NSND Lê Tiến Thọ: "Nghệ sĩ phải luôn hướng đến cái tốt đẹp, làm điều có ích cho nhân dân"

Hoàng An |

Gần đây, câu chuyện làm từ thiện thiếu "minh bạch" và cách ứng xử trên không gian mạng của một bộ phận giới văn nghệ sĩ gây nhiều "ồn ào" trong dư luận.

Thủy Tiên, Hoài Linh có nhiều tai tiếng trong làm từ thiện. Ảnh: K K.

Thủy Tiên, Hoài Linh có nhiều tai tiếng trong làm từ thiện. Ảnh: K K.

NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, hiện nay Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang xây dựng quy tắc ứng xử những hoạt động chung, trong đó có việc đứng ra kêu gọi tài trợ, làm từ thiện của nghệ sĩ. Việc làm này thể hiện tinh thần trách nhiệm của một cơ quan quản lý Nhà nước.

Về hiện tượng thiếu "minh bạch" trong cách làm thiện nguyện, ông Thọ cho rằng, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc và có một kết luận chính thức mới giải mã hoạt động từ thiện của một số nghệ sĩ diễn ra như thế nào.

Quan điểm của ông Thọ là bất kỳ cá nhân hoặc người nổi tiếng nào muốn làm từ thiện phải định hướng hoạt động của mình, phải làm việc với Mặt trận Tổ quốc, lãnh đạo địa phương, rồi lên phương án hoạt động trong thời gian bao lâu, quá trình làm phải công khai rộng rãi. Nếu cách làm từ thiện có sai sót, cơ quan Nhà nước sẽ nhắc nhở kịp thời.

Theo NSND Lê Tiến Thọ, hiện nay những quy định về hoạt động từ thiện chưa được rõ ràng, người làm từ thiện cũng chưa nắm "đường đi nước bước" cụ thể như thế nào, họ chỉ mang cái nhiệt tình và muốn đánh bóng tên tuổi của mình rồi hành động dẫn đến những tình huống không tốt, mang tiếng xấu, cuối cùng tự họ trả giá.

Ông cho rằng trong thời gian tới, cấp Bộ và Sở Văn hóa các tỉnh thành cần quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động từ thiện của văn nghệ sĩ, tránh nhiều tai tiếng. Trường hợp nào dựa vào danh tiếng để lợi dụng, làm thất thoát thì phải chịu trách nhiệm, nếu có tai tiếng nhưng không sai thì phải có thông báo để người dân hiểu, có cái nhìn khách quan hơn.

"Nghệ sĩ phải luôn hướng đến cái tốt đẹp, làm điều có ích cho nhân dân, nếu dân khó khăn, nghệ sĩ một lòng hướng về giúp đỡ thì cần phải khuyến khích. Ngoài những "mục đích cá nhân", chúng ta cũng phải đánh giá họ về sự nhiệt tình, nên khen ngợi", NSND Lê Tiến Thọ nói.

Liên quan đến vấn đề này, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có 6 đơn vị trực thuộc Bộ gồm: Hội Điện ảnh, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Nhạc sĩ được đề nghị tham gia góp ý xây dựng cho dự thảo bộ Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ.

Mục đích của bộ quy tắc là nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, chuẩn mực đạo đức của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. 

Về quy tắc ứng xử, dự thảo quy định nghệ sĩ phải tuân thủ quy định của pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Đặc biệt, Bộ cho biết, dự thảo cũng đưa ra Quy tắc ứng xử trong hoạt động xã hội. Theo đó, nghệ sĩ có trách nhiệm và "minh bạch" trong các hoạt động xã hội, tích cực, đóng góp cho cộng đồng, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng. Có lối sống trong sáng, lành mạnh, giữ gìn hình ảnh, tác phong, uy tín trước công chúng và xã hội.

Là một người yêu nghệ thuật, anh Nguyễn Hậu Giang (Hà Nội) bày tỏ, hết sức ủng hộ các quy định để chấn chỉnh, đem lại chuẩn mực cho hoạt động nghệ thuật.

Theo anh Giang, thực tế ở nước ta có hiện tượng nghệ sĩ càng nhiều scandal lại càng nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền hơn. Bên cạnh đó, lượng người hâm mộ cuồng nhiệt luôn xoay quanh nghệ sĩ làm họ đôi khi "ảo tưởng" bất kỳ ai cũng không được chạm vào mình.

"Về đạo đức, ứng xử, tôi cho rằng cần sự vào cuộc của các cơ quan liên quan để có cuộc điều tra về việc "minh bạch từ thiện" của giới văn nghệ sĩ nhằm xóa đi mảng tối này, lấy lại sự trong sáng cho chính họ", anh Giang nói. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại