22h34: Chuẩn tướng Ramezan Sharif, phát ngôn viên của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày hôm nay cho biết, một tàu chiến Anh làm nhiệm vụ hộ tống đã cố gắng ngăn chặn IRGC bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero nhưng bất thành.
Hãng thông tấn Fars dẫn lời tướng Ramezan Sharif nói rằng, bất chấp sự kháng cự và can thiệp của tàu chiến Anh, IRGC vẫn thành công trong việc buộc tàu chở dầu Stena Impero phải đi vào bờ.
Bộ Quốc phòng Anh hiện vẫn từ chối đưa ra bình luận về tuyên bố này của Iran.
21h16: Hãng thông tấn Tasnim của Iran vừa cho công bố một đoạn video ghi lại hình ảnh tàu chở dầu Stena Impero của Anh mà nước này bắt giữ ngày hôm qua. Đoạn video cho thấy cảnh con tàu lúc đang ở ngoài biển.
Iran công bố video về tàu chở dầu Stena Impero của Anh bị nước này bắt giữ ngày 19/7
Tàu Stena Impero hiện đang được Iran lưu giữ ở cảng Bandar Abbas cùng với 23 thành viên thủy thủ đoàn trên khoang.
20h57: Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh Tom Tugendhat cho rằng, việc sử dụng hành động quân sự để lấy lại tàu chở dầu bị Iran bắt giữ sẽ không phải là một lựa chọn đúng đắn.
Theo ông Tom Tugendhat, tìm kiếm giải pháp quân sự để xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay là “cực kỳ thiếu khôn ngoan”, nhất là khi chiếc tàu bị bắt đã được chuyển tới một cảng được bảo vệ chặt chẽ.
“Nếu như nó được chuyển về Bandar Abbas và đó là một cảng quân sự quan trọng của Iran thì tôi nghĩ rằng bất cứ một lựa chọn quân sự nào cũng sẽ cực kỳ thiếu khôn ngoan”, ông Tugendhat phát biểu trên hãng tin BBC.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh cho rằng việc trục xuất Đại sứ Iran tại Anh cũng không phải là giải pháp hữu ích bởi London cần phải duy trì đối thoại. Một số quan chức cao cấp khác của Anh cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ không nên sử dụng các lựa chọn quân sự.
Khinh hạm HMS Montrose Hải quân Hoàng gia Anh. Ảnh: BI
19h40: Phát biểu trên kênh truyền hình Sky News, cựu Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh Lord West đã lên tiếng chỉ trích Chính phủ Anh đã không đủ khả năng bảo đảm an toàn cho hoạt động vận tải biển của nước này trên Eo biển Hormuz.
“Nước Anh đừng cố chứng tỏ rằng “chúng tôi bất ngờ” với sự việc tàu Stena Impero bị bắt giữ. Điều tôi nhận thấy rất khác thường là chúng ta đã biết Iran sẽ làm điều gì đó tương tự từ cách đây vài ngày rồi”.
Ông West cho rằng Hải quân Anh có quá ít tàu và do vậy gặp quá nhiều khó khăn trong việc hộ tống các tàu thương mại qua Eo biển Hormuz.
Theo tính toán, mỗi ngày có khoảng từ 15 - 30 tàu dầu mang cờ Anh đi qua Eo biển Hormuz.
Hiện tại, Anh duy trì 7 tàu hải quân cùng với các lực lượng thủy quân lục chiến làm nhiệm vụ bảo vệ ở Vịnh Ba Tư, gồm: khinh hạm HMS Montrose, dự kiến sẽ được thay thế bằng tàu chiến HMS Duncan; 4 tàu kháng mìn HMS Ledbury, HMS Blyth, HMS Brocklesby và HMS Shoreham; cùng một tàu hậu cần RFA Cardigan Bay.
Khinh hạm HMS Montrose
17h44: Chính phủ Ấn Độ và Philippines cho biết, họ đang làm việc với Iran để nước này thả các công dân của hai nước trên tàu chờ dầu của Anh bị Tehran bắt giữ trên Vịnh Ba Tư.
