Mùa Giáng sinh năm 2020, người dân Mindanao ở Philippines tụ tập mừng ngày lễ mà sau đó không trải qua làn sóng COVID-19 nào như cảnh báo của các bác sĩ.
Nhiều bệnh viện ở tỉnh Zamboanga del Norte đã không còn giường bệnh chăm sóc đặc biệt và máy thở. Ảnh: AlJazeera
Khi các biện pháp phòng chống dịch được nới lỏng hồi tháng 1 ở miền nam, người dân bắt đầu đổ ra biển và công viên. Một lần nữa, số ca mắc COVID-19 cũng không tăng, khiến một số người bắt đầu cho rằng đại dịch có thể không nghiêm trọng đến thế.
Khi mùa hè tới vào tháng 3, nhiều người Philippines đã chen nhau chật cứng trong các tòa thị chính để nhận tiền hỗ trợ của chính phủ, bỏ qua giãn cách xã hội.
Một số thị trưởng còn cho phép mở cửa lại các sới đấu gà vốn rất đông người xem. Các nhà thờ bắt đầu đông người dự lễ.
Tại các cộng đồng nông nghiệp và làng chài, người dân quay trở lại thói quen thường lệ như tụ tập, chơi thể thao. Hầu hết không đeo khẩu trang.
Vào tháng 4 và 5, nhiều người tiếp tục tụ tập trong mùa lễ hội bất chất lệnh cấm. Không khí hội hè náo nhiệt ở nhiều cộng đồng dân cư miền nam.
Giới chức y tế và cảnh sát ở đây cũng ngó lơ khi người ta chuyền tay nhau ly đồ uống ở góc phố hay hát karaoke to hết cỡ, như thể làn sóng COVID-19 thứ hai đang diễn ra ở thủ đô Manila và các đô thị khác cách đó cả hành tinh.
Điều không thể tránh khỏi cuối cùng đã tới. Các ca mắc COVID-19 bắt đầu tăng, lúc đầu tăng chậm, sau đó tăng vọt và vẫn chưa chậm lại. Đây là dấu hiệu mà các chuyên gia cho rằng đại dịch đã bắt đầu len sâu vào các cộng đồng nông thôn, nơi mà cơ sở hạ tầng y tế đã yếu kém trong điều kiện bình thường.
Ông Peter Cayton, Phó giáo sư tại khoa thống kê thuộc Đại học Philippines, nhận định: “Đây không chỉ là trường hợp ở tỉnh Visayas và Mindanao. Đợt gia tăng ca mắc này ảnh hưởng tới nhiều tỉnh vùng Luzon nữa”.
Mới chỉ 1,5% trong tổng số 110 triệu dân Philippines được tiêm vaccine đầy đủ. Trong khi đó, các nhân viên truy vết tiếp xúc không thể nào theo kịp số ca mắc bùng nổ. Các bệnh viện đã hoạt động hết công suất và nguồn lực y tế đang ngày càng khan hiếm. Số ca mắc gia tăng có nghĩa là số ca tử vong cũng sẽ tăng theo.
Các khu vực miền nam đang bị đại dịch hoành hành nặng nề vì chủ quan, bỏ qua các cảnh báo. Tính tới 7/6, Mindanao chiếm tới 1/4 tổng số ca mắc mới, cao hơn cả khu vực đô thị Manila, cho thấy đại dịch đã chuyển về các khu vực xa vùng đô thị.
Tại Dipolog, thủ phủ tỉnh Zamboanga del Norte, bác sĩ Philip Limsi làm việc tại bệnh viện duy nhất ở thành phố, cho biết COVID-19 là có thật và đang tràn lan khắp tỉnh này. Ông nói khẩn thiết trên mạng xã hội: “Làm ơn hãy để chúng tôi giảm số ca mắc. Không còn giường bệnh và bình ôxy đang cạn kiệt”.
Tại thành phố Polanco gần đó, hàng chục nhân viên chính quyền địa phương nhiễm bệnh, buộc phải phong tỏa hoạt động tòa thị chính. Giới chức thành phố bị chỉ trích khi đã cho phép hàng trăm người tụ tập để nhận trợ cấp và thực phẩm bất chấp lệnh phong tỏa.
Dù có lệnh cấm tụ tập đông người, nhưng các quan chức ở thị trấn Polanco vẫn cho hàng trăm người tập trung nhận cứu trợ và thực phẩm. Ảnh: Al Jazeera
Tuần thứ 3 của tháng 5, thành phố Dipolog và tỉnh Zamboanga del Norte nói chung đều hết giường bệnh chăm sóc đặc biệt và không còn máy thở. Ngày càng nhiều người trẻ phải nhập viện, buộc giới chức địa phương phải phong tỏa nghiêm ngặt hai tuần từ ngày 1/6.
Dipolog không phải là khu vực bị đại dịch hoành hành nặng nề nhất. Thành phố Dumaguete gần đó ghi nhận số ca mắc tăng tới 206% trong giai đoạn từ 31/6 tới 6/6, nằm ở vị trí hàng đầu trong danh sách các thành phố đối diện làn sóng dịch bệnh gia tăng mạnh.
Tiến sĩ Kenneth Coo, bác sĩ ở Dumaguete, cho rằng ngay cả nếu thành phố này đóng cửa với người bên ngoài thì cũng đã xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng rồi. Ông cảnh báo rằng cần phải cô lập mối nguy hiểm khi mà mọi bệnh viện trong thành phố đang sắp quá tải và các ca lây nhiễm mới đều do tụ tập tiệc tùng với gia đình, bạn bè. Ông nói: “Xin đừng tiệc tùng. Xin đừng tụ tập đông người. Tôi đề nghị cộng đồng như vậy”.
Một số thành phố ở Mindanao cũng có số ca mắc gia tăng như South Cotabato, General Santos, Davao.
Chỉ có 1,5% dân số Philippines được tiêm vaccine đầy đủ. Ảnh: AFP
Trước tình hình trên, trong họp báo ngày 9/6, Tổ chức Nghiên cứu OCTA (chuyên theo dõi ca COVID-19 ở Philippines) cho rằng chính phủ cần cân nhắc điều nhân viên y tế và thiết bị tới Mindanao. OCTA cảnh báo nếu làn sóng ca mắc tiếp tục gia tăng, các bệnh viện có thể quá tải.
Theo ông Cayton tại Đại học Philippines, nước này có chứng kiến số ca mắc gia tăng nữa hay không đều phụ thuộc vào khả năng của chính phủ trong thực hiện truy vết tiếp xúc, xét nghiệm, tiêm chủng và điều trị. Tới nay, không có nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ đang ráo riết thực hiện các biện pháp này.