Mới đây, chương trình "Lời tự sự" lên sóng với khách mời là NSND Lê Khanh. Trong chương trình, nữ nghệ sĩ sinh năm 1963 đã trải lòng về chặng đường hoạt động nghệ thuật suốt 50 năm qua.
"Chị Lê Vân và em gái Lê Vy đều lấy chồng nước ngoài và dừng lại đúng lúc"
Như câu mọi người hay nói là "nghề chọn người", chắc chắn điều đó không sai đối với các thành viên của gia đình tôi. Gia đình tôi tính đến bây giờ đã sang đời thứ 4 làm nghệ thuật rồi.
Chính xác thì tôi làm nghệ thuật từ trong bụng mẹ, mẹ diễn gì thì tôi diễn đó, tôi trải nghiệm trên sân khấu ấy với mẹ từ khi còn là bào thai cơ. Cho nên thế giới quan của tôi chỉ có nghệ thuật.
Tính như vậy thì nghệ thuật sân khấu là sớm nhất, nhưng theo thể loại thì cả điện ảnh và sân khấu tồn tại song song. Lúc làm phim, lúc làm kịch. Tôi cũng không có một ước mơ gì khác ngoài được biểu diễn.
Những năm chiến tranh ác liệt, có lúc theo bố mẹ đi sơ tán xa, khi mình vui chơi thì cũng chỉ là tập kịch hoặc một mình thơ thẩn ở một sân diễn ngoài trời nào đó, tưởng tượng mình sẽ diễn kịch trong mọi tình huống.
3 chị em Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi bên bố là NSND Trần Tiến và mẹ là NSƯT Lê Mai.
Chị em tôi chắc cũng vậy vì mọi người đều chọn theo con đường nghệ thuật. Chính bởi thế nên mẹ tôi chỉ luôn dọa duy nhất được một điều: "Nếu học không giỏi, không cho đi diễn".
Sợ nhất 2 điều là học không khá lên và bị ốm vì lúc đó không được theo mẹ đến nhà hát diễn.
Chị Lê Vân và em gái Lê Vy của tôi có cái duyên riêng là hạnh phúc lứa đôi. Chị và em tôi đều lấy chồng người nước ngoài.
Chị Lê Vân thì có quan điểm khác tôi đó là chị rất tỉnh táo, dừng lại đúng lúc, ở thời điểm đẹp nhất, đỉnh cao long lanh nhất.
Chị không muốn nhìn thấy độ thoái trào của những hình tượng nhân vật mà mình đã làm trên sân khấu ba lê và điện ảnh. Chị dừng được luôn khi lập gia đình và sinh đứa con đầu tiên. Từ đó tính đến nay cũng đã là 22 năm.
Em gái Lê Vy cũng thế. Lấy chồng người Pháp, sau khi có con trai thứ 2, Lê Vy theo chồng về Pháp để chồng còn đi làm, các con học hành ổn định. Vy buộc phải chia tay sớm, nhưng em vẫn day dứt nhiều vì nó khá đột ngột. Còn chị Vân có chủ ý nên rất thanh thản, cắt luôn, không giao du gì hết.
Tôi thì chắc là tổ nghiệp vẫn chọn lựa, tôi luôn nghĩ thế, nên đến thời điểm này tôi vẫn còn ở lại với đam mê.
Năm 37 tuổi, tôi được nhận danh hiệu NSND. Ở giai đoạn đó, tôi còn hồn nhiên lắm bởi không bao giờ nghĩ là ở thời điểm đấy mình lại có quyết định táo bạo đến như thế. Tôi cũng không bao giờ tin là số phiếu bầu chọn cho mình cao như vậy.
Hôm lên phát biểu nhận danh hiệu, tôi còn đang tung tăng chơi ở ngoài sân khấu nhà hát lớn. Đến khi được gọi lên phát biểu, trong lòng có thế nào tôi phát biểu thế. Hoàn toàn là một sự cống hiến rất hồn nhiên, vô tư.
Cuộc sống của tôi cũng vậy, cứ từ từ, lạc quan rồi mọi thứ đến lúc nào không hay.
"Chính chất độc đáo đã giúp tôi được danh hiệu NSND trẻ nhất"
Các vai diễn của tôi trong điện ảnh, nghệ thuật, sân khấu hầu như ít có sự lặp lại, biên độ vai của tôi mỗi ngày một rộng, làm được đa thể loại, đa tính cách.
Bộ phim "Mùa hè chiều thẳng đứng" có những kỷ niệm rất đặc biệt. Tôi là đạo diễn Trần Anh Hùng có những cái duyên lạ lắm. Đầu tiên, Trần Anh Hùng muốn mời tôi vào phim "Xích lô", đóng một nhân vật không có tên, chỉ là "cô vui tính".