Raveesh Kumar, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói rằng các nhà ngoại giao của họ đang liên hệ với Chính phủ Iran để Tehran sớm trao trả và hồi hương 18 thành viên thủy thủ đoàn Ấn Độ trên tàu chở dầu Stena Impero.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Philippines cũng cho biết đại sứ của họ ở Tehran đang làm việc với các nhà chức trách Iran để đảm bảo an toàn cho một công dân Philippines và yêu cầu cần được trả về ngay lập tức.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Sarah Lou Arriola, hiện không có thông nào về việc các thủy thủ trên tàu Stena Impero bị thương vong.
Hãng thông tấn Nhà nước Iran IRNA đưa tin, ngoài các thủy thủ Ấn Độ nêu trên còn có 3 người Nga và một người Latvia.
Tàu tấn công nhanh của Vệ binh Cách mạng Hồi Giáo Iran
15h55: Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt nói rằng ông lo ngại Iran đã chọn cách “đi theo một con đường nguy hiểm” sau hành động bắt giữ tàu dầu Anh hôm 19/7.
“Hành động ngày hôm qua ở vùng Vịnh cho thấy những dấu hiệu đáng lo ngại về khả năng Iran có thể đang chọn một con đường nguy hiểm bằng hành vi bất hợp pháp và gây mất ổn định sau vụ Gibraltar giam giữ hợp pháp tàu chở dầu tới Syria," ông Hunt viết trên Twitter.
"Như tôi đã nói ngày hôm qua, phản ứng của chúng tôi sẽ thận trọng nhưng mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ tìm cách giải quyết vấn đề tàu Grace1 nhưng sẽ bảo đảm an toàn cho hoạt động vận tải biển của mình".
Hải quân Anh ngày 4/7 đã bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran ở Gibraltar với cáo buộc nó chở dầu tới Syria vi phạm các lệnh cấm vận của liên minh châu Âu.
Tàu Grace 1 chở theo 2 triệu thùng dầu của Iran bị Anh bắt giữ với cáo buộc chuyển hàng tới Syria
14h17: Hãng thông tấn Fars của Iran dẫn lời một quan chức nước này cho biết, tàu chở dầu Stena Impero mang cờ Anh đã bị bắt giữ trong một vụ tai nạn với tàu cá của Iran và đã phớt lờ các cảnh báo nguy hiểm.
“Nó liên quan tới một vụ tai nạn với một tàu đánh cá của Iran. Khi tàu cá phát đi cảnh báo nguy hiểm thì con tàu mang cờ hiệu nước Anh vẫn cố tình phớt lờ”, ông Allahmorad Afifipour - Giám đốc Tổ chức Cảng biển và Hàng hải Iran ở tỉnh Hormozgan nói với hãng thông tấn Fars.
Cũng theo Fars, tất cả 23 thủy thủ trên tàu chở dầu Stena Impero hiện đang ở cảng Bandar Abbas và được yêu cầu ở yên trên tàu cho tới khi kết thúc điều tra.
Tàu chở dầu Stena Impero của Anh bị Iran bắt giữ
12h24: Theo BBC, Ủy ban Khẩn cấp Chính phủ Anh đã nhóm họp 2 lần tại Cung điện Whitehall hôm thứ Sáu để thảo luận về các biện pháp đối phó với vụ việc tàu dầu Stena Impero bị Iran bắt giữ.
Nữ phát ngôn viên của Ủy ban này nói rằng Chính phủ Anh “đặc biệt lo ngại” về những hành động “không thể chấp nhận được” của Iran và coi đây là một thách thức rõ ràng đối với tự do hàng hải quốc tế: “Chúng tôi đã đề nghị các tàu vận tải biển của Anh tránh xa khu vực trong giai đoạn hiện tại”.
Lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn yêu cầu Iran phải ngay lập tức trao trả tàu dầu bị bắt giữ, đồng thời cảnh báo tình hình leo thang căng thẳng “có nguy cơ dẫn tới một cuộc xung đột lớn hơn”.
Hành trình di chuyển của tàu dầu Anh qua Eo biển Hormuz. Ảnh; BBC
11h26: Trong diễn biến liên quan mới nhất tới tình hình căng thẳng ở vùng Vịnh, Lầu Năm Góc ngày 19/7 đã quyết định cử thêm binh sĩ tới Saudi Arabia nhằm tăng cường khả năng răn đe trước các mối đe dọa trong khu vực.
Động thái này đặc biệt đáng chú ý trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Iran bị đẩy lên cao độ sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 ký năm 2015 và nhất là việc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vừa bắt giữ một tàu chở dầu của Anh.
Bộ Quốc phòng Saudi Arabia cũng đã lên tiếng khẳng định thông tin này.
“Dựa trên thỏa thuận hợp tác song phương giữa Saudi Arabia và Mỹ cũng như mong muốn của các bên về mục đích đảm bảo an ninh và sự ổn định trong khu vực, nhà vua Salman đã chấp thuận cho phép Mỹ triển khai quân tới đây”, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Saudi Arabia cho biết.
Tháng 6/2019, Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ điều động thêm 1.000 binh lính tới Trung Đông nhưng khi đó chưa nói rõ sẽ triển khai ở đâu.
Tướng Kenneth McKenzie, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ thăm Saudi Arabia ngày 18/7
10h41: Truyền thông Iran dẫn lời các chỉ huy quân sự cấp cao của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran nói rằng tàu dầu Stena Impero “đã vi phạm 3 quy định hải quân quốc tế”, bao gồm: tắt hệ thống định vị GPS, vi phạm lộ trình hải hàng trên Eo biển Hormuz và làm ô nhiễm môi trường biển khi thải dầu thô ra bên ngoài.
“Chúng tôi đã đề nghị các lực lượng vũ trang dẫn con tàu này tới cảng Bandar Abbas để chúng tôi có thể điều tra kỹ hơn”, Allah Morad Anifipour, Chủ tịch tổ chức Vận tải và Cảng biển Iran nói.
10h06: Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), đơn vị chịu trách nhiệm thực thi các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Trung Đông phát đi thông báo cho biết, các máy bay tuần tra không phận quốc tế đang giám sát chặt chẽ Eo biển Hormuz và Hải quân Mỹ luôn phối hợp chặt chẽ với các tàu Mỹ để đảm bảo an toàn cho họ.
Hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Gonzalez (DDG-66) (phía trên) và USS McFaul (DDG-74) đã được Lầu Năm Góc triển khai tới Trung Đông hồi tháng 5/2019
09h37: Tối muộn ngày thứ Sáu, Thủ tướng Anh Theresa May đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các cố vấn và quan chức cấp cao trong chính phủ nhằm tìm biện pháp đáp trả hành động bắt giữ tàu dầu của Iran.
Phát biểu trước cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại gia Anh Jeremy Hunt nói rằng ông "đặc biệt quan ngại" về diễn biến mới nhất này trên Eo biển Hormuz.
08h35: Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Garrett Marquis cho biết, Mỹ đã nắm bắt được sự việc đang diễn ra ở khu vực, cụ thể là thông tin các lực lượng Iran bắt giữ một tàu chở dầu của Anh.
“Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác để đảm bảo an ninh và các lợi ích của mình, chống lại các hành động gây hấn của Iran”, ông Marquis nói.
Bản đồ hành trình của tàu chở dầu Stena Impero khi bị Iran bắt giữ
08h07: Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt phát biểu trên kênh truyền hình Sky News: “Chúng tôi tuyên bố rất rõ ràng rằng, nếu tình hình không được giải quyết nhanh chóng, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng”.
Ông Hunt cũng cho biết thêm, tàu Stena Impero đã bị bao vây bởi 4 tàu tấn công nhanh của Iran cùng với một trực thăng bay phía trên.
“Việc bắt giữ này là không thể chấp nhận. Tự do hàng hải phải được bảo đảm và tất cả các tàu thuyền phải được đi lại an toàn và tự do trong khu vực”.
Đêm thứ Sáu, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington theo dõi sát sao và sẽ tham vấn với Anh về vụ việc nghiêm trọng này.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt cảnh báo Iran sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng về vụ bắt giữ tàu chở dầu
07h19: Norbulk Shipping UK - Công ty điều hành tàu chở dầu Mesdar có trụ ở ở Glasgow xác nhận con tàu đã bị các lực lượng vũ trang Iran tiếp cận nhưng sau đó được phép tiếp tục hành trình, đồng thời cho biết “tất cả các thủy thủ đoàn đều an toàn”.
