Ngày 21/8 vừa qua, bồi thẩm đoàn tại Los Angeles, Mỹ đã yêu cầu Công ty Johnson & Johnson phải bồi thường cho một người phụ nữ ở Califonia số tiền 417 triệu USD. Bà này đang phải nằm viện để điều trị ung thư buồng trứng.
Đây là vụ kiện lớn nhất từ trước đến nay cáo buộc hãng Johnson & Johnson đã không khuyến cáo thích hợp cho khách hàng về các nguy cơ ung thư từ những sản phẩm phấn bột của công ty này.
Theo Reuters, án phạt 417 triệu USD dành cho Johnson & Johnson bao gồm
70 triệu USD bồi thường thiệt hại và 347 triệu USD tiền phạt thiệt hại.Bên cạnh đó, hãng Johnson & Johnson cũng đang phải đối mặt với gần 5.000 đơn kiện tương tự trên toàn nước Mỹ, và đã bị tuyên phạt hơn 300 triệu USD trong các vụ bị kiện ở Missouri.
Sau hơn 50 năm dùng sản phẩm của Johnson & Johnson...
...bà Eva Echeverria cho rằng đó là nguyên nhân khiến mình bị ung thư.
Trở lại vụ kiện lần này, người phụ nữ ở Califonia tên là Eva Echeverria từng đệ đơn kiện cáo buộc phấn rôm của Johnson & Johnson là nguyên nhân khiến bà bị ung thư buồng trứng sau một thời gian dài sử dụng.
Theo bà Echeverria, Johnson & Johnson đã không cảnh báo đầy đủ với người tiêu dùng về các nguy cơ ung thư tiềm ẩn trong sản phẩm phấn rôm.
Trong đơn tố cáo, người phụ nữ 63 tuổi cho biết bà đã sử dụng phấn rôm của hãng nay từ những năm 1950 đến năm 2006. Đến năm 2007, bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng và cho rằng nguyên nhân là do phấn rôm của Johnson & Johnson.
Mark Robinson, luật sư của Echeverria cho biết thân chủ của ông đang trong giai đoạn điều trị ung thư. Bà hy vọng phán quyết của bồi thẩm đoàn sẽ buộc Johnson & Johnson phải bổ sung các thông tin cảnh báo nguy hiểm lên bao bì sản phẩm của họ.
Trong khi đó, đại diện của Johnson & Johnson cho biết, họ sẽ kháng án. Người phát ngôn của hãng này cho biết: "Sản phẩm bột phấn rôm của của chúng tôi an toàn dựa trên các hướng dẫn khoa học".
Thành phần chủ yếu trong phấn rôm là bột Talc, bột ngô và một số loại bột khác. Talc là một khoáng chất có trong tự nhiên, chứa các thành phần magie, silic, oxy và hydro. Chất bột này đã được sử dụng trong công nghiệp chế tạo các sản phẩm như gạch men, lốp cao su, mỹ phẩm, giấy việt hoặc phụ gia làm trắng trong sơn...
Một vài phiên bản Talc đôi khi có chứa amiang - chất được xem là tác nhân gây ung thư. Tuy nhiên, amiang đã bị cấm dùng trong bột Talc ở Hoa Kỳ từ những năm 1970.
* Theo Arstechnica/CNN