TS Hiền cho biết, trào ngược thực quản dạ dày là bệnh lý tiêu hóa ngày càng được phát hiện nhiều hơn. Tuy nhiên, các triệu chứng của trào ngược dạ dày, thực quản thường nhầm lẫn với các bệnh khác đặc biệt là viêm họng.
TS Hiền đã gặp nhiều bệnh nhân mắc bệnh nhiều năm, đi khám nhiều nơi nhưng không tìm ra bệnh và chỉ đến khi khám đúng chuyên khoa bệnh nhân mới phát hiện ra đó là dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản.
Hầu như bệnh nhân đều có các biểu hiện nóng rát ở xương ức, viêm họng… và nhiều bệnh nhân cả năm đi chữa viêm họng không khỏi. Các triệu chứng thường xuất hiện về ban đêm.
Trường hợp bệnh nhân Bùi Văn Chung (41 tuổi, Phúc Thọ, Hà Nội) bị bệnh "lạ" 3 - 4 năm nay nhưng anh Chung không tìm ra bệnh. Anh Chung cho biết cảm giác về đêm khó thở, ho, đau họng, ho hen nhất là lúc 0h đến 2h sáng dường như anh không ngủ nổi vì khó chịu. Anh đi khám bác sĩ thường nói anh bị hen phế quản.
Nóng rát cổ họng về đêm dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản
Năm ngoái, anh Chung tới Bệnh viện Bạch Mai khám được chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản. Bác sĩ kê đơn thuốc về uống nhưng không có hiệu quả vì sau một thời gian các triệu chứng lại tái phát khiến bệnh nhân vô cùng khó chịu.
Anh Chung tự ti không dám giao tiếp nhiều vì miệng lúc nào cũng hôi. Nói chuyện với người đối diện anh thường lấy tay che miệng cũng không thể dằn bớt mùi hôi miệng.
TS Dương Trọng Hiền cho biết bệnh trào ngược không chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển sang nhiều biến chứng khác cho bệnh nhân.
Bệnh gây ra chảy máu thực quản, dạ dày. Do dịch dạ dày trào ngược lên thực quản thường xuyên làm tổn thương niêm mạc thực quản, gây viêm loét thực quản bệnh nhân đau đớn khi nuốt, dễ nôn ói.
Hình ảnh tổn thương do trào ngược dạ dày
Không những thế, dịch từ dạ dày trào lên thực quản làm xơ hóa thực quản do viêm sẽ làm co rút thực quản, hẹp thực quản. Những tổn thương này sẽ dẫn đến viêm, phù nề, thâm nhiễm và tắc mạch và cuối cùng là hiện tượng dính của mô liên kết và collagen rồi dẫn đến xơ hóa. Biểu hiện lâm sàng là khó nuốt và nặng dần lên.
Trào ngược dạ dày thực quản gây ra hội chứng barett thực quản. Đây được xem là giai đoạn tiền ung thư thực quản do các tế bào lót ở vùng thấp thực quản bị biến đổi màu sắc, do sự tiếp xúc lặp đi lặp lại với axit dạ dày. Tỷ lệ người bị trào ngược tiến triển thành Barett thực quản không nhiều. Phần lớn bệnh nhân barrett thực quản có nóng rát, ợ chua nhưng khoảng 25% không có các triệu chứng này.
Barett thực quản có thể gây ra ung thư thực quản, đây là biến chứng hiếm gặp, nghiêm trọng. Đối với Barrett thực quản đoạn dài (> 3cm) nguy cơ ung thư cao gấp vài chục đến hàng trăm lần so với người không bị barrett.
Khi chuyển sang biến chứng ung thư, người bệnh có cảm giác nuốt nghẹn, đau sau xương ức, cảm giác đau dai dẳng, khàn tiếng, ho khạc liên miên, đau ngực, hội chứng nhiễm trùng nổi bật. Đôi khi sờ thấy hạch to ở hố thượng đòn bên trái hoặc cả 2 bên.
Sau một thời gian mắc bệnh thì toàn thân bệnh nhân gầy sút, trong vòng 1 tháng có thể sút > 5kg do nuốt nghẹn, suy dinh dưỡng, da sạm, khô, các nếp nhăn nổi rõ, mặt và hai bàn tay có nhiều nếp nhăn nổi rõ và dễ nhận thấy nhất.
Dấu hiệu cảnh báo trào ngược
Ba dấu hiệu người bệnh cần nghĩ ngay tới khả năng bị trào ngược thực quản
Thứ nhất: nóng rát sau xương ức lan lên phía cổ họng, đôi khi lan ra sau lưng. Triệu chứng này thường xuất hiện sau ăn 30 phút đến 2 giờ, nhất là các bữa ăn có nhiều gia vị. Triệu chứng này xuất hiện về đêm làm bệnh nhân thức giấc.
Thứ hai: Ợ chua và ợ ra thức ăn thường kèm theo ợ nóng, đôi khi có nôn. Ợ chua sau khi ăn và nặng thêm khi cúi xuống hoặc nằm.
Thứ ba: Nuốt khó và nuốt đau: gặp 30% các bệnh nhân trào ngược, thường gặp ở những bệnh nhân ợ nóng lâu ngày.
Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng ngoài thực quản bao gồm chứng đau ngực không do tim, ho kéo dài, hen, viêm phổi vô căn, bệnh về tai mũi họng như viêm thanh quản, viêm xoang, viêm tai giữa, bệnh về răng như mòn răng, hôi miệng.
Khi được chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản, bác sĩ Hiền cũng khuyến cáo người bệnh cần thay đối lối sống, cách ăn uống.
Ví dụ, như lựa chọn thực phẩm có tính kiềm, có khả năng trung hòa axit: thực phẩm từ tinh bột như bánh mì hay bột yến mạch, hay đạm dễ tiêu… vì các thực phẩm này giúp tránh sự bào mòn lớp nhầy trong dạ dày của axit, hạn chế các nhịp cơ thắt thực quản có axit trào lên.
Hạn chế thực phẩm kích thích tăng tiết axit hay kích thích cơ thắt dưới thực quản: hoa quả, hàm lượng axit cao (chanh, cam, dứa…), nước có ga, thức ăn cay, nóng, chocolate…kiêng rượu bia và cần giảm cân nếu chỉ số BMI cao.