Nông dân Thái Lan lo lắng vấp phải đối thủ mạnh: Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc có quá nhiều lợi thế

Hữu Hiển |

"Trước đây, Thái Lan là nước duy nhất được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, trong khi Việt Nam từng xuất khẩu sầu riêng đã qua chế biến. Nhưng bây giờ Việt Nam là đối thủ cạnh tranh của chúng tôi và điều đó làm tôi lo lắng", bà Busaba nói với phóng viên "Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng" (SCMP).

Nông dân Thái Lan lo lắng vấp phải đối thủ mạnh: Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc có quá nhiều lợi thế - Ảnh 1.

Việc sầu riêng Việt Nam gia nhập thị trường 1,4 tỷ người tiêu dùng của Trung Quốc đã đặt những người nông dân Thái Lan vào tình thế khó khăn. Ảnh: yearofthedurian.com

Sầu riêng Thái Lan chiếm số lượng lớn tuyệt đối tại thị trường Trung Quốc

Busaba Nakpipat - một nông dân Thái Lan với kinh nghiệm hơn 30 năm trồng sầu riêng - nhớ về một sự kiện khiến bà lo ngại về sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Thái Lan và Việt Nam: ngày 19/9/2022, lô hàng sầu riêng tươi đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Trung Quốc.

"Trước đây, Thái Lan là nước duy nhất được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, trong khi Việt Nam từng xuất khẩu sầu riêng đã qua chế biến. Nhưng bây giờ Việt Nam là đối thủ cạnh tranh của chúng tôi và điều đó làm tôi lo lắng", bà Busaba nói với phóng viên "Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng" (SCMP).

Theo quan điểm của bà Busaba, với việc Việt Nam nằm gần Trung Quốc hơn, và có sự kiểm soát chất lượng tốt hơn, Thái Lan cuối cùng có thể bị tụt lại phía sau.

Busaba từng đến thăm Việt Nam vào tháng 9/2022 và chứng kiến nhiều vườn sầu riêng mà bà cho biết đang mở rộng với tốc độ vượt xa mong đợi của bản thân.

"Việt Nam không trồng nhiều sầu riêng như Thái Lan nhưng đang không ngừng phát triển. Có rất nhiều cơ hội cho ngành sầu riêng phát triển ở Việt Nam, trong khi ở Thái Lan, mọi người đang cạnh tranh lẫn nhau", bà nói.

Theo tờ SCMP, Thái Lan - nước sản xuất sầu riêng lớn nhất thế giới - gần như không có đối thủ trong hoạt động xuất khẩu loại trái cây này sang Trung Quốc, ít nhất là từ đầu những năm 2000. Thái Lan nổi tiếng là nước trồng sầu riêng chất lượng hàng đầu, giúp nước này trở thành quốc gia đầu tiên xuất khẩu loại trái cây này sang Trung Quốc.

Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2017, lượng sầu riêng nhập khẩu của Trung Quốc là 224.400 tấn, và đến năm 2022, lượng sầu riêng nhập khẩu đã lên tới 825.000 tấn, tăng gần gấp 4 lần; trong đó, sầu riêng Thái Lan chiếm số lượng lớn tuyệt đối, đạt 780.000 tấn.

Tuy vậy, Aat Pisanwanich - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thương mại Quốc tế của Đại học Phòng Thương mại Thái Lan - cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam và các nước xuất khẩu sầu riêng khác ở Đông Nam Á cũng đã đàm phán với Trung Quốc. Và Việt Nam đang nhanh chóng phát triển thành một đối tác thương mại trái cây lớn của Trung Quốc nhờ vào mạng lưới hậu cần và vị trí gần.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngay sau khi sầu riêng Việt Nam được cấp "visa" vào Trung Quốc vào tháng 7/2022, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã đạt 190 triệu USD trong năm 2022; và thị phần của sầu riêng Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2023 cũng như những năm tiếp theo.

Sakda Sinives - chuyên gia nông nghiệp Thái Lan - cho biết, nông dân Việt Nam có lợi thế vì họ có thể thu hoạch sầu riêng muộn hơn để xuất khẩu so với ở Thái Lan, vì các chuyến hàng từ Việt Nam đến Trung Quốc mất ít thời gian hơn.

"Ngay cả khi không có sự khác biệt rõ ràng về hương vị… thì trái chín từ Việt Nam sẽ dần được người mua định giá cao hơn, trong khi giá sầu riêng từ Thái Lan sẽ giảm", chuyên gia Sakda nhận định.

Nông dân Thái Lan lo lắng vấp phải đối thủ mạnh: Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc có quá nhiều lợi thế - Ảnh 2.

Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc đạt 190 triệu USD trong năm 2022. Ảnh: VnEconomy

Nhưng sầu riêng Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế

Theo tờ SCMP, việc Việt Nam gia nhập thị trường 1,4 tỷ người tiêu dùng của Trung Quốc đã đặt những người nông dân trồng sầu riêng ở Thái Lan vào tình thế khó khăn.

Wootichai Kunjet - Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Thái Lan - cho biết: "Mùa thu hoạch sầu riêng ở Việt Nam là từ tháng 6 đến tháng 11, trùng với mùa thu hoạch sầu riêng ở miền nam Thái Lan."

"Thông thường sầu riêng từ miền nam [Thái Lan] thống trị thị trường nội địa và xuất khẩu sau khi kết thúc vụ sầu riêng từ miền đông đất nước [Thái Lan], nhưng hiện sản phẩm từ miền nam phải đối mặt với sự cạnh tranh không chỉ từ các vùng khác của Thái Lan mà cả Việt Nam", ông Wootichai nói.

Aat Pisanwanich - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thương mại Quốc tế của Đại học Phòng Thương mại Thái Lan - cho biết, Việt Nam vẫn chưa có khả năng cạnh tranh trực tiếp với Thái Lan về xuất khẩu sầu riêng trong tương lai gần; nhưng vẫn có tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở Lào và Campuchia, vì cả hai nước này đều có đặc quyền thương mại với Trung Quốc, điều này có thể dẫn đến cạnh tranh nhiều hơn trong tương lai.

Chuyên gia Sakda cho biết, nhiều thương lái vốn hoạt động ở Thái Lan đã chuyển đến Việt Nam, do bị thu hút bởi tỷ suất lợi nhuận cao hơn vì thời gian vận chuyển ngắn hơn, bất chấp thực tế có ít nông trường trồng sầu riêng tại Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo trung tâm nghiên cứu Krungthai Compass có trụ sở tại Thái Lan, khoảng cách về giá sầu riêng trong năm 2022 đã được thu hẹp.

Ông Aat cho rằng, điều này có thể dẫn đến việc sầu riêng Thái Lan sẽ phải giảm giá bán khi cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn.

Bất chấp những thách thức, chuyên gia Sakda khuyên Thái Lan nên bán cho Trung Quốc nhiều sầu riêng tươi hơn - loại sầu riêng thường có giá cao hơn.

"Thái Lan cũng có thể mở rộng thị trường toàn cầu cho hoạt động xuất khẩu sầu riêng, mặc dù không nhiều người bên ngoài châu Á ăn sầu riêng. Các kỹ sư nông nghiệp nên có nghiên cứu khoa học để làm cho sầu riêng bớt "nặng mùi "đi một chút", ông Sakda nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại