"Nóng" chạy đua vũ trang ở châu Á: Các nước tấp nập mua sắm và phát triển vũ khí mới

Huyền Chi |

Các nhà phân tích cảnh báo rằng châu Á đang lao vào một cuộc đua vũ trang để phản ứng với sức mạnh quân sự đang tăng của Trung Quốc.

Sau đây là danh sách các hệ thống vũ khí mà chính phủ các nước châu Á đang muốn sở hữu.

Australia

Nóng chạy đua vũ trang ở châu Á: Các nước tấp nập mua sắm và phát triển vũ khí mới - Ảnh 1.

Một chiếc F-35A đậu ở New Castle, Australia (Ảnh: EPA)

Ngày 16/9 vừa qua, Australia tuyên bố sẽ chế tạo ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử theo Hiệp ước an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương với Mỹ và Anh (AUKUS).

Ngoài ra, Australia cũng sẽ tăng cường khả năng tấn công tầm xa của mình bằng các tên lửa hành trình Tomahawk lắp đặt trên các tàu khu trục, và nhiều tên lửa đất-đối-không lắp trên các máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet và F-35A Lightning II, có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách 900 km.

Tên lửa Chống hạm Tầm xa (LRASM) sẽ được trang bị cho các chiến đấu cơ F/A-18F Super Hornet của Australia, trong khi các tên lửa dẫn đường có độ chính xác cao đủ khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở khoảng cách 400 km dự kiến được trang bị cho lực lượng mặt đất.

Australia cũng sẽ hợp tác với Mỹ để phát triển tên lửa siêu thanh, theo hiệp ước AUKUS. Thêm vào đó, Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 6 năm nay đã phê duyệt thương vụ bán 29 trực thăng tấn công AH-64E Apache cho Australia, với tổng giá trị lên tới 3,5 tỉ USD.

Đài Loan

Trong tháng này, Đài Loan công bố kế hoạch chi 240 tỉ Đài tệ (8,69 tỉ USD) trong vòng 5 năm tới để nâng cấp vũ khí – một chương trình rất có khả năng là bao gồm cả việc nâng cấp các tên lửa tầm xa và tên lửa hành trình của hòn đảo này.

Chương trình này còn có cả một loại tên lửa mới mà giới truyền thông Đài Loan nói là có tầm bắn lên tới 1.200 km và là phiên bản nâng cấp của tên lửa hành trình Hsiung Sheng.

Năm 2020, chính phủ Mỹ phê duyệt thương vụ bán 100 hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon, 3 hệ thống vũ khí bao gồm tên lửa, bộ cảm ứng và pháo, 4 drone hiện đại cho phía Đài Loan. Tổng giá trị thương vụ lên tới 5 tỉ USD. Tháng trước, Washington cũng phê duyệt thương vụ bán 40 hệ thống pháo Howeitzer cho Đài Loan, tổng trị giá 750 triệu USD.

Hàn Quốc

Nóng chạy đua vũ trang ở châu Á: Các nước tấp nập mua sắm và phát triển vũ khí mới - Ảnh 3.

Binh sĩ Hàn Quốc thể hiện kỹ năng chiến đấu, đằng sau là hệ thống Hyunmoo-2 và Hyunmoo-3 (Ảnh: AP)


Ngày 15/9, Hàn Quốc đã thử nghiệm thành công một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), trở thành quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân đầu tiên trên thế giới phát triển được hệ thống như vậy. Tên lửa này được cho là một biến thể của tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2B phóng từ mặt đất, có tầm bắn khoảng 500 km.

Năm ngoái, Hàn Quốc phát triển tên lửa Hyunmoo-4, có tầm bắn 800 km và sức tải 2 tấn. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng công bố nhiều mẫu tên lửa mới, trong đó có một tên lửa hành trình siêu thanh dự kiến sớm được triển khai.

Nước này cũng đang ra sức phát triển các động cơ tên lửa nhiên liệu rắn, một phần trong kế hoạch phóng vệ tinh do thám vào cuối thập kỷ này, và đã phóng thử nghiệm thành công trong tháng 7 năm nay.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, trong bản kế hoạch trung hạn công bố năm 2020, còn nêu chi tiết một đề xuất chế tạo 3 tàu ngầm. Giới chức quân sự nói rằng 2 trong số đó – có độ choán nước 3.000 tấn và 3.600 tấn – chạy bằng động cơ diesel, nhưng không nói chiếc cuối cùng sẽ chạy bằng năng lượng gì.

Chế tạo một tàu ngầm nguyên tử là một trong số những lời cam kết mà Tổng thống Moon Jae-in từng đưa ra lúc còn tranh cử, nhưng ông chưa từng chính thức đả động về lời hứa đó kể từ sau khi nhậm chức vào năm 2017.

Triều Tiên

Tháng 7/2019, hãng truyền thông Triều Tiên đăng tải hình ảnh lãnh đạo Kim Jong-un đang kiểm tra một chiếc tàu ngầm cỡ lớn mới được chế tạo. Mặc dù không nói về các loại vũ khí lắp trên tàu, nhưng giới phân tích cho rằng kích thước của con tàu này cho thấy nó được thiết kế để mang nhiều tên lửa đạn đạo.

Cuối năm ngoái, Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công một SLBM mới trên biển, và trong tháng 1 năm nay, họ đăng tải hình ảnh một mẫu SLBM mới, trong một cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng.

Mới đây nhất, trong sáng 29/9, Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm một tên lửa siêu âm mới được phát triển, tham gia vào cuộc chạy đua siêu thanh trong đó có Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Vũ khí siêu thanh được xem là vũ khí thế hệ tiếp theo nhằm tiêu diệt nhanh mà không cho địch thủ có thời gian phản ứng. Không giống như tên lửa đạn đạo – vốn bay vào không gian trước khi trở lại bầu khí quyển và nhắm tới mục tiêu – vũ khí siêu thanh có thể bay thẳng tới các mục tiêu khi bay ở độ cao thấp, với vận tốc âm thanh.

Trung Quốc

Nóng chạy đua vũ trang ở châu Á: Các nước tấp nập mua sắm và phát triển vũ khí mới - Ảnh 5.

Tên lửa đạn đạo DF-26 xuất hiện trong một cuộc diễu binh ở Bắc Kinh (Ảnh: Reuters)


Trung Quốc đang sản xuất hàng loạt DF-26, mẫu tên lửa đa nhiệm có thể lắp đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn lên tới 4.000 km.

Trong một cuộc diễu binh năm 2019, Trung Quốc cũng cho ra mắt các phương tiện bay không người lái (UAV) mới và các mẫu tên lửa liên lục địa, tên lửa siêu thanh tối tân, được thiết kế để tiêu diệt tàu sân bay, căn cứ địch.

Tên lửa siêu thanh của họ, DF-17, về mặt lý thuyết có thể bay với vận tốc lớn hơn nhiều lần so với vận tốc âm thanh, khiến địch thủ rất khó đánh chặn. Trung Quốc cũng sở hữu các tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41, được xem là “xương sống” của sức mạnh răn đe hạt nhân Trung Quốc, có khả năng mang nhiều đầu đạn tới lãnh thổ Mỹ.

Nhật Bản

Nước này đã chi hàng triệu USD cho các loại vũ khí tầm xa phóng từ trên không, và hiện đang phát triển một phiên bản mới của tên lửa chống hạm lắp trên xe tải, Type 12, tầm bắn 1.000 km.

Năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt một thương vụ bán cho phía Nhật Bản 105 chiến đấu cơ F-35 với mức giá ước tính 23 tỉ USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại