Khoảng 9.000 năm trước, con người đã thành thạo trồng trọt, khiến lượng lương thực dồi dào hơn bao giờ hết (tính tại thời điểm đó). Dân số tăng vọt, các nhóm người bắt đầu tập hợp lại tại các khu vực giàu tài nguyên, với số lượng một khu tập trung tới vài ngàn người. Bất ngờ thay, những khu vực là tiền thân của thành phố này sớm bị bỏ hoang tới vài thiên niên kỷ.
Đây là một trong số những bí ẩn chưa được khám phá của thời kỳ chớm nở của nền văn minh nhân loại. Con người đã có thể có xã hội lớn sớm hơn nhiều.
Thuở bình minh của nền nông nghiệp tới vào thời kỳ Đồ đá mới, giai đoạn cuối của Thời kỳ Đồ đá. Khoảng 12.000 năm trước, con người đã biết chế tạo công cụ bằng đá phức tạp, vũ khí đá hiệu quả cho săn bắt, nung nồi niêu bằng đất sét để nấu nướng và để lưu trữ lượng thức ăn ngày một dồi dào.
Khi phát hiện ra những hạt giống tiềm năng cho ra những thứ thực phẩm ngon lành, người của Thời kỳ Đồ đá mang theo hạt giống mỗi chuyến du hành, rải hạt trên những khoảnh đất màu mỡ để năm sau có thể thu hoạch. Nhưng khi những khu vực gieo trồng này trở nên lớn hơn, việc cứ phải đi lại để thu hoạch có vẻ kém hiệu quả, họ đã quyết định định cư.
Các gia đình bắt đầu dựng nhà tạm bằng cách đào móng nông, rải đá mịn xuống làm nền, trộn bùn với cỏ để đắp thành tường. Bằng chứng khảo cổ cũng cho thấy họ chứa thức ăn trong những công trình tương tự, kê chân đỡ phía dưới, đặt các tấm ván lên trên và để đồ ăn cao khỏi mặt đất. Làm như vậy sẽ tránh được trường hợp thức ăn bị ướt khi nước lũ quét qua.
Họ dựng nhà tạm để sống qua mùa, và khi thấy mọi thứ dần êm xuôi, các nhóm người du canh du cư đã chuyển sang định cư lâu dài và làm nông nghiệp.
Thực phẩm ngày càng dồi dào, đời sống đầy đủ hơn cùng với việc có thể định cư lâu dài đã khiến dân số tăng nhanh. Nhóm du mục chỉ vài ba chục người giờ đã đạt tới con số vài trăm. Một số nơi có điều kiện khí hậu ôn hòa, địa thế xây dựng nhà cửa hợp lý, đã chứng kiến dân số lên tới vài ngàn. Đơn cử như vùng dân cư Çatalhöyük, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.
Khó có thể khẳng định Çatalhöyük là gì, nhưng ta có những bằng chứng cho thấy rõ nó tồn tại nhiều ngàn năm – từ năm 7500 năm Trước Công nguyên cho tới năm 5700 TCN, với nhiều ngàn người tập trung. Có thể coi Çatalhöyük là một "thành phố" của Thời kỳ Đồ đá mới, vì lượng dân cư của nó vượt xa bất kỳ những làng mạc nào có trong thời điểm bấy giờ.
Çatalhöyük không có cung điện cho người cai quản, không sở hữu những công trình khổng lồ để tỏ lòng thành kính với thần thánh, không dấu hiệu của phân chia giai cấp. Mỗi gia đình chỉ quây quần trong một căn nhà đất chỉ có một phòng, với một chút lửa sưởi ấm, căn nhà nào cũng có kích cỡ tương đương nhau.
Họ không cần tới phố xá: bởi nhà cửa xếp nhau san sát như tổ ong, người ta sẽ đi lại trên mái nhà của nhau, vào nhà mình bằng một cửa trời.
Có dấu hiệu của sáng tạo nghệ thuật trong Çatalhöyük, nhưng không thấy sự xuất hiện của chữ viết. Bên cạnh đó, không có phân chia công việc cụ thể trong xã hội. Chẳng giống như vùng Urik cổ đại hay Mohenjo-Daro, cũng không thấy có các xưởng sản xuất hàng hóa hay vũ khí. Các gia đình đều sống bằng săn bắt, trồng trọt hay chăn nuôi.
Có thể Çatalhöyük không giống với định nghĩa "thành phố" ta vẫn quen thuộc, nhưng nó và một số những khu vực tập trung đông dân cư khác vẫn là mô hình sống tập trung tiên tiến nhất thời kỳ bấy giờ.
Nhưng đây là lúc bí ẩn của lịch sử bao trùm lấy Çatalhöyük: khoảng giữa những năm 5.000 Trước Công nguyên, người dân Çatalhöyük bỗng bỏ hoang nhà cửa, lại quay về sinh sống theo kiểu các khu làng nhỏ xưa kia. Không chỉ Çatalhöyük, những vùng quy tụ dân cư lớn khác cũng có xu hướng tương tự. Họ bỏ "thành phố" để sống thành làng nhỏ suốt vài ngàn năm tiếp theo.
Nhiều khu vực khác trên thế giới cũng có những diễn biến y hệt: nông nghiệp phát triển – dân số tăng nhanh – dựng nhà sống chung – bỏ hoang mọi thứ. Khi nông nghiệp tới được Tây Âu và Anh, ta lại thấy chuỗi sự kiện này xuất hiện vào khoảng 5.000 năm trước – khoảng năm 3.000 Trước Công nguyên.
Tại sao một loạt các nhóm dân cư đều "tuân theo" một trình tự đáng ngờ như vậy? Chuyện gì đã xảy ra?
Việc định cư an nhàn đồng nghĩa với nhiều thức ăn hơn và ít hoạt động đi, trông dễ vậy mà khó. Khi một lượng lớn dân cư sống dựa vào nguồn lương thực địa phương, người dân đối mặt với những biến số chưa từng có khi còn du canh du cư và săn bắt hái lượm; đơn cử như việc một mùa thời tiết trái gió trở trời sẽ khiến mùa màng thất bát.
Rất khó để tiếp tục cuộc sống du mục khi số lượng thành viên trong cộng đồng đã lên tới hàng ngàn, đã quá quen với việc định cư.
Nhà cổ sinh vật học Ofer Bar Josef từ Đại học Harvard đã dành phần lớn quãng đời nghiên cứu của mình để củng cố giả thuyết điều kiện khí hậu đóng vai trò lớn trong việc du canh du cư và định cư.
Cuối Thời kỳ Đồ đá mới, thời tiết lạnh đi nhiều và nước trở nên thiếu thốn. Çatalhöyük đã không thể dựa vào nguồn lương thực dồi dào, vậy nên cách sống sót tốt nhất là về sống tại những khu làng nhỏ, nơi từng gia đình có thể tự kiếm đồ ăn cho mình.
Nhưng các nhà khảo cổ học nghiên cứu tại khu vực Châu Âu lại có giả thuyết khác. Stephen Shennan và đội ngũ của mình từ Đại học London không tìm thấy mối liên quan giữa biến đổi khí hậu và dân số giảm mạnh. Họ cho rằng việc bỏ các khu siêu làng mạc vì dân số giảm, mà dân số giảm là vì bệnh tật.
Khi sống san sát như thế, bệnh tật lây lan cực nhanh mà trong Thời kỳ Đồ đá, người ta không quan tâm tới vệ sinh cá nhân. Chưa hết, việc đặt rác thải ngay cạnh nhà đã khiến chúng trở thành những ổ dịch tiềm tàng.
Vẫn còn các câu hỏi khác, có rất nhiều thành phố thịnh vượng được tới cả ngàn năm, lụn bại vì bệnh tật để rồi lại vươn lên mạnh mẽ. Nhưng tại sao người ta lại bỏ đi kiến trúc siêu làng mạc, không bao giờ xây lại lần nữa cho tới cả ngàn năm sau?
Nhà nhân loại học Ian Kuijt từ Đại học Notre Dame sử dụng siêu làng mạc Basta, nằm tại khu vực ngày nay là Jordan, làm ví dụ. Cũng giống Çatalhöyük, Basta ngày một lớn mạnh và quy tụ ngày một đông dân cư. Để giải quyết vấn đề thiếu thốn chỗ ở, người Basta sáng chế ra nhà hai tầng, bắt đầu chia phòng cho các mục đích khác nhau, như sinh hoạt và lưu trữ thức ăn.
Ian Kuijt không tin người Basta đã bỏ nhà cửa vì lương thực không đủ đáp ứng cho lượng dân cư quá lớn, nhà nghiên cứu cho rằng dân cư đã bài trừ hệ thống xã hội của mình.
Vấn đề nằm ở chỗ, các siêu làng mạc của Thời kỳ Đồ đá mới thừa hưởng cấu trúc xã hội và tín ngưỡng từ tổ tiên du mục. Cuộc sống du canh du cư yêu cầu mọi người phải chia sẻ tài nguyên để sống, từ đó sinh ra các tục lệ phù hợp với cấu trúc xã hội.
Sẽ có những nhóm săn bắt hái lượm hiệu quả hơn và sẽ mang về được nhiều tài nguyên hơn, nhưng việc họ bắt đầu tích trữ của cải cho mình sẽ ảnh hưởng tới cả cộng đồng. Vậy nên người trong nhóm không khuyến khích việc tích trữ lương thực để có địa vị xã hội cao hơn.
Có thể thấy tình trạng "mọi người như nhau" hiện hữu rõ trong cấu trúc nhà cửa của Çatalhöyük: tất cả các căn nhà đều có kích cỡ tương tự nhau. Một vài ngôi nhà nhiều đồ trang trí hơn – tác phẩm nghệ thuật, đồ vật liên quan tới tín ngưỡng – nhưng vẫn không có ai sống trong một dinh thự đặc biệt to và đẹp.
Khi áp dụng cho một cộng đồng nhỏ, ai cũng quen biết nhau, mô hình này vô cùng hợp lý. Nhưng khi số lượng người lên tới vai ngàn, rất khó để duy trì mô hình xã hội đó. Cần có người đứng lên quản lý, theo dõi những hoạt động diễn ra trong làng, lượng lương thực thu được. Bắt đầu xuất hiện những người chuyên làm những công việc riêng, và thế là sự phân tầng xã hội bắt đầu xuất hiện.
Nhưng theo nhà nghiên cứu Kuijt tìm hiểu, người thuộc Thời kỳ Đồ đá mới coi việc phân tầng xã hội là điều cấm kỵ. Một người nắm quyền xuất hiện là sẽ có ngay những ý kiến trái chiều. Chính sự đối lập giữa hai nhóm người tin vào hai cấu trúc xã hội khác nhau đã khiến những khu siêu làng mạc tan rã.
Bất ngờ thay, khoảng những năm 4.000 Trước Công nguyên – 1.000 năm sau những sự kiện bất đồng trên, các thành phố mọc lên với cấu trúc rõ ràng: cao nhất là vua, sau là các thầy cúng thần thánh rồi tới dân thường và nô lệ.
Chữ viết – một trong những công cụ tinh vi nhất nhân loại từng phát minh ra - xuất hiện, quy định rõ ai sống ở đâu và ai sở hữu cái gì.
Nhiều khả năng, mô hình siêu làng mạc không duy trì được lâu bởi hệ thống xã hội chia sẻ tài nguyên cho mọi người chỉ phù hợp với quy mô nhỏ. Có lẽ đó là lý do không cộng đồng nào lớn quá 200 người tồn tại được lâu, đa số người sẽ bỏ về mô hình cũ.
Theo cách hiểu nào đó, nông nghiệp chính là một thứ "công nghệ" đi trước thời đại, trước khi con người đủ tiến hóa (về mặt tinh thần) để tận dụng tối đa tiềm năng của nó. Nó có thể cho con người tài nguyên để xây dựng thành phố lớn, nhưng khi 10.000 năm trước thời điểm đó, con người vẫn quen thuộc với lối sống du mục, nên đã không thích ứng được ngay với đời sống cộng đồng lớn.
Kết quả tất yếu sẽ là thất bại, những mô hình siêu làng mạc – tiền thân của "thành phố" hiện đại – đã không thể tồn tại được lâu. Ta chưa đủ sẵn sàng. Khi mọi thứ không êm xuôi (với dịch bệnh, hạn hán gây thiếu thốn thức ăn, …), con người sẵn sàng bỏ siêu làng mạc để quay lại lối sống cũ, thứ họ đã quen thuộc cả chục ngàn năm.
Cũng may mà con người đã thông minh hơn, hiểu rõ tầm quan trọng của lối sống cộng đồng chứ nếu mà cứ quen với kiểu làng mạc và không chịu phát triển, có lẽ ta đã không có được xã hội hiện đại.