Từ "Hoa khôi màn ảnh đen trắng"
NSND Minh Đức sinh năm 1943, tại Hà Nội. 16 tuổi, bà bắt đầu theo học ở trường Điện ảnh Việt Nam và sớm có được thành công trong sự nghiệp diễn xuất.
Vai diễn đầu tiên của NSND Minh Đức là cô Biển, một công nhân nhà máy xi măng Hải Phòng trong bộ phim "Khói trắng" của đạo diễn Tiến Lợi. Năm 1964, đạo diễn Hải Ninh đã chọn Minh Đức vào vai Thoan trong "Người chiến sĩ trẻ".
Diễn xuất mặn mà và vẻ đẹp trong trẻo của một cô gái Hà Nội đã thuyết phục khán giả trong và ngoài nước. Tại liên hoan phim Matxcơva năm 1965, lúc chiếu cận cảnh khuôn mặt Minh Đức, cả khán phòng vỗ tay không ngớt.
Bà được khán giả và đồng nghiệp coi là hoa khôi của màn ảnh đen trắng.
NSND Minh Đức và Mỹ Uyên trong Nước mắt loài cỏ dại.
Ở tuổi gần 80, NSND Minh Đức lại một lần nữa "hâm nóng" giới mộ điệu bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Bà được khán giả biết tới rộng rãi qua những vai diễn hiện đại, "xì tin" như: mẹ An Đông trong "Cô gái xấu xí", bà Đại trong "Em là bà nội của anh", bà nội trong "Gạo nếp gạo tẻ", bà Ngọc Tâm trong "Đồng tiền muôn mặt"…
Ở độ tuổi U80, nghệ sĩ Minh Đức vẫn tất bật với các dự án phim ảnh, truyền hình, quảng cáo... Đó là điều hiếm hoi đối với nghệ sĩ lớn tuổi, nhất là trong thời buổi điện ảnh truyền hình dần bị "bão hòa" như hiện nay.
Mới đây, vai bà Hai Đài - chủ một gia tộc giàu có ở Đà Lạt trong "Nước mắt loài cỏ dại" của NSND Minh Đức lại một lần nữa khiến khán giả không thể quên.
Bộ phim "Nước mắt loài cỏ dại" vừa lên sóng 2 tập đầu tiên nhưng thân thế của các nhân vật bắt đầu lộ diện với những số phận và bi kịch khác nhau, và dường như mọi biến cố đều bắt nguồn từ bà Hai Đài - nhân vật do NSND Minh Đức thủ diễn.
Đây là một vai tính cách của NSND Minh Đức.
Đến... bà mẹ đẻ ác nhất màn ảnh Việt
Ngôi biệt thự nguy nga tráng lệ của bà Hai Đài ở Đà Lạt, bên ngoài thật bình yên nhưng trong nội bộ gia tộc giàu có ấy là sự ganh ghét, đố kỵ, hơn thua.
Người chủ gia tộc – bà Hai Đài bắt đầu xuất hiện đầy quyền lực trong khi cô con dâu thứ -Phương lắm mưu mô thủ đoạn. Cậu bé Khang thiệt thòi, ấm ức bao nhiêu thì "cậu ấm" Việt cũng giống hệt tính mẹ, cậy thế, biết diễn trò và luôn lên mặt.
Những ký ức đan xen giữa quá khứ và hiện tại của từng nhân vật bắt đầu dần hiện lên, rõ nét hơn, đầy bi kịch và lắm góc khuất về gia đình bà Hai Đài.
Bà Hai Đài vốn là người lạnh lùng, lắm âm mưu, thủ đoạn, xảo biện và cả sự tàn nhẫn. Chi tiết, bà quyết sai đám gia nhân trong nhà đi vào hang gió cuốc ngôi mộ cha mẹ của một cô gái nghèo với thái độ đầy quyết tâm đã bộc lộ tính cách đó.
Trớ trêu hơn, hai gia đình từng có nhiều năm thân thiết trước khi toàn bộ đất đai, gia sản của gia đình kia rơi vào tay bà. Bất chấp việc cô gái van xin bà đừng đào mồ cha mẹ mình lên, bà vẫn không tiếc tay.
Ngay cả khi, cô gái bị đẩy vào đường cùng, cảnh báo bà trong tương lai cũng sẽ gặp quả báo, bà vẫn dương dương tự đắc, không hề sợ sệt gì vì nghĩ với thân phận thấp hèn đó cô gái có thể làm được gì mình và gia tộc.
Một người đàn bà lạnh lùng, thủ đoạn, tàn nhẫn, không từ thủ đoạn để đạt được mục đích. Thậm chí là cả với con ruột của mình. Đó là vai diễn mới của NSND Minh Đức.
Với người ngoài đã vậy, với con cái trong nhà bà cũng thể hiện sự độc tài, độc đoán, chỉ thích làm theo ý mình.
Cô con gái duy nhất tên Kiều, bà có chút day dứt vì bị con oán hận, bỏ nhà ra đi bao năm không quay về. Năm xưa, Kiều trót yêu anh giáo nghèo nhưng vì không môn đăng hộ đối bà ra sức cấm cản.
Thậm chí, bà nhiều lần lên trường học sỉ vả, mắng nhiếc anh không tiếc lời. Đôi lứa nhất quyết đến với nhau, có cô con gái tên Thảo mọi chuyện vẫn không bình an.
Không chấp nhận con rể nghèo hèn, bà ép cả hai ly hôn, cấm cha con gặp nhau. Cô Kiều đã phải thốt lên: "Tại sao mẹ độc ác như vậy" bà vẫn không mảy may quan tâm.
Với bà, cô con gái duy nhất này phải được gả cho nơi tương xứng và luôn lấy lý do làm tất cả vì con nhưng Kiều đáp trả cứng rắn "Mẹ thương con hay lo cho danh dự của mẹ". Khi Kiều mang con đi nơi khác sống biệt tích, bà lại ép cô mang cháu ngoại về, phải đi bước nữa.
Đỉnh điểm câu chuyện khiến tình mẹ con rạn nứt đó là khi Kiều thề dù có ăn mày cũng không bước chân về nhà bởi "hành động của mẹ đã giết chết con". Bà Hai cũng không vừa khi tuyên bố nếu cô vẫn cứ quyết ra đi sẽ xóa tên khỏi gia phả, cắt đứt quan hệ.
Với Kiều là vậy, với cậu con trai cả, bà Hai còn làm những chuyện động trời hơn. Khi Thành đem lòng yêu cô gái nghèo, cũng vì sự sang hèn đó bà đến gặp cô gái và đặt điều kiện hoặc cô phải rời xa Thành đi lấy người khác hoặc mộ phần người cha vừa mất hơn một năm sẽ bị đào lên vì đất đai nhà cô đã thuộc về tay bà.
Cô gái ngậm ngùi chấp nhận còn Thành vật vã trong đau khổ.
"Nước mắt loài cỏ dại" được người trong nghề xem là một bộ phim "truyền hình điện ảnh" vì góc quay quá đẹp, hình ảnh quá đẹp và được đầu tư chỉn chu cả về diễn xuất cũng như hiện trường.
Bà quyết mai mối Thành cho Ngọc – con gái một nhà giàu có khác với lý do nhà đó lắm tiền nhiều của lại là con gái một nên gia sản sẽ thuộc về mình bất chấp việc Thành khẳng khái "con lấy họ hay lấy của cải nhà họ". Chính bà là người dàn xếp lúc Thành say xỉn, ép Ngọc phải ở lại chăm sóc.
Khi cả hai vợ chồng bắt đầu có tình cảm quấn quýt, biết tin gia đình thông gia hóa ra chỉ còn cái vỏ, cơ ngơi, gia sản, địa vị đều mất hết bà trở mặt với Ngọc. Bà ép Thành ly hôn Ngọc, tỏ thái độ ra mặt với cô.
Sau này, chính Thành nhắc lại chuyện "mẹ là người đẩy Ngọc đến chỗ chết". Thành gà trống nuôi Khang bấy nhiêu năm, không biết bao lần bà muốn anh đi bước nữa để bà "chết được nhắm mắt" nhưng anh đã lập lời thề ở vậy suốt đời. Không biết, có phải vì Thành mà bà Hai luôn lạnh nhạt, nghiêm khắc với Khang đến thế.
Hóa ra, những tưởng "sống chung với mẹ chồng" đã là vạn lần khổ đau thì hai người con ruột của bà Hai Đài sống với mẹ đẻ còn cay đắng gấp bội phần. Bi kịch, đớn đau cuộc đời họ cũng do bà mà ra.
Chia sẻ về vai diễn này, NSND Minh Đức cho hay, ở cái tuổi này còn sức khỏe để làm nghề là một may mắn và hạnh phúc. Vai chính diện hay phản diện, vai lớn hay vai nhỏ không quan trọng. Quan trọng là khán giả có nhớ tới những nhân vật mà bà đã đóng hay không.