Cụ thể, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết thống kê của tổ chức này ước tính rằng ít nhất 90% dân số thế giới hiện có một mức độ miễn dịch đối với SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 , do bị nhiễm bệnh hoặc tiêm phòng trước đó.
Ông lạc quan rằng "Chúng ta đã gần tới lúc có thể nói rằng giai đoạn khẩn cấp của đại dịch đã kết thúc", nhưng cũng thận trọng cảnh báo rằng chúng ta vẫn chưa thực sự đạt đến cái đích cuối cùng đó.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: REUTERS
Số ca tử vong do COVID-19 được báo cáo cho WHO tiếp tục giảm nhẹ trong tuần qua, ở mức hơn 8.500 người, tuy nhiên theo tiến sĩ Tedros vẫn là một điều không thể chấp nhận được trong bối cảnh nhân loại đã có trong tay đủ công cụ để chống lại dịch bệnh này, bao gồm vắc-xin và các biện pháp điều trị.
Tiến sĩ Tedros vẫn duy trì quan điểm cần cảnh giác với sự đột biến không ngừng của virus. "Những lỗ hổng trong giám sát, xét nghiệm, giải trình tự và tiêm chủng đang tiếp tục tạo điều kiện hoàn hảo cho một biến thể mới đáng lo ngại xuất hiện" - ông nói.
Tổng Giám đốc WHO cũng nhắc lại sự kiện quan trọng 1 tuần trước - đó là điểm đánh dấu 1 năm kể từ ngày biến chủng đáng lo ngại Omicron xuất hiện, và cho đến nay đã sinh ra hơn 500 dòng hậu duệ.
Báo cáo của WHO nhìn lại 1 năm Omicron mang những tín hiệu lạc quan lẫn thận trọng, bởi Omicron cũng là biến chủng gần nhất từng được WHO tuyên bố là đáng lo ngại, trong bối cảnh tuy nó liên tục đột biến và sinh ra hậu duệ, nhưng các hậu duệ cho thấy mô hình giống nhau về khả năng gây bệnh, trung bình vẫn nhẹ hơn Delta và tất cả các biến chủng trước đó.
Đậu mùa khỉ "hạ nhiệt" rõ rệt
Tổng Giám đốc WHO cũng thông tin về một dịch bệnh đang được xem là tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) khác bên cạnh COVID-19, đó là đậu mùa khỉ, với tên gọi mới "mpox".
Theo ông, trong tuần qua, đợt bùng phát mpox toàn cầu tiếp tục giảm, với 620 trường hợp được báo cáo – ít hơn 90% so với mức cao nhất vào tháng 8. Hầu hết các trường hợp đang được báo cáo đến từ khu vực Mỹ Latin.