Triều Tiên chỉ yêu cầu xóa bỏ một phần cấm vận, không phải toàn bộ
Đêm 28/2, Triều Tiên bất ngờ thông báo tổ chức họp báo tại khách sạn Melia, Hà Nội. Thông báo được đưa ra sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 kết thúc hơn 9 giờ đồng hồ.
Khoảng hơn 0h ngày 1/3, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho xuất hiện trước báo giới và khẳng định: Bình Nhưỡng chỉ theo đuổi dỡ bỏ từng phần, chứ không phải toàn bộ cấm vận.
Cụ thể, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn lời ông Ri cho hay, Bình Nhưỡng đã tìm cách dỡ bỏ 5 trong số 11 biện pháp cấm vận nhằm vào Triều Tiên, chứ không phải toàn bộ.
"Chúng tôi chỉ yêu cầu xóa bỏ một số chứ không phải tất cả các lệnh trừng phạt. Cụ thể, [chúng tôi đề nghị xóa bỏ] 5 trong số 11 lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Năm lệnh này được áp dụng từ năm 2016-2017".
"Đây là những lệnh trừng phạt tác động tiêu cực tới nền kinh tế và cuộc sống của người dân. Đây cũng là bước tiến lớn nhất mà chúng tôi có thể chấp nhận được về phi hạt nhân hóa trong giai đoạn này dựa trên sự tin cậy giữa hai nước".
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho. Ảnh: YTN
Mỹ đang để lỡ cơ hội "ngàn năm có một"
Đài truyền hình Hàn Quốc SBS dẫn lời ông Ri cho hay: "Chúng tôi đã làm việc dựa trên các nguyên tắc tin cậy và giải quyết dựa trên kết quả từ vòng đàm phán lần một tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái. Chúng tôi cũng đã đưa ra đề xuất thiết thực tại hội nghị hôm nay".
Ông Ri nói, nếu các lệnh trừng phạt được bãi bỏ thì Triều Tiên sẽ tiến hành phi hạt nhân hóa và khẳng định: Bình Nhưỡng sẵn sàng chấm dứt các cuộc thử tên lửa tầm xa và hạt nhân vĩnh viễn.
"Nếu Mỹ dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt liên quan tới các vấn đề như kinh tế dân sự và cuộc sống của người dân, thì cơ sở hạt nhân ở Yongbyon sẽ được xóa bỏ vĩnh viễn và hai chuyên gia Mỹ có thể đến khảo sát", ông Ri nói trong cuộc họp báo.
Phóng viên Steve Herman của VOA dẫn lời ông Ri: "Trong cuộc đàm phán lần này, Mỹ đã yêu cầu chúng tôi đi thêm bước nữa. Rõ ràng, Mỹ chưa sẵn sàng chấp nhận đề xuất của chúng tôi".
"Thật khó để nói rằng trong giai đoạn này, hai bên có được thỏa thuận nào tốt hơn so với những gì chúng tôi đề xuất hay không. Hai bên khó có thể có lại cơ hội này một lần nữa. Đây là bước đầu tiên trong lộ trình tiến tới phi hạt nhân hóa".
"Đề xuất của chúng tôi sẽ không bao giờ thay đổi kể cả khi Mỹ tiếp tục xúc tiến đàm phán trong tương lai", ông Ri kết luận trước khi rời khỏi phòng họp báo mà không trả lời bất kỳ câu hỏi nào từ truyền thông.
Rời phòng sau ông Ri, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-Hui đã tiết lộ với báo giới rằng: "Chủ tịch Kim có cảm giác ông ấy không hiểu cách mà người Mỹ tính toán". Bà Choe nhận định: "Tôi cảm thấy Chủ tịch Kim có thể đã nản lòng" đối với việc đàm phán cùng phía Mỹ.
Bà Choe nhấn mạnh: "Mỹ không chấp nhận đề xuất của chúng tôi là đang để lỡ cơ hội ngàn năm có một. Tôi không thể đảm bảo rằng cơ hội này sẽ được đưa ra cho phía Mỹ một lần nữa"
Triều Tiên tiến hành họp báo tại khách sạn Melia.
Trước đó, chiều 28/2, cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên đã kết thúc mà không đi đến kí kết thỏa thuận.
Trong cuộc họp báo sau đàm phán tại khách sạn Marriot, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề cấm vận.
Theo đó, phóng viên người Mỹ đã hỏi ông Trump: "Liệu tiến trình có khó khăn hơn ông tưởng và Triều Tiên yêu cầu dỡ bỏ một số cấm vận? Khúc mắc thực sự là gì?"
Tổng thống Mỹ đã trả lời rằng: "Đúng là về cấm vận đấy. Cơ bản thì họ muốn dỡ bỏ cấm vận một cách hoàn toàn và chúng ta không thể làm như vậy. Họ sẵn sàng phi hạt nhân hóa một phần lớn khu vực mà chúng ta muốn nhưng chúng ta không thể từ bỏ tất cả cấm vận cho điều đó. Vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực và xem mọi chuyện tiến triển ra sao. Nhưng chúng ta phải rời bỏ đề xuất ấy".