"Dự luật đã chết"
Sáng nay, 9/7, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã đưa ra cam kết mạnh nhất tính tới thời điểm này khi tuyên bố: Dự luật dẫn độ gây tranh cãi của Hong Kong, nguyên nhân dẫn tới một số cuộc biểu tình tập thể, đã "chết", thừa nhận sự thất bại của chính quyền Hong Kong trong nỗ lực thông qua dự luật này - Reuters đưa tin.
"Không có kế hoạch nào như vậy. Dự luật đã chết", Đặc khu trưởng Hong Kong nói trong cuộc họp báo ngày 9/7. Bà Lâm chia sẻ, bà cảm thấy rất "đau lòng" trước cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở Hong Kong, sự kiện mà bà mô tả là "thất bại toàn diện".
Bà Lâm đề nghị người dân cho chính quyền Hong Kong cơ hội và thời gian để "đưa Hong Kong ra khỏi bế tắc hiện thời và tìm cách cải thiện tình hình".
"Tôi hoàn toàn hiểu rằng những phản ứng của chính phủ có thể chưa đáp ứng được toàn bộ nguyện vọng của người dân, đặc biệt là những người biểu tình đã xuống đường nhiều lần để bày tỏ quan điểm của mình".
Theo SCMP, tuyên bố đã được thay đổi so với thông tin dự kiến trước đó rằng dự luật "sẽ chết" vào năm 2020. Tuy nhiên, việc dự luật có được rút lại - như yêu cầu của người biểu tình - hay không vẫn chưa được làm rõ. Tìm hiểu thêm về dự luật tại đây.
Tất cả đều có cơ hội lên tiếng
Tuyên bố được bà Lâm đưa ra giữa thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất ở Hong Kong trong suốt nhiều thập kỷ, khi hàng triệu người đổ xuống đường để biểu tình phản đối một dự luật (văn kiện cho phép chính quyền Hong Kong dẫn độ nghi phạm tới những khu vực lãnh thổ mà Hong Kong không có thỏa thuận dẫn độ chính thức, như Đài Loan, Macau và Trung Quốc đại lục).
Đặc khu trưởng Hong Kong đã trở thành tâm điểm của nhiều cuộc biểu tình tập thể trong vài tuần qua. Người biểu tình đã lên tiếng kêu gọi bà rút dự luật. Sau hàng loạt cuộc biểu tình hồi tháng trước, chính quyền Hong Kong đã quyết định hoãn thúc đẩy dự luật gây tranh cãi này. Tuy nhiên, điều đó không xoa dịu được làn sóng biểu tình.
Phát biểu trong cuộc họp báo, Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói rằng, bà đã học hỏi được thêm nhiều điều từ các cuộc thảo luận liên quan tới vấn đề này nhưng theo bà, không cần phải tiến hành các cuộc điều tra độc lập về hành động của cảnh sát trong thời gian diễn ra các cuộc biểu tình.
Bà Lâm cho biết, Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập (Independent Police Complaints Council) sẽ tiến hành một cuộc điều tra và tất cả các bên có liên quan tới cuộc biểu tình, gồm cả người biểu tình, cảnh sát, truyền thông và quan sát viên đều có thể lên tiếng, cung cấp thông tin. Lâm thừa nhận, lòng tin của dân chúng đối với chính quyền hiện rất mong manh.
Đặc khu trưởng tái khẳng định quan điểm cho hay: Chính quyền Hong Kong không coi cuộc biểu tình ngày 12/6, sự kiện diễn ra đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình, là bạo động. Bà Lâm nhấn mạnh, những gì bà và cảnh sát trưởng nói ngày hôm đó sẽ không ảnh hưởng tới quá trình truy tố của cơ quan tư pháp.
Chính quyền Hong Kong khẳng định dự luật dẫn độ được đưa ra nhằm lấp lỗ hổng pháp lý hiện có. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng dự luật này xâm phạm tới quyền tự trị của Hong Kong, hiện đang được duy trì dưới hình thức "một quốc gia, hai chế độ", vốn được xác lập từ năm 1997.