Đây là ý kiến trong báo cáo của Bộ tại phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ diễn ra sáng nay (3/7).
Đánh giá về tình hình nửa năm vừa qua, Bộ KHĐT nhận xét nhìn chung nền kinh tế đã có nhiều khởi sắc, quá trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thủy sản diễn ra mạnh mẽ và bước đầu có hiệu quả.
Tuy nhiên, mục tiêu tăng tưởng 6,7% mà Chính phủ đã đề ra vẫn là một thách thức, mà như Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng nói: “Điều này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương không sớm thỏa mãn với những gì đạt được bước đầu, cần duy trì thường xuyên, liên tục những nỗ lực, cố gắng trong 6 tháng cuối năm”.
Trình kịch bản tăng trưởng cho 6 tháng còn lại, Bộ trưởng Dũng cho biết trong quý III tăng trưởng đạt được 7,23%. 6 tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng bình quân phải đạt 7,42%.
Đề xuất các giải pháp cho tăng trưởng, Bộ trưởng Dũng nói rằng cần phải tích cực đẩy mạnh cơ cấu sản xuất của ngành nông nghiệp, tăng cường các giải pháp về tái cơ cấu cây trồng đạt mức tăng trưởng cao, phát triển bền vững.
Về công nghiệp chế biến, chế tạo cần có chiến lược bứt phá để có thể bù đắp sự sụt giảm trong lĩnh vực khai khoáng và có chiến lược dài hạn, lấy công nghiệp chế biến chế tạo thúc đẩy tăng trưởng.
Các bộ, ngành tiếp tục bám sát quyết liệt hành động tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra để tạo chuyển biến rõ nét trong các tháng còn lại. Chủ động cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng thành những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể nhằm thúc đẩy tăng trưởng của từng ngành.
Bộ trưởng nhấn mạnh cần theo dõi chặt chẽ tình hình nhập khẩu một số mặt hàng từ khu vực ASEAN, hiện có chiều hướng tăng lên như: ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ vời nguồn Thái Lan, Indonesia; mặt hàng rau quả từ Thái Lan, Trung Quốc… để có giải pháp kiểm soát kịp thời, bảo vệ sản xuất trong nước, giảm mất cân đối thương mại với thị trường ASEAN, góp phần giảm nhập siêu...
Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị phải tiếp tục kiểm soát chặt việc buôn lậu. Trong sản xuất công nghiệp, cần theo dõi sát diễn biến tình hình giá dầu, triển khai phương án khai thác sản lượng dầu thô an toàn, đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Đối với vốn FDI, lãnh đạo Bộ KHĐT đề nghị phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp FDI thực hiện giải ngân theo cam kết; tăng cường các hoạt động đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cùng với đó, ông Dũng cũng lưu ý cần rà soát các dự án chậm triển khai, tập trung nâng cao chất lượng thu hút FDI để tránh tình trạng đầu tư mới tăng cao nhưng giải ngân chậm. Nghiên cứu, triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tận dụng cơ hội do hội nhập mang lại.