'Nông sản Việt Nam sản lượng lớn nhưng giá trị rất thấp'

Khắc Thành |

Hiện tại, nông sản Việt Nam chỉ có 1 – 5% được cấp chứng nhận chất lượng trong nước và quốc tế, còn lại bị coi là sản phẩm kém chất lượng.

Nông sản Việt Nam sản lượng lớn nhưng giá trị rất thấp - Ảnh 1.

Ngày 27/12, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức Lễ phát động chương trình Kết nối xanh vì một nền nông nghiệp sạch.

Theo ông Lê Đức Thịnh (Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn), nông sản Việt Nam có sản lượng lớn nhất nhưng giá trị rất thấp. Ví dụ như chè, cà phê, Việt Nam là nước đứng đầu về sản lượng nhưng lại có giá trị đứng cuối cùng.

Hiện tại, nông sản Việt Nam chỉ có 1 – 5% được cấp chứng nhận chất lượng trong nước và quốc tế, còn lại bị coi là sản phẩm kém chất lượng, từ đó có giá trị thấp, thậm chí bị ép giá khi xuất ra thị trường nước ngoài. Ngoài ra, còn có một số nước trả lại nông sản nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó Mỹ là nước trả lại nông sản của Việt Nam nhiều nhất.

Đồng thời, khi xuất khẩu ra nước ngoài, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý quốc gia của nông sản Việt Nam ít được nhận biết.

Nông sản Việt Nam sản lượng lớn nhưng giá trị rất thấp - Ảnh 2.

Các đơn vị liên quan ký kết tại Lễ phát động chương trình Kết nối xanh.

Nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này một phần do chỉ có khoảng 5 - 13% sản lượng nông sản được sản xuất có đầu tư, mô hình hợp tác xã. Còn lại là sản xuất theo cá thể, nhỏ lẻ nên chất lượng không đảm bảo.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, các hợp tác xã nông nghiệp ở nước ta đang lúng túng xác định phương hướng hoạt động, thiếu vốn và năng lực kinh doanh yếu, thương hiệu hợp tác xã còn mù mờ.

Từ đó, Bộ tổ chức chương trình Kết nối xanh hướng tới một nền nông nghiệp sạch. Kết nối xanh bao gồm kết nối giữa nông dân, người sản xuất, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy trình tiêu chuẩn an toàn, chất lượng cao; Kết nối nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến, thương mại trong chuỗi giá trị nông sản an toàn, minh bạch.

Mục tiêu nâng cao nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng, áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn trong sản xuất nông nghiệp; nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến, thương mại, thúc đẩy hình thành các mô hình hợp tác trong sản xuất nông nghiệp.

Từ đó để tăng chất lượng sản phẩm, đảm bảo nông sản sạch, an toàn, không chỉ để phục vụ nhu cầu người dân trong nước mà còn để nâng cao thương hiệu khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại