Chia sẻ với Báo Gia đình & Xã hội, NSND Thu Hiền cho biết NSND Trung Kiên vừa là người thầy, vừa là anh, vừa là đồng nghiệp, người đồng hương Thái Bình đáng kính. Sáng 27/1 khi hay tin, bà hết sức bàng hoàng bởi bà luôn giữ hình ảnh người thầy khỏe mạnh, luôn nhắc nhở học trò việc luyện thanh luyện giọng cùng việc duy trì tập thể dục.
Bà kể: "Ảnh hưởng lớn của thầy Trung Kiên là những năm tháng chiến tranh, thầy học Liên Xô về còn tôi khi đó đang ở liên khu 5 lại được đi biểu diễn cùng thầy. Đó là lần đầu tiên tôi được thấy nhạc sĩ Trung Kiên, ca sĩ Bích Liên, Khánh Vân. Chính những năm tháng biểu diễn nơi chiến trường, tôi vì ngưỡng mộ mà đã bắt chước phong cách âm nhạc".
"Sau Giải phóng Miền Nam, tôi được nhạc sĩ Hoàng Đạo, Trần Quý giới thiệu về học âm nhạc tại trường và chính thức được học thầy Trung Kiên năm 1977-1978. Thầy là người mang đến cho tôi tư duy âm nhạc, biết kỹ thuật, biết thanh nhạc, biết văn minh thế giới (tiếng Nga, âm nhạc Nga). Vì nhiều năm ở chiến trường, tiếp cận văn hoá hạn chế nên từ khi được học thầy tôi thực sự được mở mang rất nhiều", NSND Thu Hiền chia sẻ.
Bà cũng cho biết, sau khi được học thầy Trung Kiên, bà còn thân với vợ thầy - ca sĩ Thanh Nga. NSND Thu Hiền tâm sự, bà chưa thấy phụ nữ Hà Nội nào đoan trang, thương người, đảm đang, khéo léo như vợ thầy Trung Kiên. Với bà, bà ảnh hưởng, tiếp thu rất nhiều từ sự bác học, uyên bác, tư tưởng của thầy cũng như lối sống của cả hai vợ chồng.
"Lúc dạy tôi, thầy chưa là ngôi sao mà tôi đã thành ngôi sao thế nên, hồi đó cô Thanh Nga còn nói là nếu tôi đi diễn thì đưa thầy đi cùng kiếm thêm thu nhập. Vì thế ngoài là thầy dạy, tôi và NSND Trung Kiên còn là đồng nghiệp, đi diễn chung với nhau. Được đứng chung sân khấu cùng người thầy mà tôi vô cùng kính trọng là một may mắn lớn với tôi dù hồi đó mỗi lần diễn chỉ có 5-10-15 đồng thôi. Tối về tôi vẫn vào nhà thầy xin bát cơm, nói chuyện nghề vui vẻ. Tôi vẫn nhớ như in giai đoạn khó khăn", cô kể.
"Nhưng cuộc đời nhiều lúc éo le, lúc tôi là NSND rồi thì thầy lại chưa. Tôi là người ngồi trong Hội đồng xét tặng NSND cho thầy nhưng thầy vẫn rất vui vẻ. Sự ra đi của thầy khiến tôi bàng hoàng. Ngày 30/1 lễ viếng thầy, dù hôm đó dù có lịch biểu diễn tôi vẫn huỷ show để ra Hà Nội với thầy. Rất nhiều thế hệ học trò của thầy nhưng cùng vợ chồng thầy từ những thuở hàn vi là kỷ niệm sâu sắc nhất với tôi", NSND Thu Hiền bày tỏ.
Chia sẻ về sự ra đi của NSND Trung Kiên, ca sĩ Trần Thu Hà viết: "Chú Kiên! Cháu thực sự buồn, rất tiếc không kịp tới chia tay chú. Chú là người bạn rất thân của mẹ cháu, trong cả cuộc sống lẫn sự nghiệp thanh nhạc. Từ bé, cháu đã nhìn thấy sự tin cậy, tâm đầu ý hợp của chú và mẹ cháu. Thậm chí, khi chú chuyển lên Cục Nghệ thuật biểu diễn, người chú chuyển giao lại công việc Trưởng khoa Thanh nhạc Nhạc viện cũng là mẹ cháu. Khi mẹ cháu nằm viện vì ung thư, chú cũng quan tâm và hỗ trợ chăm lo rất nhiều cho mẹ cháu. Điều ấy cháu và gia đình luôn luôn cảm động ghi tâm.
Điều chú đã để lại cho cuộc sống, nhiều hơn cả sự nghiệp của một nghệ sĩ là sự ảnh hưởng. Anh Quốc Trung, và các cháu đều là những người nghệ sĩ chân chính, truyền cảm hứng cho đồng nghiệp và xã hội. Cháu trân trọng điều ấy. Chú đi về nơi ấy bình an!"
Ca sĩ Vũ Thắng Lợi bày tỏ sự ra đi của tác giả "Đất nước trọn niềm vui" là một mất mát lớn cho nền âm nhạc nước nhà. "NSND Trung Kiên là người mang hàm Giáo sư duy nhất của ngành thanh nhạc Việt Nam. Thầy là một gia tài đồ sộ về kiến thức thanh nhạc và âm nhạc cổ điển. Xin chia buồn cùng gia đình và anh Quốc Trung!".
Về phía nhạc sĩ Quốc Trung, anh nghẹn ngào gửi bố: "Cảm ơn bố đã mang con đến cuộc đời này. Cảm ơn bố đã dành cho con và 2 cháu Thiện Thanh và Đăng Quang một tình yêu vô bờ bến… Bố đã có cuộc đời đẹp mà con tự hào được là một phần trong đó. Sau này, ở một nơi nào đó. Con ước được gặp lại bố để gọi bố yêu quý của con một lần nữa. Chào bố!".
NSND Trung Kiên sinh năm 1939 tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, là con trai của nhà cách mạng Nguyễn Danh Đới. Sinh thời, ông là một tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Ông ghi dấu ấn với dòng nhạc cách mạng, qua các bài hát nổi tiếng như: "Đất nước trọn niềm vui", "Cô lái tàu", "Tình ca", "Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn", "Chào sông Mã anh hùng", "Quà tháng năm dâng Người", "Bài ca Trường Sơn", "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người"...
NSND Trung Kiên từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vào năm 1992, và cũng là ca sĩ đầu tiên của nước ta được cử giữ chức vụ này. Năm 2001, ông được phong tặng danh hiệu NSND.