Tuy nhiên, thủy thủ đoàn của tàu Stena Impero đã bị phía Iran giam giữ vào cuối ngày thứ Sáu (19/7). Erik Hanell - Giám đốc điều hành Công ty Stena Bulk quản lý tàu nói rằng hiện vẫn chưa thể liên lạc được với tàu Stena Impero.
“23 thủy thủ trên tàu mang các quốc tịch Ấn Độ, Nga, Latvia và Philippines. Hiện chưa có thông tin gì về thương vong và sự an toàn cũng như phúc lợi của các thủy thủ vẫn là mối quan tâm giải quyết chính của chúng tôi”, Erik Hanell cho biết.
06h58: Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tuyên bố đã đưa tàu Stena Impero mang cờ Anh vào cảng cùng với 23 thành viên thủ thủ đoàn trên khoang.
Trong khi đó, Mesdar - tàu chở dầu thứ hai mang cờ Liberia nhưng cũng do Anh vận hành đã đột ngột thay đổi hành trình về hướng cảng Ras Tanura của Saudi Arabia.
Dữ liệu hàng hải cho thấy con tàu đã di chuyển theo hướng Bắc về phía bờ biển Iran trước khi tắt dữ liệu theo dõi.
Chưa đầy 2 giờ sau đó, tín hiệu theo dõi của tàu Mesdar đã được bật trở lại. Hãng thông tấn Farscho biết, con tàu đã bị giam giữ trong một khoảng thời gian ngắn ở Eo biển Hormuz và được yêu cầu tuân thủ các quy định về môi trường trước khi được phép tiếp tục quay trở lại hành trình.
Tàu chở dầu Stena Impero bị Iran bắt giữ ngày 19/7. Ảnh; The Guardian
06h40: Theo CNN, Iran không lên tiếng tuyên bố nhận trách nhiệm giam giữ tàu Mesdar và dường như con tàu này đã tiếp tục quay trở lại hành trình tới Saudi Arabia sau khi tiếp cận gần lãnh hải Iran.
06h20: Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt xác nhận Iran đã bắt giữ không phải 1 mà là 2 tàu của Anh trên vùng biển quốc tế ở Eo biển Hormuz.
Vụ bắt chiếc tàu thứ hai Mesdar chỉ diễn ra đúng 1 giờ sau khi tàu chở dầu Stena Impero mang cờ Anh bị bắt giữ ở cùng khu vực.
Hình ảnh từ UAV của IRGC cho thấy tàu Stena Impero đã bị bắt giữ (góc dưới, bên trái)
06h00: Stena Bulk, Công ty sở hữu tàu chở dầu Stena Impero cho biết "tàu đã bị bắt giữ bởi một trực tăng và các tàu cao tốc cỡ nhỏ" vào lúc 7:30 tối giờ địa phương (15: 00 giờ GMT) và hiện tại "họ không thể liên lạc được với tàu".
Thông tin từ trang mạng Marine Traffic cho thấy, tàu Stena Impero treo cờ Anh thuộc sở hữu của Thụy Điển đã báo tín hiệu về vị trí cuối cùng ở gần Đảo Larak lúc 9 giờ tối giờ địa phương (16:30 GMT).
Stena Bulk nói rằng khi bị mất liên lạc, trên tàu có 23 thành viên phi thủy thủ đoàn.
Tàu chỏ dầu Stena Impero
05h41: Hải quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran nói rằng tàu chở dầu Stena Impero đã bị bắt giữ vì "coi thường các quy tắc và quy định hàng hải quốc tế khi đi qua Eo biển Hormuz".
IRGC cũng cho biết, con tàu mang cờ Anh đã được hộ tống đến vùng biển ven bờ của Iran.
05h30: Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố đã bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero của Anh trên Eo biển Hormuz.
Truyền thông Iran dẫn các nguồn tin quân sự cho biết, trước khi bị bắt, tàu Stena Impero đã tắt thiết bị theo dõi và phớt lờ các cảnh báo từ phía Iran.