Nông dân Mỹ đua nhau đi săn máy kéo đời cổ, tưởng vô lý nhưng đáp án lại hết sức thuyết phục

Bảo Nam |

Thay vì các sản phẩm mới tích hợp công nghệ cao, những chiếc máy kéo ra đời từ những năm 1980 hoặc lâu hơn đang trở thành mặt hàng "hot" đối với các nông dân vùng Trung Tây nước Mỹ.

Kris Folland trồng ngô, lúa mì, đậu nành và chăn nuôi gia súc trên 2.000 mẫu đất gần Halma ở góc tây bắc của bang Minnesota, Mỹ. Đây là một khối lượng công việc không hề nhỏ. Nhưng thay vì tìm mua những chiếc máy kéo mới để hỗ trợ công việc, mới đây anh đã chọn một món đồ cổ - một chiếc máy kéo John Deere 4440 sản xuất từ năm 1979.

Sau đó, anh trang bị thêm cho nó một hệ thống lái tự động được dẫn đường bằng vệ tinh, cho phép anh cùng những đứa con của mình có thể sử dụng để nuôi bò, trồng trọt và chạy máy xay ngũ cốc. Tổng chi phí hết khoảng 18.000 USD và con số này thấp hơn nhiều so với một chiếc máy kéo mới, trị giá lên tới 150.000 USD hiện nay. Nhưng điều quan trọng nhất là Folland không cần tới máy tính để sửa chữa mỗi khi nó hỏng hóc.

"Đây là một máy kéo thực sự tốt", Folland, người sở hữu hai chiếc máy kéo khác cũng được chế tạo trước năm 1982 chia sẻ. "Chúng có giá thấp chỉ là một phần, ngoài ra chi phí vận hành cũng ít hơn nhiều vì chúng rất dễ sửa chữa."

Nông dân Mỹ đua nhau đi săn máy kéo đời cổ, tưởng vô lý nhưng đáp án lại hết sức thuyết phục - Ảnh 1.

Theo dõi Folland, con trai của Kris Folland, đang cho gia súc ăn tại trang trại của gia đình bằng chiếc máy kéo John Deere 4440 phiên bản năm 1979.

Trong những năm đầu của thập kỷ 2020, những chiếc máy kéo được sản xuất vào cuối những năm 1970 và 1980 đang trở thành một trong những mặt hàng "hot" nhất trong các cuộc đấu giá trang trại trên khắp miền Trung Tây nước Mỹ - và không phải vì chúng là đồ cổ.

Nông dân Mỹ đang ngày càng có ý thức về chi phí, đang tìm kiếm những món hời và những chiếc máy kéo đời cổ này là thứ được nhắm tới nhiều nhất. Nguyên nhân bởi vì chúng có kết cấu tốt, đầy đủ chức năng, thiết kế không phức tạp hay tốn kém trong việc sửa chữa như những mẫu máy hiện đại gần đây, hoạt động trên hệ thống phần mềm tinh vi.

"Đây là một xu hướng mới", Greg Peterson, người sáng lập Machinery Pete, một công ty dữ liệu thiết bị nông nghiệp ở Rochester cho biết. "Nó rất thú vị và trong vài năm qua, xu hướng này có dấu hiệu tăng tốc".

Theo Peterson, nguyên nhân không phải chỉ vì những người nông dân đã lớn lên cùng với những cỗ máy này. Mà là về cơ bản, chúng giống như một cỗ máy chống đạn. Bạn có thể sử dụng chúng trong khoảng 15.000 giờ cho nó và nếu cái gì đó bị hỏng, chỉ cần thay thế linh kiện đó là xong.

Nông dân Mỹ đua nhau đi săn máy kéo đời cổ, tưởng vô lý nhưng đáp án lại hết sức thuyết phục - Ảnh 2.

Không có máy móc, bạn không thể làm nông nghiệp được ở Mỹ.

BigIron Auctions, một đại lý chuyên đấu giá thiết bị nông trại trực tuyến, có trụ sở tại Nebraska đã bán đấu giá 3.300 thiết bị chỉ trong hai ngày cuối năm, và trong đó có 27 chiếc máy kéo John Deere 4440.

Đây là mô hình mà hãng Deere chế tạo từ năm 1977 đến 1982 tại một nhà máy ở Waterloo, bang Iowa. Nó là mẫu máy kéo phổ biến nhất của công ty, dùng các linh kiện mạnh mẽ và bền bỉ để hỗ trợ cho động cơ có công suất lớn hơn các phiên bản trước. Dòng máy kéo này có cabin lớn, an toàn, với thiết kế dù ra đời vào những năm 1960 nhưng nay đã thành tiêu chuẩn.

Và những mẫu máy có tình trạng tốt, với số giờ sử dụng thấp sẽ được tất cả tranh giành. Máy kéo thường có thời gian sử dụng kéo dài từ 12.000 đến 15.000 giờ. Một chiếc John Deere 4440 sản xuất năm 1980 với số giờ sử dụng 2.147 đã bán được với giá 43.500 USD tại một cuộc đấu giá ở Lake City vào tháng 4/2019. Một chiếc John Deere 4640 năm 1979 chỉ với 826 giờ đã được bán với giá 61.000 USD tại một cuộc đấu giá ở Bingham Lake vào tháng 8 sau đó.

"Những máy kéo cũ nhưng được chăm sóc và bảo trì tốt, là một tài sản tốt", ông Mark Stock, đồng sáng lập BigIron cho biết.

Nông dân Mỹ đua nhau đi săn máy kéo đời cổ, tưởng vô lý nhưng đáp án lại hết sức thuyết phục - Ảnh 3.

Đấu giá các thiết bị nông nghiệp là một phần văn hóa của nông dân Mỹ.

Các máy kéo có mã lực lớn đủ để làm bất cứ điều gì mà hầu hết người nông dân cần. Và dù với mức giá kỷ lục như 61.000 USD, nó vẫn là một món hời so với một mẫu máy kéo mới có mã lực tương đương. Nguyên nhân chính bởi máy kéo cũ không sử dụng các công nghệ phức tạp.

Các nông dân thích sửa mọi thứ tại chỗ, hoặc mang nó đến thợ máy mình quen biết, với mức chi phí bỏ ra phải rẻ. Nhưng những cỗ máy nông nghiệp hiện đại ngày nay hầu hết được tích hợp các hệ thống máy tính, phần mềm. Và bất cứ khi nào có sự cố xảy ra, cần phải có một chiếc máy tính để sửa nó.

"Có một số điều tốt về phần mềm trong các mẫu máy mới", Peterson chia sẻ. "Các đại lý sẽ nhận được một cảnh báo nếu một cái gì đó sắp hỏng và có thể liên hệ thằng với người nông dân trước để xử lý vấn đề từ khi nó nảy mầm. Nhưng nếu một cái gì đó bị hỏng đột ngột, người nông dân sẽ bất lực. Họ sẽ bị mắc kẹt trên cánh đồng, chờ đợi một chiếc xe tải tới kéo đi, với mức phí lên tới 150 USD tiền công mỗi giờ".

Theo Peterson, điều đó đi ngược lại với niềm tự hào về quyền sở hữu, cộng với thói quen tích lũy cả đời của những người nông dân, rằng bản thân họ có thể sửa chữa mọi thứ. Và với những chiếc máy kéo cũ, họ có thể tự kéo dài vòng đời của nó dễ dàng. Một động cơ hoặc hộp số mới có thể có giá từ 10.000 đến 15.000 USD, để rồi sau đó chiếc máy kéo này lại có thể hoạt động tốt trong 10 hoặc 15 năm nữa.

Nông dân Mỹ đua nhau đi săn máy kéo đời cổ, tưởng vô lý nhưng đáp án lại hết sức thuyết phục - Ảnh 4.

Những cỗ máy hiện đại không cần người lái, tự vận hành nhưng khi hỏng hóc thì vô cùng tốn kém.

Folland có hai chiếc Versatile 875s, được sản xuất vào đầu những năm 1980 và đã mua thêm một chiếc John Deere 4440 đã chạy 9.000 giờ vào năm ngoái. Anh hi vọng mình sẽ dùng nó thêm được 5.000 giờ nữa trước khi phải đại tu.

"Một lần đại tu sẽ tốn 15.000 đến 20.000 USD, nhưng nó vẫn thấp hơn chi phí mua một máy kéo mới với giá từ 150.000 đến 250.000 USD. Đó là lý do tại sao những mô hình đời cổ này rất phổ biến. Chúng đã vượt qua thử thách của thời gian, được chế tạo tốt, dễ sửa chữa và dễ dàng thay thế các bộ phận", anh nói.

Folland cũng cho biết việc sử dụng các động cơ diesel mới trên các dòng máy kéo hiện đại có thể gây ra các vấn đề cơ học và khí thải. Còn với máy kéo cũ, họ chỉ cần sử dụng dầu diesel sinh học, được sản xuất từ ​​đậu nành được trồng ở Minnesota là có thể kéo dài tuổi thọ của động cơ.

"Kết hợp tất cả những điều đó với nỗi hoài niệm về máy kéo của một nông dân từ hồi còn thanh niên, là lý do tại sau các thiết bị nông nghiệp có tuổi đời 30 hoặc 40 năm đang thành món hàng được săn đuổi", Peterson nói thêm.

Năm 1989, một chiếc máy kéo 30 tuổi thực sự là đồ cổ. Một máy kéo năm 1959 tại thời điểm đó sẽ được bán với giá 2.000 USD hoặc 3.000 USD. Chúng cũng trông khác hẳn với các máy kéo đang hoạt động trong những năm 1980. Nhưng máy kéo từ những năm 1970 và 1980 lại không khác biệt nhiều so với máy kéo được sản xuất vào những năm 2000, ngoại trừ việc thêm thắt các phần mềm khó chịu. 

Folland cho biết năm ngoái 2019, vụ ngô của anh đạt năng suất tốt hơn so với mức trung bình của bang Minnesota, mặc dù anh đang làm ruộng ở sát biên giới với Canada và sử dụng các thiết bị 40 năm tuổi. Rõ ràng, thiết bị cũ là một cách giảm chi phí đáng kể, giúp anh thu về lợi nhuận cao hơn trên mỗi khoảnh đất của mình.

Tham khảo startribune

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại