Nhà của NSND Như Quỳnh ở phố Hàng Đào, con phố mà ngày cũng như đêm, ngày thường cũng như Lễ tết lúc nào cũng sầm uất, tấp nập. Kể từ khi nó trở thành tuyến phố đi bộ đầu tiên của Hà Nội hơn 10 năm trước, sự sầm uất còn mang màu ô tạp.
Nhưng chỉ cần rẽ vào hành lang nhỏ và tối, bước vài bậc thang lên căn gác tầng 2, nơi gia đình NSND Như Quỳnh đang sống, bao nhiêu bát nháo, bao nhiêu ồn ã, bao nhiêu dư cặn của phố thị như có bức màn ngăn vô hình dừng lại hết ngoài kia.
Người bạn đời của NSND Như Quỳnh là nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Bảo – người vừa được trao tặng giải thưởng cao quý Bùi Xuân Phái 2017. Ông là người ham di chuyển, ưa nhặt nhạnh.
Những món đồ sưu tập từ các chuyến đi, tấm poster cỡ lớn có chân dung cô con gái xinh đẹp, một bó lá sen khô cắm trên giá sách, những cành đài sen đã ngả màu đen sẫm, bộ bàn ghế mây cũ kê vài chiếc gối tựa đã bạc màu… tất cả hiện diện trong căn phòng khách hẹp khiến người ta có cảm giác như đang hít thở các lớp thời gian chồng chất đặc quánh Hà Nội xưa.
Giữa một bối cảnh như thế, và trước một gương mặt đẹp nổi tiếng tĩnh tại, làm sao có thể không nghĩ rằng chủ nhân của căn phòng - NSND Như Quỳnh - là một người phụ nữ bảo cổ đến mẫu mực.
Một người mẹ Hà Thành điển hình ngày ngày nỗ lực gìn giữ nếp nhà, cũng yêu thương và hết lòng vì con cái, cũng lấy sự chăm sóc con cháu làm niềm thú vị của tuổi xế chiều, cũng bất lực thở dài khi những người con quá mải miết với cuộc sống mà lãng quên bậc sinh thành lặng lẽ kề bên.
Nhưng người mẹ tưởng là bảo cổ ấy hóa ra lại mang cái nhìn đầy rộng mở, bao dung, không chút câu nệ chấp trước những lề lối gia phong truyền thống hay viện dẫn phép tắc xưa cũ để áp đặt lối nghĩ lên con trẻ và cả những người trẻ hiện đại. Cuộc trò chuyện với NSND Như Quỳnh vì thế trở nên thú vị đến bất ngờ.
Không ít khán giả đã bày tỏ sự ngạc nhiên thích thú khi xem các MV, clip mà NSND Như Quỳnh tham gia gần đây, nhất là tại Activation "Chạm vào bàn tay mẹ" diễn ra ở phố đi bộ Hồ Gươm. Là một nhân vật của sự kiện, đồng thời cũng là một khán giả, cảm xúc của cô thế nào khi tham gia vào sự kiện tôn vinh mẹ của những người trẻ hiện đại?
Từ trước tới nay, tôi ít khi làm những MV hay clip như vậy. Tuy nhiên, khi ê-kip dự án mang kịch bản đến cho tôi và trình bày những ý tưởng của các bạn ấy thì tôi bị thuyết phục. MV "Chưa bao giờ mẹ kể" hay sự kiện "Chạm vào bàn tay mẹ" đã thực sự giúp chính những người mẹ như tôi cảm giác được nói hộ nỗi lòng mình. Câu chuyện về tình mẫu tử là một vấn đề rất đáng bàn của xã hội chúng ta hôm nay.
Các bạn trẻ bây giờ đa phần mải mê sự nghiệp cùng vô vàn những bận tâm riêng tư mà lãng quên tình cảm cha mẹ. Trong nhà tôi cũng thế thôi, nhiều khi thấy các con quá mải miết với bên ngoài mà buồn.
Có những sự kiện như Chạm vào bàn tay mẹ sẽ giúp các bạn ấy được tỉnh thức, nhận ra, nhớ ra ngoài cuộc sống sôi nổi này thì vẫn còn những điều vô cùng ấm áp. Đó chính là cha mẹ, là mái ấm đơn sơ nhưng bền vững để quay về, để tựa vào nghỉ ngơi.
Tôi đặc biệt cảm động trước hình ảnh bàn tay mẹ mang tính biểu tượng cho sự kiện. Chạm vào bàn tay mẹ - hình ảnh ấy quá đỗi quen thuộc và giản dị nhưng lại biểu đạt biết bao ấm áp, thiêng liêng của tình mẫu tử.
Tôi lại nhớ con gái bé của tôi, từ lúc còn nhỏ cho đến giờ là 25 tuổi, mỗi lúc ở cạnh mẹ là lại vuốt ve cánh tay của mẹ như một thói quen khó bỏ. Tôi nghĩ chạm vào bàn tay mẹ là nhu cầu bản năng của mỗi người con.
Tình mẫu tử hẳn nhiên là muôn đời vẫn vậy, không phân biệt tôn giáo, chính trị, nền văn hóa hay thế hệ. Chỉ có điều sự biểu đạt của nó mỗi thời mỗi khác và mỗi nơi mỗi khác. Như người mẹ phương Tây họ chọn việc đi bên lề cuộc đời con để dõi theo con, còn người mẹ phương Đông lại đi sát sau lưng con để che chở cho con đến hết đời. Cũng là một người mẹ, cô thích cách yêu con như thế nào?
Bạn nói đúng, phương Đông hay phương Tây thì tình mẫu tử cũng như nhau cả thôi. Có cách thể hiện thì khác biệt. Ngay ở xã hội chúng ta, cách thể hiện giữa thế hệ ngày xưa và thế hệ hôm nay cũng khác. Tôi nghĩ, thể hiện tình yêu và sự săn sóc dành cho con như thế nào để cả hai bên đều cảm thấy thoải mái và chấp nhận được mới là điều quan trọng.
Các cụ ngày xưa, thấy con về muộn giờ cơm một chút là giục giã, thậm chí trách mắng. Còn ngày nay, mình phải hiểu và thông cảm với công việc và nhịp sống của con để ứng xử. Có lẽ tôi vẫn thiên về người mẹ phương Đông hơn, muốn gắn bó với cuộc sống của con thay vì đứng bên lề, thi thoảng gọi điện hỏi thăm dăm câu ba điều.
Bản thân tôi cũng có cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài nhiều qua các công việc, tôi thấy rằng phương Tây ngày càng có xu hướng quay về các giá trị gia đình, gắn kết hơn mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Có lẽ họ đã nhìn sang phương Đông và thấy rằng gia đình của người phương Đông ấm áp hơn chăng?
Có lẽ tôi vẫn thiên về người mẹ phương Đông hơn, muốn gắn bó với cuộc sống của con thay vì đứng bên lề, thi thoảng gọi điện hỏi thăm dăm câu ba điều.
Ngày nay, người ta cổ vũ các bậc cha mẹ nên học theo phương Tây, đó là cần hưởng thụ một tuổi già được nghỉ ngơi đúng nghĩa khi đã dành cả tuổi thanh xuân để lo toan cho con cái, thay vì tiếp tục phục vụ cho con cho cháu đến lúc không còn sức lực. Cô có ủng hộ quan điểm sống này hay không ạ?
Người phương Đông thường lấy sự chăm sóc con cháu làm điều thú vị trong cuộc sống xế chiều của mình, và nó giống như một nhu cầu không thể sống thiếu. Bản thân tôi không khác được. Tôi có cháu ngoại gần 2 tuổi, nếu cách ngày không đến thăm nó thì cứ thấy thiếu gì đó, tâm trí không yên, cứ bồn chồn lo lắng không biết cháu thế nào, dù vẫn gọi điện nhắn tin liên tục.
Hai vợ chồng nghỉ hưu, gọi là biết hưởng thụ, vẫn đi du lịch nghỉ dưỡng, nhưng luôn rủ các con cháu đi chơi cùng. Thực sự chỉ có ở phương Đông mới có chuyện đi du lịch theo gia đình với nhiều thế hệ khác nhau như vậy.
Nhưng rõ ràng bản thân mình thấy rằng phải có con cháu đi cùng mới vui và thỏa mãn cái kì nghỉ ấy. Cho nên, tôi nghĩ quan điểm còn tùy thuộc vào từng người. Điều quan trọng là mình thấy vui và hạnh phúc.
Thực sự chỉ có ở phương Đông mới có chuyện đi du lịch theo gia đình với nhiều thế hệ khác nhau như vậy. Nhưng rõ ràng bản thân mình thấy rằng phải có con cháu đi cùng mới vui và thỏa mãn cái kì nghỉ ấy.
Trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật với các thành viên đều là những nghệ sĩ lớn, mối quan hệ mẹ con của thế hệ mẹ cô và thế hệ cô có khác nhau nhiều hay không?
Cũng có khác nhiều, nhưng không phải theo xu hướng như mọi người nghĩ đâu nhé. Mẹ tôi ngày trước vì là đào chính của đoàn hát nên mỗi lần sinh con bà chỉ được nghỉ 2-3 tháng, thậm chí hơn 1 tháng đã phải đi làm. Vì thế lúc chúng tôi còn nhỏ, mẹ giao cho vú em trông nom.
Mẹ tôi không cho con bú vì còn phải giữ dáng. Mẹ vẫn gần gũi với các con nhưng không thể tự tay chăm sóc các con được vì công việc quá bận rộn, chỉ dặn dò người giúp việc làm cái này cái nọ cho con mà thôi. Bởi thế ít nhiều giữa mẹ và con có sự xa cách nào đó.
Đến thế hệ tôi thì khác. Một phần nhờ mình được tiếp xúc với những tư tưởng mới nên tháo vát hơn. Tôi cũng là diễn viên sân khấu nhưng vẫn cho con bú bình thường, biết cách sắp xếp thời gian để tự tay chăm sóc con nhiều hơn.
Những lúc đi xa nhà mấy tháng trời, ngày nào tôi cũng phải điện cho chồng hoặc người giúp việc để hỏi han, dặn dò. Có lần cả tôi và chồng tôi đều tham gia một dự án phim nước ngoài trên Hà Giang kéo dài nhiều tuần, hàng sáng cứ 6 giờ là tôi gọi điện cho con để bảo con dậy đi học. Lúc nào cũng lo con muộn học bị cô giáo trách phạt.
Có khi nào vì đi diễn, quay phim triền miên mà cô bỏ lỡ những dấu mốc trưởng thành của con hay không thể ở bên con khi con có những vấp váp trong đời sống tinh thần hay không ạ?
Rất may mắn là khi các con trưởng thành thì tôi đã dừng nghiệp diễn rồi. Vì thế tôi có điều kiện được ở bên cạnh con, chia sẻ với con. Nếu vì công việc bận rộn mà phải để các con tự vượt qua những trở ngại của chúng thì thực sự đáng tiếc. May mà tôi không bị như vậy.
Có một xu thế khá phổ biến hiện nay ở những người mẹ trẻ hiện đại là họ học theo cách người phương Tây rèn cho con ngủ riêng và tự ngủ ngay từ lúc sơ sinh với lý do để cho trẻ tự lập. Lại có những nhà cho con ngủ với giúp việc để con không bện hơi mẹ. Theo cô, cách rèn con này có ảnh hưởng đến sự gần gũi giữa mẹ và con hay không ạ?
Bạn biết không, tôi cũng phải rèn cho con tự ngủ. Bắt buộc thôi, vì tối mình đi diễn chứ có ở nhà với con được đâu. Nhưng tôi nghĩ, với mọi người mẹ, thì ôm ấp cưng nựng con là một nhu cầu bản năng.
Tôi nghĩ có thể do các bạn trẻ ấy quá bận rộn với công việc, hoặc không có năng lực chăm sóc con chu đáo mà lại có thể tìm được người giúp việc tin cậy để giao con, nhưng trong trái tim của người mẹ thì họ cũng yêu thương con như tất cả những bà mẹ khác. Mối quan hệ mẹ con gần gũi hay không còn cách mình chăm sóc, quan tâm, dành thời gian cho con nữa.
Ngược lại, phía các con của mình, có khi nào cô rơi vào tình cảnh chung của các bà mẹ hiện đại, đó là nhiều lúc cảm giác con cái như quên mất mình có bố mẹ hay không?
Có chứ, có nhiều đấy. Nhưng mình nghĩ rộng ra một chút, bao dung với chúng một chút, nếu không sẽ buồn lắm. Tôi vẫn thường khéo léo nhắc nhở con.
Ví như con gái thứ hai của tôi có những khi nhiều ngày liền không ăn cơm nhà, tôi lại phải gọi điện bảo hôm nay mẹ làm món này ngon lắm, hay hôm nay chị đưa em bé về chơi đấy, con nhớ về ăn cơm nhé. Cứ nhẹ nhàng như vậy để con bé hiểu là nó vẫn có một gia đình, vẫn có bố mẹ ở bên.
Cô không trách mắng con sao?
Không, tôi nghĩ mình có nói thế nói nữa cũng không có tác dụng gì nhiều. Nói bằng lời chúng chẳng nghe đâu. Không gì dạy con tốt bằng việc làm gương. Bản thân mình hết lòng với con và với bố mẹ mình thì con mình sau này cũng sẽ như vậy. Bố đẻ tôi hiện giờ ở với hai con gái. Hằng ngày tôi vẫn lên phòng ông để xem ông ăn uống thế nào, đôi khi chỉ để vấn an.
Bọn trẻ thì chúng không để ý đến việc đó. Có khi ăn cơm xong là chạy tót lên phòng, hoặc khi chúng đi làm về thì ông đã về phòng nghỉ ngơi từ lâu. Lúc đó mình lại phải nhắc nhở con là mấy hôm không lên thăm ông rồi đấy. Cứ nhẹ nhàng nhắc nhở như vậy, rồi chúng sẽ nhận ra tình cảm gia đình là thứ cần được vun đắp hằng ngày, từ những việc nhỏ nhặt nhất, thì mới có thể gần gũi, khăng khít với nhau.
Chúng cũng sẽ tự ảnh hưởng từ cách mình chăm sóc bố mẹ mình và chăm sóc các con để sau này sẽ chăm sóc mình và các con của chúng. Sự ảnh hưởng đó diễn ra rất tự nhiên, như cái gen chảy trong huyết quản vậy, không thể khác đi được.
Cảm ơn cô về cuộc trò chuyện này!