Mới đây, trên kênh Youtube của NSND Bạch Tuyết đã đăng tải một clip quay lại minishow kỉ niệm 60 năm ca hát của cô mang tên Gửi người tri kỷ.
Trong minishow, NSND Bạch Tuyết giải thích chuyện cô từ bỏ sân khấu cải lương ngay khi đang trên đỉnh cao để đi du học thạc sĩ, tiến sĩ. Cô nói:
"Trong thời đỉnh cao của tôi vào những năm 60, 70, cải lương cạnh tranh rất khốc liệt, đầy rẫy những cô đào hát, kép hát tài năng xinh đẹp.
Thời đó, người ta bảo đào hát còn không dám đẻ vì nghỉ đẻ xong là có người khác thay thế mình ngay. Vậy nhưng giữa lúc đỉnh cao ấy, tôi vẫn quyết định tạm dừng sự nghiệp.
Ba Năm Châu có dạy tôi, nghệ thuật diễn xuất là bắt chước cái ngoài đời, làm sao cho giống thật nhất thì người ta tin.
Tức là cái giả trên sân khấu phải bắt nguồn từ cái thật ở ngoài đời. Đó mới là cái giả của sân khấu. Cái giả của sân khấu không phải giả khơi khơi, giả trân, giả tạo.
Phải rất lâu tôi mới hiểu được câu nói này. Khi được khán giả thương, tôi nhận ra rằng, một khán giả đến với mình rồi sẽ có gia đình, có con có cháu. Tôi phải làm sao để đến khi cháu của họ nghe tôi cũng phải nể phục, chứ không có kiểu đến đời cháu nghe lại rồi bảo "ông bà mình nghe bà nào hát chẳng ra gì".
Sau đó, tôi thấy nghệ thuật cải lương là quá quý báu với dân tộc này, nên tôi phải có trách nhiệm với nó, không thể phụ lòng khán giả được. Muốn được như thế thì mỗi ngày đều phải học hỏi, rèn luyện, không thể dậm chân tại chỗ.
Tôi tin, khi đi học một thời gian rồi trở lại sẽ có một cái mới để cống hiến cho quý vị khán giả. Quý vị khán giả đã yêu mến mình rồi chắc chắn cũng mong chờ mình phải mới hơn, có gì đó sâu hơn, cao cấp hơn. Chính vì thế nên tôi mới quyết định ngừng hát khi đang trên đỉnh cao để ra nước ngoài du học".
Tiếp đó, NSND Bạch Tuyết kể lại khoảnh khắc xúc động nhất cuộc đời mình khi diễn cho các chiến sĩ tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Cô nói:
"Vở diễn tôi thành công nhất và nhớ nhất cuộc đời mình là Thái hậu Dương Vân Nga. Tôi nhớ năm đó, tôi diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, có đến một trăm mấy chục lãnh sự đại sứ quán đi xem. Ngoài ra, còn có 100 chiến sĩ đánh thắng tất cả các mặt trận được về tham dự để xem tôi diễn.
Tôi vừa hát xong, 100 chiến sĩ cùng đứng lên vỗ tay suốt 5 phút. Tôi đứng trên sân khấu mà khóc ròng, nước mắt tầm tã. Tôi không thể diễn tả lại cảm giác hạnh phúc, thăng hoa lúc đó, khi dân tộc, nghệ sĩ và chiến sĩ hòa làm một".
Cô cũng tiết lộ một câu chuyện nhỏ đáng ngưỡng mộ về nhân cách của thầy mình là NSND Phùng Há – người từng được xem là Tổ nghề sống của cải lương Nam Bộ.
NSND Năm Châu và NSND Phùng Há
"Người thầy vĩ đại của tôi là NSND Phùng Há. Tôi còn nhớ, khi má Bảy Phùng Há được phong NSND, má có nói với các bác lãnh đạo rằng: "Mấy ông ơi, tôi có một người thầy. Không có người đó thì không bao giờ nên danh được Phùng Há này.
Bây giờ, thầy tôi chưa được NSND mà tôi được thì tôi xấu hổ, thẹn thùng và bất nghĩa lắm. Bởi vậy nên nếu các ông có công nhận tôi thì làm ơn phong cho thầy tôi trước đi rồi hẵng tới tôi".
Nhờ câu nói đó của má Bảy Phùng Há mà nghệ sĩ Năm Châu được phong NSND" – NSND Bạch Tuyết kể.