Vừa qua, tại chương trình "Người kể chuyện đời", NSND Thanh Hoa đã tâm sự về kỷ niệm với NSƯT Việt Hoàn:
"Tôi gặp Việt Hoàn lần đầu trong cuộc thi Tiếng hát Truyền hình kỷ niệm 100 năm thành phố Đà Lạt. Nói thật, lần đầu tiên nhìn thấy Việt Hoàn, tôi không có cảm tình vì người bé tí, lại đen nhẻm.
Nhưng đến khi Việt Hoàn cất giọng lên, cậu ấy thu hút được tôi ngay từ tiếng hát đầu tiên. Giọng hát Việt Hoàn rất có tình và đầy lửa. Cái lửa đó "đốt" được tất cả những người xung quanh Việt Hoàn, thể hiện niềm đam mê cháy rực. Chính tôi cũng đi theo để tiếp được cái lửa của Việt Hoàn, có thêm sức sống mãnh liệt.Tôi bất ngờ hơn khi biết Việt Hoàn thích nghe tôi từ nhỏ. Có lẽ giữa tôi và Việt Hoàn có một cái duyên nên tôi nghe Việt Hoàn một cái là thích luôn".
Tiếp đó, NSND Thanh Hoa chia sẻ về niềm tự hào của mình: "Thời đó, tôi có mở phòng trà Aladdin ở Hàng Buồm. Đó là phòng trà duy nhất tại Hà Nội khi ấy, là tụ điểm âm nhạc cho các nghệ sĩ hội ngộ.
Tôi tự hào rằng phòng trà của tôi là nơi chắp cánh cho rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi sau này. Đó là các thế hệ ca sĩ thành danh như Việt Hoàn, Anh Thơ, Hương Mơ, Lô Thủy, Trọng Tấn…
Sau này còn không biết bao nhiêu ca sĩ trẻ khác trưởng thành từ đó như Tân Nhàn, Tuấn Anh, Lê Anh Dũng… Tôi cũng không nhớ hết được.
Trong những tên tuổi đó, ấn tượng của tôi về Việt Hoàn quá sâu đậm. Tôi coi Việt Hoàn như em trai của mình.
Cả tôi và Việt Hoàn đều giống nhau ở một điểm là quá nhạy cảm, lại không có hình thức đẹp, vóc dáng quá nhỏ bé. Chúng tôi đều là nghệ sĩ nông dân, vượt qua nhiều khó khăn để tồn tại với nghề".
Về phía mình, Việt Hoàn cũng tâm sự về chuyện nghề nghiệp: "Có một thời kỳ khán giả quên lãng dòng nhạc chính thống, thính phòng, cách mạng. Thời đó những dòng nhạc trữ tình như anh Tuấn Vũ, anh Ngọc Sơn lên ngôi.
Những nghệ sĩ như chị em tôi khi ấy cực kỳ vất vả để làm nghề. Nhưng tới năm 1998, khi tôi và Trọng Tấn, Đăng Dương lên truyền hình hát Đường chúng ta đi, Việt Nam quê hương tôi thì khán giả lại ồ ạt quay trở lại với dòng nhạc cách mạng, thính phòng. Kể từ đó, cuộc sống của chúng tôi mới thay đổi.
Tôi nhận thấy, cái nghề này như một đồ thị hình sin, lúc lên lúc xuống, lúc thăng lúc trầm. Nhưng dù thế nào, chúng tôi vẫn trung thành với dòng nhạc mình theo đuổi và tin tưởng rằng, đến một lúc nào đó sẽ thành công, được đền đáp.
Chị Thanh Hoa cũng là một giáo viên đào tạo rất nhiều thế hệ ca sĩ. Trong lúc dạy, chị Thanh Hoa luôn hướng học sinh tới đúng đam mê, sở trường vốn có, đừng nhìn ngó sang bài của người khác. Làm được điều đó thì thành công.
Thực ra, người nghệ sĩ không phải ai cũng giàu có đâu. Không phải dòng nhạc nào, nghệ sĩ nào cũng kiếm được nhiều tiền. Nhưng đến với nghệ thuật chỉ nghĩ đến cát xê, đồng tiền thì không bao giờ trở thành nghệ sĩ được.
Phải kiên trì đi theo con đường của mình mới trở thành người đứng đầu, không ai thay thế được. Đố ai tìm ra người thay thế Trọng Tấn, Đăng Dương, Anh Thơ…
Các em trẻ bây giờ đa số không vững vàng khi đi theo con đường ca hát, vẫn phải chạy theo yêu cầu của bầu show. Chẳng hạn, các em đổ xô vào bài Ai chung tình được mãi".