhất với hình ảnh của Bác thời ở Việt Bắc.
"Tôi luôn mong đó là một nén hương, một sự chân thành, một tấm lòng của hậu thế đối với thế hệ tiền bối như cụ Hồ, cụ Giáp… Chúng tôi đã làm bộ phim này với tất cả sự biết ơn, trân trọng”, NSND Bùi Bài Bình nói.
Diễn viên Mạnh Trường và vai Thầu Chín
Mạnh Trường là một trong ít những diễn viên trẻ được thể hiện hình tượng Bác Hồ qua bộ phim Thầu Chín ở Xiêm .
Phim Thầu Chín ở Xiêm kể về quãng thời gian hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (có biệt danh Thầu Chín) trong những năm 1928-1929 ở Thái Lan.
Phim để lại ấn tượng khi lột tả hình ảnh một lãnh tụ cách mạng vô cùng giản dị, gần gũi trong cuộc sống nhưng lại rất mạnh mẽ, kiên dũng trong đấu tranh cách mạng.
Mạnh Trường từng chia sẻ rất bất ngờ, vui sướng và vinh dự khi được thể hiện hình tượng Bác trên màn ảnh. Để hoàn thành vai diễn này, anh tìm hiểu các tư liệu, bộ phim về Bác.
Trong từng phân cảnh, anh luôn phân tích kỹ, mường tượng cụ thể mình sẽ diễn ra sao. Sau tất cả sự nỗ lực của Mạnh Trường, vai Bác Hồ thời trẻ mà anh thể hiện đã nhận được nhiều lời khen ngợi.