Trăn là loài bò sát thuộc bộ Rắn, tuy nhiên khác rắn là không có nọc độc, và không giết con mồi của chúng bằng vết cắn. Thay vào đó, chúng sẽ cắn để giữ con mồi và sau đó quấn cơ thể đồ sộ của mình xung quanh con mồi. Mỗi lần con mồi của chúng thở ra, trăn sẽ lại siết chặt cơ thể của chúng thêm một chút quanh phổi con mồi, từng chút từng chút một và cuối cùng gây nghẹt thở để giết chết con mồi xấu số.
Dù được xem là loài bò sát khá hiền lành, nhưng có những lúc trăn cực kỳ nguy hiểm và hung dữ như khi nó bị bỏ đói lâu ngày, khi lột xác và khi canh giữ trứng.
Vậy Trăn có khả năng thuần dưỡng và huấn luyện được không? Tôi đã tìm đến NSND Tống Toàn Thắng (Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam) để nghe những câu chuyện của anh về 33 năm sống cùng hàng chục chú Trăn khác nhau và cách thuần phục các "bạn diễn" của mình.
Từ người sợ… lươn đến chuyện làm quen với trăn
"Tôi cũng không biết tại sao chuyện này lại thay đổi cả cuộc đời. Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, đến ngay bản thân con lươn tôi còn sợ. Đó là cái duyên cũng như bước ngoặt của cuộc đời cho mình cái tính rất mạnh dạn, bạo khi thuần hóa con trăn đó." Anh Thắng mở đầu câu chuyện khi bắt đầu bước vào nghề.
Ngày ấy, chàng thanh niên Tống Toàn Thắng bắt đầu tập luyện ở trường xiếc trong 5 năm. Từ một cậu bé rất yếu và nhút nhát, sau 5 năm trở về anh đã thay đổi hoàn toàn, trở thành một chàng thanh niên vạm vỡ như lực sĩ, nhiều người không nhận ra.
NSND Tống Toàn Thắng
Lý do anh bén với nghề huấn luyện trăn cũng rất đơn giản. Trước đó, anh có bức tranh lịch của Nga vẽ một cô gái với con trăn, bức tranh đấy treo ở nhà cũng 6 -7 năm. Thế rồi bỗng một ngày khi ngồi ngắm tranh, anh lại nảy ra một suy nghĩ...
"Ngày tôi nhìn bức tranh đó, tôi nghĩ giá như bức tranh không phải là con gái mà là con trai có cơ bắp rồi đường cơ bắp bóng lên cái màu láng bóng của trăn thì cảm giác về thiên nhiên hoang dã mạnh hơn nữa. Mọi người xem hẳn sẽ thấy thích hơn. Từ đấy tôi không thể quên được, dấu hiệu đầu tiên tôi nghĩ về và hướng về cái gì đấy làm thay đổi cuộc đời mình là từ lúc đó."
Chàng thanh niên ấp ủ những dự định, rồi lẳng lặng đi tìm hiểu. Hồi đó chợ Đồng Xuân có mua bán trăn, động vật hoang dã nhiều. Anh mon men đi chợ Đồng Xuân xem với tâm lý đầy sợ hãi, ớn lạnh.
Sau khi tìm hiểu từ chợ Đồng Xuân đến làng Lệ Mật, anh thấy là nuôi con trăn cũng không khó, quan trọng mình gần gũi với nó quen hơi rồi nó sẽ hiền đi. Chàng trai ấy lẳng lặng mua 1 con trăn 2,8kg, dài 60-70cm, anh đặt tên là Quýt.
Anh kể khi mang về cả gia đình đều rất sợ hãi, không cho nuôi, anh cố hết sức thuyết phục và cuối cùng cũng nhận được "cái gật đầu" của mọi người. Anh cho Quýt vào trong lồng bắt cáo nhỏ, hằng ngày đi bẫy chuột cho nó ăn.
Một tuần đầu anh chưa dám lại gần Quýt vì vẫn sợ, nên chỉ ngồi cả tiếng theo dõi. Hơn 1 tuần, Quýt cũng giảm bớt cảnh giác và đề phòng khi thấy người qua lại. Đánh liều, anh bèn lấy túi vải che đầu lại ôm vào người.
"Mình nghĩ nó sẽ bén hơi, có hơi người nó sẽ mất đi bản năng hoang dã của nó. Thực sự là sau những cách tiếp cận, dần dần tôi thấy nó thay đổi không còn hung dữ nữa. Mình vỗ về, vuốt ve thì nó thả lỏng người ra nghĩa là nó có cảm nhận bằng xúc giác."
Được đà lấn tới, anh chơi liều khi lên chợ mua tiếp một con 20kg to hơn con Quýt rất nhiều lần. Lúc này gia đình anh hoảng thật sự, nó không đơn thuần chỉ là con 70-80cm như Quýt mà nó dài hơn… 2m.
Bài học đầu tiên khắc cốt ghi tâm
Khi 2 con Trăn đã dần quen với mình, anh đánh bạo bế con to lên để vuốt ve nó. Tuy nhiên việc anh không ngờ được đấy là trăn cuốn rất chặt. Con vật hoang dã chưa thuần, nên khi trườn lên người bản năng của nó chỉ có mục đích siết chặt không cựa quậy, siết chết mới nhả ra.
Lúc đó, anh hoang mang, vì con Trăn cuộn chặt đến nỗi dây đồng hồ bật ra, tay anh tím ngắt máu không lưu thông được. Lấy lại bình tĩnh, anh thở nhẹ nhàng rồi, vuốt ve nó. Một lúc sau con trăn không có sự chống cự nên dần dần nới lỏng.
"Đây là cái tôi phải lưu ý hết sức, kể cả lúc tập luyện hay đi biểu diễn vì bản năng mạnh nhất của con trăn là khi cuốn và siết. Con người có thể chết vì cú siết như thế. Nó siết không phải tốc độ nhanh mà nó siết dần đến lúc sức siết mạnh nhất mình cũng đã biến thành con mồi rồi. Đó là kinh nghiệm ngay thời gian đầu tiên, và sau này tôi luôn cẩn thận những lúc như vậy".
Những màn biểu diễn của anh Thắng cùng những chú trăn của mình.
Mọi người nhìn vào thấy trăn thì nghĩ là làm sao nó thể hiện tình cảm được. Nhưng đối với anh Thắng thì những "bạn trăn" đều có sự giao tiếp, chỉ những người như anh mới biết được vì đã có sự gắn bó lâu dài. Anh bảo mùi cơ thể của mình, rồi cảm giác của bàn tay anh đụng vào người con trăn, nó cảm nhận được hết.
"Tôi có những chú trăn ngoan lắm, khi tôi đi vào chuồng ngửi thấy hơi tôi, nhất là bạn trăn Quýt sẽ tỉnh dậy. Bao giờ cũng thế, tôi ngồi đâu thì bạn ấy sẽ phải trườn lên và bò trên người tôi.
Nếu như tôi treo áo trên cái móc tôi đi ra ngoài luyện tập, khẳng định rằng 15 phút sau cái áo nằm dưới đất. Cái hơi của tôi ở áo làm bạn ấy trườn đi trườn lại nhiều lần. Trườn đến khi nào thấy chán, Quýt sẽ tự nhiên chui vào chuồng."
Những ngày tháng hoàng kim dưới ánh đèn rạp xiếc
Anh bảo với tôi, anh vẫn nhớ như in tháng 12/1991, khi khánh thành rạp xiếc TW đầu tiên, tiết mục trăn xuất hiện gần như là sự kiện lớn. Tiết mục của người NSND như là chiếc đinh của chương trình và mọi người đến đây xem một phần là do tiết mục của anh.
Những giây phút đầu, khán giả Hà Nội không tưởng tượng đây là trăn thật, anh nhớ họ gọi là trăn điện tử. Tuy nhiên, khi thấy anh bị con trăn cắn chảy máu thì lúc đấy mọi người rú lên; bảo nhau không thể nào lại trăn giả được.
6 tháng đầu tiên năm 91 ấy, ở rạp xiếc hôm nào cũng hết vé, thật sự không có chỗ ngồi nhiều người phải ngồi ở cầu thang. Từ đó, người ta biết anh nhiều và gọi với một cái tên huyền thoại "Thạch Sanh".
"Về sau này, mình vừa là người biểu diễn, người huấn luyện, người bạn, người bác sĩ của con trăn, mình là người chứng kiến những người bạn của mình sau khi cống hiến người mấy năm cũng phải chia tay vì tuổi già khi đó có rất nhiều cảm xúc. Ở đây đối với tôi may mắn nhất là những người bạn đó, mặc dù không biết nói, không biết thể hiện tình cảm." - NSND Toàn Thắng tâm sự.
NSND Tống Toàn Thắng kể chuyện thuần phục "Trăn tinh" phía sau sân khấu.