Mới đây, tại chương trình Chân dung nghệ sĩ, NSND Bạch Tuyết đã chia sẻ chuyên môn về nghệ sĩ Hồng Nga.
Tôi đứng ngoài cánh gà hay phòng thu để nghe từng ca từ được Hồng Nga cất lên, phải nói là trác tuyệt
Nghệ sĩ Hồng Nga – tiếng hát của con chim Dương Nga. Hồng Nga trong suốt 60 năm qua là một danh ca. Trong tiếng hát ấy chứa sẵn tiếng khóc, hay ngàn dặm giông gió đã tạo nên tiếng ca, tiếng khóc ấy.
Nhưng có khi Hồng Nga không nghe ra được chính âm thanh của đời mình, mà phải là ông thầy Hoa Phượng, vị soạn giả tài ba có đôi mắt thần mới nhìn ra được những phận người trong tiếng hát ấy.
NSND Út Trà Ôn, NSND Bạch Tuyết và nghệ sĩ Hồng Nga
Có ba vai diễn trong cuộc đời Hồng Nga đều là 3 lần được soạn giả Hoa Phượng nhìn thấu, viết riêng, tập riêng cho cô.
Trên sân khấu Dạ Lý Hương năm ấy, Hồng Nga mới 18 tuổi, vừa sinh con gái đầu lòng được 17 ngày thì soạn giả Hoa Phượng gọi lại và nói: "Tôi cho cô vai diễn này. Nó sẽ theo cô suốt đời". Đó là vai cô giáo Lan trong vở Tuyệt tình ca.
Trong vở diễn này, soạn giả Hoa Phượng có viết về loài chim Dương Nga để so sánh với nhân vật Lan. Trong vở diễn đó, cùng lúc Hồng Nga phải làm cả hai vai, vừa phải đi khắp bốn phương kiếm sống nuôi con, vừa chịu cảnh đơn chiếc như chim Dương Nga.
Có hai nghệ sĩ từng vào vai cô giáo Lan là nghệ sĩ Út Bạch Lan và nghệ sĩ Hồng Nga. Tôi từng đóng với cả hai nghê sĩ này trong vở diễn Tuyệt tình ca đó. Tài năng của nghệ sĩ Út Bạch Lan thì không có gì để bàn nhưng ở mỗi nữ danh ca, tiếng hát lại chất chứa nỗi truân chuyên riêng biệt.
Nhiều khi tôi đứng ngoài cánh gà hay phòng thu để nghe từng ca từ được Hồng Nga cất lên, phải nói là trác tuyệt. Nếu ở sầu nữ Út Bạch Lan là nỗi buồn vừa thanh thoát vừa khổ lụy, côi cút, một nỗi buồn rất tỉnh thì đến Hồng Nga, nỗi sầu lại vướng bụi phong trần, buồn đọng.
Nỗi buồn trong tiếng ca của Út Bạch Lan là sự chấp nhận như một định mệnh không thể cưỡng cầu. Trái lại, nỗi sầu trong tiếng hát Hồng Nga nghe ra lại mạnh mẽ nhưng càng vùng vẫy lại càng bị cát bụi cuộc đời vùi dập. Hồng Nga cứ thế vươn lên, bước tới, không chịu gục ngã.
Bạch Tuyết và Hồng Nga
Tôi thuộc nằm lòng những câu nói lối, ca ngâm, vào lòng bản của Hồng Nga. Cái đặc biệt của giọng hát Hồng Nga là chất đồng pha thổ, giữ độ ngân rung trong âm vọng, vừa đủ sắc lại rất mùi nên càng nâng sức biểu đạt chiều sâu tâm lý của nhân vật.
Vai diễn quốc mẫu trong vở Thái hậu Dương Vân Nga là một độc bản của Hồng Nga
Vở tuồng Cô gái Đồ Long, soạn giả Hoa Phượng đã chọn Hồng Nga cho vai Ân Ly và nói: "Tôi viết cho cô vai này, đảm bảo sau khi hát xong, bầu sẽ ký giao kèo tăng lương cho cô". Quả thực, vai Ân Ly của Hồng Nga đã làm nức lòng giới mộ điệu, trong đó có cả tôi. Một trong những câu ca tôi yêu thích và thường lấy ra thị phạm chính là của Hồng Nga.
Soạn giả Hoa Phượng đã chỉ dạy cho Hồng Nga cách ca và nhấn nhá từng chữ để đạt đến độ tinh xảo của kỹ thuật ca và tinh tế của nội dung. Hồng Nga có lối ca sắp chữ, bỏ nhỏ điệu nghệ.
Ở Hồng Nga, chất đồng khi lên cao lại ngân vang, chất thổ khi xuống thấp vừa trầm vừa ấm, tạo dây ngân có độ rung nhẹ, không dài, dù Hồng Nga dư sức để khoe hơi. Hồng Nga còn có cá tính hoạt bát nên khá rộng sài cho tất cả các loại vai, từ đào mụ, đào độc đến đào thương, đào mùi, với độ chín thật đậm đà.
Hồng Nga làm chủ khi chuyển trạng thái từ buồn sang vui, từ bi sang hài, từ tuồng xã hội sang tuồng lịch sử, từ cải lương sang kịch nói. Không dễ để chinh phục sàn diễn một cách đa dạng như thế, với trạng thái riêng, độc lập chứ không vay mượn qua lại lẫn nhau.
Riêng vai diễn quốc mẫu trong vở Thái hậu Dương Vân Nga là một độc bản của Hồng Nga.
Trong tôi đến giờ vẫn chỉ lưu giữ một hình ảnh Hồng Nga kỳ tài với Ân Ly, cô giáo Lan, cố mẫu, và cả những vai người mẹ trong Tô Ánh Nguyệt, Thúy Kiều, Đoạn tuyệt…