Nhiều nước châu Âu sẽ hiện diện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Liselotte Odgaard, nhà nghiên cứu tại Viện Hudson (Mỹ), đánh giá Liên minh châu Âu (EU) "đã bắt đầu đặt dấu ấn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".
Phát biểu tại sự kiện hôm 18/3 thảo luận về vai trò của EU trong khu vực, bà Odgaard nói EU có định hướng chính sách chung là phản đối những hành động hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông và ủng hộ tự do hàng hải, tuy nhiên khối này chưa thể tiến xa hơn trong các sáng kiến chính sách cụ thể - điều "sẽ được để cho một nhóm quốc gia thực hiện, và cũng là những gì chúng ta thấy ngày càng nhiều".
Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng với khoảng 3 nghìn tỉ USD thông thương mỗi năm, chiếm 1/3 quy mô thương mại toàn cầu. Trung Quốc áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý - được biết đến là "Đường 9 đoạn" - đối với hơn 80% diện tích vùng biển quốc tế ở đây, và vấp phải sự phản đối phổ biến của cộng đồng quốc tế.
Hoạt động bồi lấp, cải tạo, quân sự hóa trái phép trên các đảo nhân tạo ở biển Đông mà Bắc Kinh tiến hành ồ ạt đã dấy lên quan ngại từ phía Mỹ và các đồng minh. Ấn Độ cũng bày tỏ lo ngại về sự hiện diện gia tăng của lực lượng Trung Quốc trên vùng biển Ấn Độ Dương. EU cùng một số thành viên khối nhiều lần lên tiếng quan ngại về hành động của Trung Quốc trên biển Đông.
Hải quân và không quân Mỹ đã gia tăng các chiến dịch tuần tra nhằm bảo đảm khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "tự do và mở cửa", trong khi Pháp đã tiến hành các hoạt động hải quân đi qua biển Đông từ năm 2014.
Bà Odgaard cho hay, một số nước đã gửi nhân viên tham gia trên tàu quân sự Pháp những năm gần đây, nhằm ủng hộ kêu gọi của EU về thực thi quy định quốc tế liên quan đến tự do hàng hải.
"Năm nay, Đan Mạch sẽ gửi một tàu tuần dương và Pháp sẽ gửi một nhóm tác chiến tàu sân bay [tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]," bà nói với SCMP. "Có thể thấy đang có những bước tiến dần dần trong nỗ lực của một nhóm quốc gia đồng tình rằng chúng ta cần phải tiến hành các chiến dịch ủng hộ [tự do hàng hải] ở biển Đông."
Bà cho biết, một số nước sẽ tổ chức tập trận quân sự với Ấn Độ và Nhật Bản, và "không phải là cả EU, nhưng sẽ là một nhóm nước đủ lớn tham gia để thông điệp chuyển tải được rõ ràng rằng châu Âu không phải là những quốc gia đơn lẻ".
Anh có kế hoạch triển khai một tàu sân bay đến Thái Bình Dương và cân nhắc thiết lập một chuỗi cơ sở quân sự mới trong khu vực. Pháp cũng đang thảo luận về khả năng tổ chức tập trận với Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.
Chiến hạm USS McCampbell (Mỹ) và HMS Argyll (Ảnh) tham gia cuộc huấn luyện chung trên biển Đông, tháng 1/2019 (Ảnh: Reuters)
Tiến sĩ Patrick Cronin - Giám đốc An ninh châu Á-Thái Bình Dương, Viện Hudson, cũng kêu gọi "đưa châu Âu vào phương trình" ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhằm buộc Bắc Kinh tuân thủ các điều luật về tự do hàng hải ở các vùng nước quốc tế.
Theo ông, châu Âu "có thể rất hữu ích trong vai trò giúp mọi người nhận ra rằng chúng ta cần làm việc trên cơ sở các quy định quốc tế, chứ không phải một phạm vi ảnh hưởng đặc biệt nào đó - nơi mà các quy định bất ngờ [được áp dụng] khác biệt".
EU ngày càng quan ngại về sự hung hăng của Trung Quốc
Mối quan ngại trong EU ngày càng gia tăng, liên quan đến những thách thức từ Trung Quốc nhằm vào tình hình kinh tế và an ninh của khối. Bắc Kinh thường xuyên bị tố là không tuân theo các quy định quốc tế.
Trong một tài liệu phát hành tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) lần đầu định danh Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh kinh tế" và "đối thủ hệ thống thúc đẩy các mô hình quản trị thay thế". EC đưa ra 10 đề xuất nhằm cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc và đoàn kết nội khối để ứng phó với ảnh hưởng từ đối tác thương mại hàng đầu này.
Các lãnh đạo EU sẽ thảo luận về những đề xuất trên tại phiên thượng đỉnh ngày 21/3 tới, một phần trong loạt cuộc gặp cấp cao. Từ ngày 21, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng bắt đầu chuyến công du Italy và Pháp. EU cũng chuẩn bị để tổ chức một hội nghị cấp cao với Trung Quốc vào tháng 4.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu trong đối thoại an ninh với các đồng cấp châu Âu hôm 18/3 tại Brussels, rằng giữa Trung Quốc và EU có tồn tại khác biệt trong một số vấn đề, song hợp tác vẫn là dòng chảy chính trong mối quan hệ này.
Một nguồn tin ngoại giao tiết lộ với SCMP rằng bên cạnh bất đồng trong EU liên quan đến sự thiếu cân bằng lợi ích trong tiếp cận thị trường giữa châu Âu và Bắc Kinh, trong khối còn xuất hiện những bất mãn nghiêm trọng về chiến lược hàng hải hung hăng của Bắc Kinh như ở biển Đông.
Nguồn tin nói rằng sẽ có nhiều hơn các hoạt động hải quân của các nước EU được triển khai ở biển Đông.
Anh nhiều lần đề cập ý định gia tăng hoạt động ở châu Á và đã tổ chức hoạt động chung với Mỹ. Tàu chiến HMS Albion của hải quân Anh ngày 31/8/2018 tiến sát các thực thể ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam và bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép), khiến Bắc Kinh giận dữ.
John Hemmings, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á (Anh), nói rằng Anh đang cân nhắc xây dựng chính sách chia sẻ tình báo với Nhật.
Ông cho biết, Anh có khoảng 124 tỉ USD hàng hóa đi qua biển Đông hồi năm ngoái. Đây "là con số đáng kể trong nguồn thu của chúng tôi, do đó chúng tôi quan ngại về việc bất kỳ ai cố gắng kiểm soát tuyến đường biển đó".
Anh "sẽ không dẫn đầu, nhưng chắc chắn sẽ đi theo, tham gia, và trở thành đối tác trách nhiệm của cộng đồng các nước có lợi ích trong khuôn khổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" - ông Hemmings nói.
Hồi tháng 10/2018, Hà Lan cho biết nước này sẽ gửi tàu chiến để tham gia cùng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh trong hoạt động triển khai đầu tiên trên các vùng biển của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2021.
"Chúng ta sẽ thấy nhiều động thái như vậy hơn," Hemmings nhận định, bổ sung rằng Anh cùng các nước châu Âu khác, Canada, Australia,... sẽ "sát cánh với nhau và hoạt động theo các nhóm như vậy".