Bị cáo buộc "bỏ rơi đồng minh", TT Trump dồn dập đăng tweet lý giải quyết định rút quân đột ngột

Thi Anh |

Ông Trump tuyên bố rằng Mỹ "sẽ chiến đấu ở nơi có lợi cho mình và chỉ chiến đấu để giành chiến thắng", trong khi lực lượng Kurd cáo buộc Mỹ không tuân thủ cam kết với đồng minh.

Loạt tweet giải thích của ông Trump

Tổng thống Mỹ đã đăng liên tiếp nhiều tweet lên Twitter để nói về quyết định rút quân của Mỹ, trong khi xuất hiện thông tin cho rằng các binh lính Mỹ đang nhanh chóng rời khỏi vị trí của mình ở Đông Bắc Syria.

"Đáng ra Mỹ chỉ ở Syria trong vòng 30 ngày, chuyện này từ nhiều năm trước rồi. Chúng tôi đã ở lại và lún ngày càng sâu vào cuộc giao tranh không thấy mục đích", ông Trump tweet.

Tổng thống Mỹ "nhận công" rằng Mỹ đã nhanh chóng đánh bại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria trước khi giải thích vì sao ông lại chọn bỏ rơi các chiến binh người Kurd khi họ phải đối mặt với Thổ Nhĩ Kỳ.

"Khi tôi tới Washington, ISIS đang hoành hành trong khu vực ấy. Chúng tôi đã nhanh chóng đánh bại 100% ISIS..."

"... bao gồm việc bắt giữ hàng nghìn phiến quân ISIS, chủ yếu từ châu Âu. Nhưng châu Âu lại không muốn nhận về, họ nói rằng: Nước Mỹ hãy giữ lại đi! Tôi đã nói: Không, chúng tôi đã giúp các anh một việc lớn mà giờ các anh lại muốn chúng tôi giữ họ trong nhà tù Mỹ với một chi phí khổng lồ sao. Các anh phải đưa họ về xét xử".

Bị cáo buộc bỏ rơi đồng minh, TT Trump dồn dập đăng tweet lý giải quyết định rút quân đột ngột - Ảnh 1.

"Người Kurd đã chiến đấu cùng chúng tôi nhưng đã được trả rất nhiều tiền, cùng thiết bị để làm việc đó. Họ đã giao tranh với Thổ Nhĩ Kỳ suốt nhiều thập kỷ. Tôi đã trì hoãn gần 3 năm nhưng bây giờ là lúc để chúng tôi rút khỏi những cuộc chiến tranh không hồi kết nực cười này".

Ông Trump nhấn mạnh với những ký tự viết hoa trên Twitter: "CHÚNG TÔI SẼ CHIẾN ĐẤU Ở NƠI CÓ LỢI CHO MÌNH VÀ CHỈ CHIẾN ĐẤU ĐỂ GIÀNH CHIẾN THẮNG".

"Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu, Syria, Iran, Iraq, Nga và người Kurds giờ sẽ phải tìm cách xử lý tình huống và những gì họ muốn làm với những phiến quân ISIS trong "khu vực" của họ".

"Chúng tôi ở cách đó 7000 dặm và chúng tôi sẽ lại đè bẹp ISIS nếu chúng tới bất cứ nơi đâu gần chúng tôi", ông Trump khẳng định.

Quyết định chóng vánh sau cuộc điện đàm

Ngày 6/10, Nhà Trắng đã bất ngờ ra tuyên bố khẳng định lập trường của Mỹ ở khu vực giao tranh miền Đông Bắc Syria. Theo đó, Nhà Trắng cho hay: nước Mỹ sẽ đứng sang bên lề và quân đội Mỹ sẽ rút khỏi khu vực này. Tuyên bố được đưa ra một cách chóng vánh sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ.

Foreign Policy (FP) đánh giá đây là một bước xoay chuyển đột ngột trong chính sách của Mỹ mà nhiều khả năng sẽ khiến lực lượng người Kurd ở Syria, đối tác của Mỹ trong hoạt động chống khủng bố ở khu vực, hoàn toàn nằm dưới tay của Ankara. 

Theo nguồn tin quan chức của FP, động thái này đi ngược lại những đề xuất từ các quan chức quân đội và quốc phòng cấp cao của Mỹ, những người ủng hộ việc duy trì số lượng nhỏ binh lính Mỹ hiện diện ở Đông Bắc Syria nhằm duy trì chiến dịch chống IS và đảm bảo với người Kurd rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tấn công. 

Lâu nay Ankara vẫn coi các chiến binh người Kurd là khủng bố và lên án Mỹ vì ủng hộ nhóm này. 

"Thổ Nhĩ Kỳ vừa lật ngược 2 năm công sức đánh bại IS, một nỗ lực mà họ không làm gì để hỗ trợ", một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nhận định với FP, "Toàn bộ giới lãnh đạo của Bộ Quốc phòng Mỹ phản đối". 

Bộ Quốc phòng có vẻ đã bị bất ngờ trong vụ việc này. Chỉ vừa mới tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper còn nói với báo giới rằng quân đội Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang đạt được những bước tiến trong việc xây dựng cơ chế an ninh ở biên giới, duy trì hoạt động tuần tra chung khởi động từ tháng trước. 

Đồng minh bị Mỹ "quay lưng"

Người Kurd ở Syria cáo buộc Mỹ quay lưng với chính đồng minh của mình và đứng trước nguy cơ mất đi những gì đã đạt được trong cuộc chiến chống lại IS khi quân đội Mỹ bắt đầu rút khỏi các vị trí của mình ở Đông Bắc Syria, ngay trước cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong thông cáo của mình, lực lượng Kurd cáo buộc Washington không tuân thủ cam kết đã có với các đồng minh chủ chốt.

Giờ đây, khi người Mỹ đã "bước ra khỏi bức tranh", người Kurd sợ rằng Ankara sẽ quét qua miền Bắc Syria như những gì họ làm ở Afrin hồi năm ngoái, phát động một chiến dịch bạo lực, gây ảnh hưởng tới cả dân thường. 

"Nếu muốn, họ có thể đi thẳng tới Damascus", thủ lĩnh người Kurd Ilham Ahmed nói với FP. 

Với hy vọng ngăn cản một cuộc xung đột đẫm máu, Liên Hợp Quốc hôm nay đã phải lên tiếng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tránh tấn công vào dân thường. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại