Mới đây, tại chương trình Người kể chuyện đời, NSND Thanh Điền đã tâm sự về sự nghiệp của mình cũng như quan điểm nghề nghiệp.
Cha tôi cầm gậy đuổi theo, bắt đánh và quỳ
Tôi sinh ra ở Hậu Giang. Thời đó chiến tranh, tôi và bà bác đi chạy giặc tới tận Long Xuyên nên quê hương thứ hai của tôi ở Long Xuyên.
Tên thật của tôi là Nguyệt Chiếu vì tôi sinh vào đêm trăng rằm, cha tôi thấy ánh trăng chiếu xuống nên đặt tên như vậy, nghe rất nữ tính.
Cha tôi ngày xưa là một vị công tử, cao ráo, đẹp trai lắm, cũng có máu nghệ thuật. Tuy nhiên, cha lại cấm tôi đi theo con đường ca hát vì thấy gian khổ, không có tương lai. Má tôi là võ sư nhưng cũng cấm tôi theo nghề võ.
Nhưng tôi không vừa, cái gì cấm thì đi học lén hết, từ ca đến võ. Dưới Long Xuyên hồi đó có nhiều lò võ và đờn ca tài tử. Tôi đi học gian khổ lắm, phải đợi cha mẹ có công việc rồi lén đi cửa sau rồi chạy thật nhanh khỏi nhà. Tôi đi nghe người ta hát đờn ca và mê vô cùng, tự đếm nhịp, ca theo họ.
Cứ tối đến là tôi trốn ra ngoài đi xem hát, trời tối mù mịt mà tôi cứ thế chạy. Vừa chạy tôi vừa nghe tiếng xe đạp cọt kẹt phía sau, hóa ra là cha tôi cầm gậy đuổi theo. Bắt được, cha tôi đánh lên xuống, lôi về nhà bắt quỳ vì sợ tôi mê hát mà đi theo nghề này.
Nhưng lúc đó tôi lì rồi, vì mê hát quá nên không còn sợ đòn nữa, nói thẳng luôn với cha là cho tôi đi hát. Cha tôi suy nghĩ một hồi lâu. Đúng lúc đó có danh ca Ngọc Ẩn về chơi, tôi xin cha cho đi theo anh ấy và cha đồng ý.
Thái độ của tôi không phải lễ phép chào hỏi người ta
Tôi có đam mê và cũng rất thông minh, học rồi nhớ vào đầu rất nhanh. Giọng tôi lúc đó thanh nên ca cũng được, cất giọng lên là được mọi người khen. Tôi mê cải lương lắm, nghệ sĩ nào cũng mê hết.
Tôi nhìn các cô đào hát đánh mặt lộng lẫy. Đến bây giờ hình ảnh những cô đào hát đó vẫn còn trong tâm trí tôi. Tôi còn lén đứng núp trước cửa để xem các đào hát hóa trang.
Giờ nhìn thấy những khán giả cũng nhìn mình với ánh mắt đó, tôi lại nhớ về bản thân ngày xưa, nên trân trọng vô cùng.
Nghệ sĩ sống nhờ khán giả, giữ được khán giả hay không là điều quan trọng, phụ thuộc vào từng nghệ sĩ, vào cách sống, đạo đức và là minh chứng cho một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Không phải cứ đứng trên sân khấu thì là nghệ sĩ chuyên nghiệp đâu.
Một nghệ sĩ muốn giữ khán giả cần có thái độ đúng đắn. Thái độ của tôi không phải lễ phép chào hỏi người ta, mà là lên sân khấu hết mình, sống với nghệ thuật, cho khán giả thấy được mình đang sống với nhân vật, ca diễn rút ruột rút gan, thì mới thuyết phục được khán giả. Không thể chỉ ca cho có, cho xong mà không có hồn.