Hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ( COP28 ) đã kết thúc tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất vào ngày 13/12.
Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về khái niệm nông nghiệp bền vững . Tuy nhiên, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), mục tiêu của nông nghiệp bền vững là cung cấp thực phẩm bổ dưỡng và dễ tiếp cận đối với mọi người, đồng thời tài nguyên thiên nhiên được quản lý theo cách duy trì các chức năng của hệ sinh thái để hỗ trợ nhu cầu hiện tại cũng như tương lai của con người.
Theo định nghĩa này, ta có thể thấy, nông nghiệp bền vững trong xã hội hiện đại gắn chặt với môi trường và là một phần quan trọng trong nỗ lực chung toàn cầu nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính .
Một trong những thành quả đáng chú ý nhất tại COP28 là 134 quốc gia và vùng lãnh thổ sản xuất 70% lượng thực phẩm tiêu thụ trên toàn cầu đã ký tuyên bố về việc tăng cường nỗ lực tích hợp hệ thống thực phẩm vào kế hoạch cắt giảm khí thải của quốc gia. Các quốc gia cũng theo đuổi nỗ lực hỗ trợ nông dân và các nhà sản xuất thực phẩm dễ bị tổn thương như tăng cường tài trợ, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển các hệ thống cảnh báo sớm.
Ngoài ra, các chính phủ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục đất đai, thay đổi các hoạt động nông nghiệp phát thải khí nhà kính và giảm thất thoát lương thực. Tuyên bố này có thể xem là thành quả của một quá trình phát triển nhận thức lâu dài và là điểm nhấn của ngành nông nghiệp thế giới trong năm 2023.
(Ảnh: USDA NRCS South Dakota)
Để đạt được nông nghịêp bền vững cần sự chung tay của các bộ phận công, tư và ngành sản xuất lương thực thực phẩm, đồng thời cũng cần giảm thiểu việc sử dụng các yếu tố dễ phát thải như phân bón trong quá trình sản xuất. Năm 2023 có thể xem là một năm ngành nông nghiệp thế giới đã có những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng một hệ thống sản xuất khép kín thân thiện với môi trường và giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Khí CO₂ được biết đến là nguyên nhân lớn gây ra sự ấm lên toàn cầu. Bên cạnh đó có một "kẻ thù giấu mặt" khác khiến Trái đất ấm lên và làm tăng tốc quá trình biến đổi khí hậu, đó chính là khí methane. Và ngành phát thải khí methane nhiều nhất chính là nông nghiệp. Khí metan hình thành trong quá trình lên men tự nhiên trong dạ dày những động vật nhai lại như bò, cừu, và thải ra qua việc ợ hơi và quá trình phân hủy chất thải hữu cơ của chúng.
Nếu như quá trình sản xuất thực phẩm đã xanh từ khâu canh tác, đến thì khâu cuối cùng là xử lý rác thải cũng phải xanh. Rác thải nông nghiệp chưa chắc đã hết giá trị sử dụng. Tại Đức, vỏ hạt cacao không đơn thuần là 1 loại phế thải nông nghiệp, mà còn có thể được sử dụng để chống biến đổi khí hậu.
Các nhà sản xuất Đức đã đun nóng vỏ cacao đến 600°C, tạo ra một loại bột đen được gọi là than sinh học. Chất này có thể được sử dụng làm phân bón hoặc là một thành phần trong sản xuất bê tông "xanh." Đây được xem là phương pháp mới đầy hứa hẹn để loại bỏ carbon khỏi bầu khí quyển của Trái đất.
Còn tại Tứ Xuyên, Trung Quốc, dầu thải thực phẩm lại có thể được tái sử dụng để tinh chế làm nhiên liệu sinh học cho máy bay, giúp xanh hóa ngành hàng không.
Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu ngày càng trầm trọng, một vòng tròn sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường có vai trò không nhỏ trong việc làm chậm quá trình biến đổi khí hậu. Hiện mô hình này đang ngày càng được khuyến khích trên thế giới.
Nói về các xu hướng nổi bật trong ngành thực phẩm của thế giới năm 2023, đó chính là việc tạo ra các sản phẩm thịt nhân tạo. Quá trình chăn nuôi và sản xuất thịt cũng là một yếu tố làm phát sinh các lọai khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vậy nếu hoàn toàn không tạo ra thịt như cách thông thường mà từ phòng thí nghiệm với các nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật và hải sản thì sao? Đây là một ý tưởng đang được đẩy mạnh trong năm 2023.
Hàng loạt công ty và phòng thí nghiệm đã thử nghiệm các lọai thịt nhân tạo khác nhau. Mặc dù vẫn còn những điểm gây tranh cãi nhưng không thể phủ nhận rằng xu hướng này đang ngày càng trở nên phổ biến và ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp đang tìm cách tận dụng những cơ hội mà thị trường thịt nhân tạo mang lại.
Ngành nông nghiệp thế giới đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trong năm 2023 để tiến đến nông nghiệp bền vững, được thể hiện qua nhiều nỗ lực cải tiến quy trình sản xuất và tiến bộ khoa học, với điểm nhấn là cam kết được các bên đưa ra tại COP28. Đây là những dấu hiệu cho thấy một quá trình tăng tốc hướng về ngành nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.