Mới đây, tại chương trình Lời tự sự, NSND Thanh Ngoan đã tâm sự về chặng đường sự nghiệp của mình với nghệ thuật chèo. Cô nói:
"Tôi bước chân vào sân khấu chèo từ năm 13 tuổi, tính cả thời gian học tới giờ đã 43 năm theo nghề. Tôi hạnh phúc vì là một trong những người được sống trọn đời với nghệ thuật chèo.
Tôi sinh ra ở Thái Bình. Gia đình tôi sống ở cái nôi chèo, có nhiều anh chị em, cô dì chú bác tham gia công tác nghệ thuật. Vì thế nên tôi biết hát chèo từ khi còn rất nhỏ.
Tôi cũng là phụ nữ, giờ đã lên chức bà với gia đình hay mọi người bên ngoài tôi đều nhẹ nhàng, chỉ có lên sân khấu là phải dữ dằn, ghê gớm vì tôi phải đóng những vai cá tính.
Trong sự nghiệp của mình, tôi sợ nhất là bị viêm họng. Tôi thường đóng những vai dữ dội, bước ra là phải làm chao đảo sân khấu. Nếu viêm họng, tôi không thể bộc phát được hết giọng hát, khiến tôi thiếu tự tin.
Tôi sinh ra ở vùng biển, mọi người thường bảo ăn sóng nói gió, hợp với những vai cá tính. Vì thế nên khi ra sân khấu, tôi thường chọn các vai cá tính.
Vở chèo đầu tiên tôi tham gia là vai Đào Huế trong vở Chu Mãi Thuần. Tôi diễn nhiều vai lắm nhưng dù vai lớn hay vai nhỏ cũng đem lại cho tôi nhiều cảm xúc.
Vai nhỏ nhất tôi đóng là vai gánh tiền cho tổng Cóc đi thi. Thời gian đó trước năm 1987, tôi vừa ra nghề. Các chị trong nhà hát có hình thể đẹp được vào vai múa còn tôi hơi béo nên vào vai hai cô gánh tiền.
Từ vai nhỏ không hề có thoại tới vai lớn, tôi đều yêu và trân trọng nó. Trong một kịch bản đã xây dựng nên nhân vật thì dù nhỏ hay lớn cũng đều có số phận. Vì thế, tôi chưa bao giờ xem nhẹ vai nào. Lúc nào tôi cũng nghiên cứu, nỗ lực hết mình để diễn tròn vai.
Một vai tôi rất thích là Hoạn Thư trong vở Thúy Kiều, tôi được đóng từ 1990 và đến giờ vẫn nhớ như in từng lời thoại.
Tôi là một trong những người may mắn được Tổ nghiệp và đồng nghiệp yêu thương nên tham gia bất cứ cuộc thi nào cũng có giải. Giải thưởng đầu tiên tôi được vào năm 1981, khi mới 15 tuổi, về tận quê Thái Bình tôi thi".
Về thăng trầm của nghệ thuật chèo, NSND Thanh Ngoan nói: "Chèo Việt Nam có từ rất lâu rồi, trải qua nhiều giai đoạn. Tôi nhớ giai đoạn đầu vào khoảng năm 1951, tại chiến khu Việt Bắc. Sau 1986 là giai đoạn mở cửa, mọi người lo cơm áo gạo tiền nên không để ý tới sân khấu.
Đó là khoảng thời gian chèo chông chênh, không đi diễn được nhiều. Chúng tôi cũng tìm cách lôi kéo khán giả, nhưng không thành công lắm.
Tới sau 2000, chèo mới quay trở lại nhưng vẫn chưa thể tự mình nuôi chính cái nghiệp của mình. Các nhà hát vẫn được đầu tư nhưng chưa kéo được khán giả tới mua vé. Nghệ sĩ chúng tôi vẫn sống nhờ đồng lương nhà nước.
Tuy nhiên, những năm gần gây, chèo khởi sắc rất nhiều và được mọi người quan tâm. Nhà nước đã khẳng định chèo là bộ môn nghệ thuật của dân tộc, trải theo dòng văn hóa. Chèo đang sống lại với những hướng đi mới.
Chèo cũng như bất cứ bộ môn nghệ thuật nào khác, đều có những yêu cầu khắt khe. Với chèo, chúng tôi yêu cầu về thanh và sắc, nhưng thanh đưa lên trước sắc. Dù có đẹp đến đâu mà không có giọng hát cũng không theo chèo được.
Tôi có lợi thế về giọng hát, ngoại hình cũng không đến nỗi nào nên được nhận vào hát chèo. Sau đó, tôi mới nhận ra, chèo còn đòi hỏi cả về khí chất, nội lực, thần thái, múa, diễn. Trong nghệ thuật chèo, tính cường điệu và ước lệ rất lớn".