Vừa qua, tập đầu tiên của chương trình Mẹ tuyệt vời nhất mùa hai đã lên sóng, với sự dẫn dắt của NSND Hồng Vân.
Nhân vật chính của chương trình tuần này là cô Hằng Tâm, một người mẹ khiếm thính nhưng lại có tới hai con đều đều thuộc top 30 những người trẻ dưới 30 tuổi có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam do tạp chí Forbes bình chọn (30 Under 30).
Đó là "cô gái hang động" Lê Nguyễn Thiên Hương và chàng trai sáng lập học viện G.A.P Lê Đình Hiếu.
Nỗi đau phải giấu kín chuyện khiếm thính
Được biết, cô Hằng Tâm vốn sinh ra lành lặn nhưng vì một căn bệnh lạ mà mất đi thính giác vào năm 30 tuổi. Thời điểm ấy, con gái cô là Thiên Hương mới 7 tuổi, còn con trai Đình Hiếu được 6 tuổi.
Cô Hằng Tâm
Tuy nhiên, cô Hằng Tâm không muốn để hai con mình biết chuyện nên giấu kín bệnh tình trong nhiều năm trời.
Thậm chí, trong lúc thính giác dần suy giảm, cô vẫn dạy hai con chơi piano một cách thành thạo. Đây là một điều vô cùng khó khăn, nhưng cô vẫn làm được nhờ tình yêu thương con.
Tại sân khấu chương trình, cô Hằng Tâm nghẹn ngào chia sẻ: "Tôi nghĩ, với những đứa trẻ, mẹ luôn là đẹp nhất, hoàn hảo nhất.
Nếu biết tôi trở thành người khuyết tật, các con tôi sẽ xấu hổ với bạn bè, nên tôi không dám nói.
Được cái, tôi biết chơi piano từ nhỏ nên khi hai con còn bé, tôi đã dạy chúng chơi piano một cách thành thạo. Bởi vậy nên chúng không hề hay biết tôi bị khiếm thính.
Nhưng khi dạy piano mà tai không nghe được thực sự rất khổ tâm. Con đánh đúng, đánh sai thế nào, tôi cũng không sửa được. Thời gian đó, máy trợ thính chưa có, mà có thì đeo cũng rất khó chịu, rất to, trong khi tôi đang muốn giấu con, nên chẳng đeo được.
Tôi dạy con chơi piano mà không dám nói mình không nghe thấy gì vì sợ con mặc cảm chuyện tôi khuyết tật. Nhưng nếu không nói, con lại cứ nghĩ tôi lười, thấy con đánh sai mà không nhắc nhở gì. Tôi khổ tâm lắm.
Trong khoảng thời gian đầu dần mất đi thính giác, tôi gặp rất nhiều khó khăn vì phải giấu bệnh trước gia đình lẫn đồng nghiệp. Tôi luôn cố gắng né tránh giao tiếp, đối thoại với tất cả mọi người.
Cô Hằng Tâm và hai con
Điều này đã khiến chồng tôi nổi giận. Chồng tôi nóng tính lắm nên rất bực mình với tôi.
Anh ấy hỏi: "Tại sao tôi nói rất lớn mà cô không nghe? Hay cô cố tình lờ đi để không thực hiện câu nói của tôi?".
Lúc đó, tôi cũng sợ hãi và cảm thấy có lỗi với chồng, nhưng chẳng thể làm gì khác được. Rất nhiều lần chồng hỏi tôi rồi nhờ cái này cái kia tôi chẳng nghe rõ nên không làm theo, khiến anh ấy phát cáu.
Không những vậy, tôi cũng gặp nhiều nguy hiểm khi tham gia giao thông vì không nghe thấy tiếng còi xe. Đã mấy lần tôi suýt bị tai nạn rồi".
Cách dạy con đặc biệt, tự lấy roi đánh mình
Đúng như cô Hằng Tâm dự đoán, tới lúc cô đeo máy trợ thính, con gái Lê Nguyễn Thiên Hương tỏ ra khá xấu hổ. Tuy nhiên, con trai Đình Hiếu lại thấy khá tự hào. Anh nói:
"Lúc đó, tôi chỉ thấy mẹ rất ngầu chứ không hề xấu hổ về mẹ. Sau này lớn lên, tôi càng hiểu và thương mẹ nhiều hơn.
Tôi biết, ở Việt Nam, khuyết tật về vấn đề nghe nói nó chiếm số đông nhất. Theo thống kê, có khoảng 3 triệu người bị như vậy. Tức là, trong 30 người lại có 1 người bị vấn đề này, đó là con số rất lớn.
Có một điều rất đặc biệt rằng, nếu mình bị mù hoặc khuyết tật vận động thì ra đường ai cũng biết. Nhưng nếu bị câm, điếc thì không ai biết, nên càng làm tăng tính mặc cảm cho cộng đồng này.
Thực sự, cộng đồng câm điếc rất đông nhưng chúng ta không thấy họ xuất hiện ở ngoài. Họ co cụm lại sống chung với nhau, chỉ chơi trong cộng đồng đó và ngày càng im lặng so với bên ngoài. Đó là thiệt thòi của những người như mẹ tôi".
Khi được hỏi về cách dạy con của mình, cô Hằng Tâm xúc động kể: "Tôi phải nghĩ đến cảm giác của người khác trước khi nghĩ về mình. Tôi cũng từng dùng roi để dạy con nhưng chưa hề đánh chúng cái nào mà toàn đánh chính mình.
Tôi tự đánh mình vì nếu con hư thì là lỗi do tôi không biết dạy con chứ không phải lỗi ở con. Mỗi lần con hư, tôi đều tự quất rất đau vào người mình, nên con xót và nghe lời tôi hơn".
Nghe mẹ nói vậy, con gái Thiên Hương tiếp lời: "Điều tụi con sợ nhất là mẹ tự đánh mẹ, Mẹ nói là lỗi tụi con bao nhiêu roi thì mẹ đánh mẹ bấy nhiêu roi.
Mỗi lần thấy mẹ đau như vậy là sự trừng phạt lớn nhất với tụi con, khiến tụi con sợ lắm. Lúc đó mẹ khóc, con khóc, chị em khóc, ôm nhau khóc, khổ sở, bi kịch lắm".
Sau đó, Thiên Hương còn ôm chầm lấy mẹ khóc nức nở và nói: "Con rất nhớ cái ngày bà ngoại mất, mẹ không kịp gặp bà những tiếng cuối. Đó là ngày mẹ buồn nhất và con cũng buồn.
Bây giờ, con hứa với mẹ con lúc nào cũng ở bên mẹ. Con sẽ không bao giờ xa mẹ nữa".
Thấy chị gái khóc, Đình Hiếu cũng nói: "Mẹ dạy con rất nhiều thứ nhưng điều hay nhất con học được từ mẹ là cách mẹ cười và nhìn cuộc đời. Lúc nào mẹ cũng cười hết. Thực sự, mỗi lần nhìn nụ cười đó, con cảm thấy mạnh mẽ hơn 1000 bài học mà mẹ đã dạy".
Câu chuyện của ba mẹ con đã khiến NSND Hồng Vân xúc động tới mức rớt nước mắt. Cô nói:
"Câu chuyện này khiến tôi rất xúc động. Tôi cứ nghĩ bây giờ xem một cái tivi không tiếng đã rất khó chịu rồi, nhưng ít ra còn nghe được tiếng động bên ngoài. Còn với người khiếm thính thì không gian như chết hết, tất cả đều im lặng, chẳng khác nào sống trong cái hộp, sợ lắm".
Tôi cứ tưởng tượng, nếu một ngày tôi không còn nghe được mọi thứ xung quanh sẽ rất khủng khiếp, giống như tôi không tồn tại, đã chết đi một nửa.
Tôi hiểu cảm giác sợ hãi, cô đơn của chị Hằng Tâm khi bị như vậy nhưng vẫn phải làm những điều như người bình thường, gồng mình lên sống. Nhưng có lẽ, chính điều này đã khiến chị nuôi dạy được hai người con có thành tích đáng nể như vậy.
Cách dạy con của chị cũng khiến tôi rùng mình. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể dạy con như thế. Những người lành lặn như tôi phải học chị về cách dạy con".