Khi casting, Hùng như gặp một nhân vật rất thú vị với mình, chúng tôi lập tức nhận lời cộng tác với nhau. Nhưng đến khi gần bấm máy, tôi biết tin tôi có bầu con gái Hến (tên thật là Lam Khê - con gái Lê Khanh - pv).
Lê Khanh đạt được danh hiệu NSND khi mới 37 tuổi.
Tôi tiếc lắm vì không nhận được vai diễn. Đến năm 1997, Hùng mời tôi tham gia "Mùa hè chiều thẳng đứng", nhưng tôi lại có bầu con thứ 2 - cu Thóc (tên thật là Gia Khanh - con trai Lê Khanh - pv).
May mắn là Hùng phải sửa kịch bản phim đến 1 năm sau mới xong. Sau khi sửa xong thì tôi cũng sinh con, nên bộ phim được bắt đầu.
Lê Anh Hùng cũng cho tôi chọn tên của nhân vật trong phim, tôi quyết định chọn tên Khanh để gần với bản thân mình.
Ngày tôi đi sang Pháp, trước khi ra mắt phim, các con phố chính treo đầy poster phim của mình. Chúng tôi được hiện hữu trên mọi con đường của thủ đô Paris.
NSND Lê Khanh sống hạnh phúc bên ông xã Phạm Việt Thanh và 2 con.
Tôi làm nghề mấy chục năm trời cứ hồn nhiên, vô tư như thế. Nhưng ít người biết được là trong giai đoạn tôi làm phim đậm chất Hà Nội, tôi đã sang được một thể loại rất độc đáo. Chính chất độc đáo đó đã giúp tôi được danh hiệu NSND trẻ nhất, đó là kịch hài.
Trùng với khoảng thời gian đó, nhà hát tuổi trẻ xuất hiện thể loại kịch hài, đó là "Đời cười". Tôi đã vào vai bà già điếc 85 tuổi mới lấy chồng.
Môi trường nghệ thuật hấp dẫn như thế là làm sao tôi có thể xa rời nghệ thuật được!
"Tôi sống được đến giờ này là một kỳ tích của những người thân"
Trông tôi thì có vẻ đi ngược với mọi giá trị tích cực, tôi siêu chậm, rất lạc hậu với tốc độ sống. Tôi không phải là người khỏe khoắn, tôi rất yếu. Tôi sống được đến giờ này là một kỳ tích của ông bà cha mẹ, những người thân xung quanh.
Tôi có được những thứ trong cuộc sống không hề dễ dàng như mọi người tưởng. Mẹ tôi kể là không ít lần sự sống của tôi rất mong manh, mẹ tôi sinh tôi thiếu tháng nên sức đề kháng kém lắm, đi đâu cũng nhiễm bệnh ngay.
Lúc nào cũng vô cùng mong manh trong sự sống, không ít lần phải gửi lại cho bà ngoại ở Hải Phòng nhưng bà từ chối vì nhỡ đâu tôi mất trên tay bà thì bà ân hận.
Nghệ sĩ Lê Mai.
Mẹ tôi cũng kể chuyện là bao nhiêu lần đưa tôi đi diễn với đoàn trong nhà hát, các thành viên cứ lo hộ là "con bé này chắc không qua khỏi lần này đâu".
Rồi bao nhiêu lần mẹ tôi ngâm tôi trong nước biển để sát trùng vì tôi bị ghẻ lở nhiều quá. Lúc đó có người lại đồn đến tai là: "Bà Mai bà ấy chán nuôi con bé này quá rồi, bà ấy muốn dìm nó chết".
Còn nhiều khi tôi xém chết ngạt vì bé quá, mẹ tôi thay đồ vội ra diễn, không nhớ để tôi nằm trong cái làn, tôi bị quần áo phủ hết lên.
Đến bây giờ tôi vẫn sợ uống thuốc vì có lẽ tôi uống quá nhiều rồi. Đến một ngày mẹ tôi cũng kể là bà cũng bó tay, bà cứ khóc thôi vì nghĩ rằng chỉ được đến thế thôi, hết tiền mua thuốc rồi.
Một trong những người cứu tôi là bác ruột - chị gái của mẹ tôi, bà hy sinh trong cả gia đình để làm kinh tế, bà bán những mẹt dép nhựa ở Hải Phòng. Bà lên Hà Nội thăm và bảo phải cứu cháu.
Bà đưa cho 5 đồng hay 5 nghìn gì đó để ra mua thuốc. Thuốc đó tôi không nôn ra mà lại uống hết. Từ đó cuộc sống của tôi như bước qua một bản lề mới. Tôi khỏe lại và cứ thế lớn lên. Lúc đó tôi khoảng 1-2 tuổi.
Khác ngược với nghề diễn, nghề diễn tôi rất táo bạo, dấn thân nhưng trong cuộc sống tôi ngược hoàn toàn. Tôi chọn phương án an toàn, vì hóa thân vào quá nhiều cuộc đời, nhiều màu sắc thì phải trở về với cái gì bình yên nhất có thể.