Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho 60 nhà ngoại giao Nga bị Mỹ coi là gián điệp phải rời khỏi nước này, nhằm phản ứng vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái Yulia bị ám sát bằng chất độc thần kinh Novichok tại Anh hôm 4/3. Ông Trump còn ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Nga tại Seattle.
"Ngày hôm nay (26/3) tổng thống Donald J. Trump đã ra lệnh trục xuất hàng chục nhân viên tình báo Nga khỏi Mỹ, và đóng cửa lãnh sự quán Nga tại Seattle do cơ sở này nằm quá gần các căn cứ tàu ngầm của chúng ta và gần hãng Boeing," phát ngôn viên Nhà Trắng bà Sarah Huckabee Sanders nói.
"Mỹ hành động như vậy để phối hợp với các đồng minh NATO và các đối tác của chúng tôi trên khắp thế giới, nhằm phản ứng lại việc Nga sử dụng vũ khí hóa học cấp độ quân sự trên lãnh thổ Vương quốc Anh - diễn biến mới nhất trong chuỗi hành động gây bất ổn [của Nga] trên thế giới".
"Mỹ sẵn sàng hợp tác xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn với Nga, nhưng điều đó chỉ xảy ra khi chính phủ Nga thay đổi cách hành xử."
Theo bà, lệnh trục xuất "sẽ làm nước Mỹ an toàn hơn" và "làm giảm khả năng Nga theo dõi người Mỹ để tiến hành các chiến dịch mật có thể đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ".
"Với những bước đi này, Mỹ và các đồng minh cùng đối tác gửi thông điệp rõ ràng tới Nga rằng hành động của họ sẽ mang lại những hậu quả," bà Sanders nói thêm.
Thông cáo báo chí của Nhà Trắng về việc trục xuất "các nhân viên tình báo Nga"
14 nước EU trục xuất các nhà ngoại giao Nga
Cùng thời điểm, 14 nước Liên minh châu Âu (EU) - gồm Đức, Ba Lan, Pháp, Latvia... cũng ra lệnh trục xuất các nhà ngoại giao của Nga với cùng lý do liên quan đến vụ Skripal - hãng RT (Nga) đưa tin.
Ngoại trưởng Ba Lan tuyên bố nước này quyết định "không hoan nghênh 4 nhà ngoại giao Nga". Czech trục xuất 3 người và Đan Mạch trục xuất 2 người.
Hà Lan thông báo nước này trục xuất 2 "nhân viên tình báo Nga", Estonia thì trục xuất tùy viên quân sự của Nga. Bộ ngoại giao Italy nói sẽ ra lệnh trục xuất 2 nhà ngoại giao thuộc đại sứ quán Nga trong vòng một tuần.
Ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) cho biết các nước EU có thể sẽ áp đặt thêm nhiều biện pháp nhằm vào Nga trong những ngày tới, bên cạnh các vụ trục xuất.
Ngoài ra, tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng thông báo trục xuất 13 quan chức ngoại giao của Nga.
Lệnh trục xuất ngày 26/3 (giờ địa phương) là hành động cứng rắn nhất của Mỹ nhằm vào Nga dưới thời tổng thống Trump, bất chấp ông Trump và đồng cấp Nga Vladimir Putin đã đạt một số tiến triển trong quan hệ cá nhân. Mới đây, Mỹ cũng công bố các biện pháp cấm vận nhằm vào một số cá nhân và thực thể có liên hệ với điện Kremlin.
Các quan chức Mỹ gọi vụ đầu độc Skripal ở Salibury, Anh, hôm 4/3 là "đòn tấn công vào đồng minh thân cận nhất của Mỹ và là mưu đồ liều lĩnh nhằm sát hại một công dân Anh ngay trên lãnh thổ Anh". Họ cho biết có "hơn 100 điệp viên Nga" nằm vùng trong vai trò các nhân viên ngoại giao ở Mỹ, đồng thời mô tả số lượng như vậy là "không thể chấp nhận".
Trong số 60 người bị trục xuất khỏi Mỹ có 48 người làm việc cho đại sứ quán Nga và 12 người thuộc đoàn đại biểu Nga tại Liên hợp quốc. Những người này có 7 ngày để rời khỏi Mỹ.
Tính đến nay, ít nhất 10 nước thành viên thuộc EU đã sẵn sàng hành động phối hợp với Mỹ để phản ứng nhằm vào Nga trong vụ Skripal.
Ban đầu, chính phủ Anh của thủ tướng Theresa May đã ra lệnh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga để đáp trả vụ Skripal, sau khi kết luận điều tra của Anh kết luận Moskva có dính líu. Để đáp trả, Nga cũng trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh.
Moskva cảnh báo sẽ đáp trả tương xứng nếu chính quyền Trump trục xuất các quan chức của họ. Trước đó, đại sứ quán Nga tại Washington cũng thúc giục ông Trump không bị cuốn theo "tin tức giả mạo" về vụ đầu độc Skripal.
Theo RT, chính phủ Nga bác bỏ cáo buộc liên quan đến vụ án, và đề xuất hợp tác toàn diện với cuộc điều tra nghi vấn Skripal bị mưu sát. Moskva cho biết đã đề nghị Anh cung cấp mẫu độc chất sử dụng trong vụ việc, nhưng London từ chối.
Mỹ và 14 nước EU đồng loạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga