Bà Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, chủ cơ sở sản xuất ở thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) cùng chồng là ông Nguyễn Xuân Bảo vừa có phần trả lời trên báo Người lao động về vụ dùng vỏ cà phê, bột đá… nhuộm đen bằng pin.
Bà Loan trình bày trên báo Người lao động như sau: Xưởng của bà thu mua tiêu bụi, cà phê bụi (tạp chất của tiêu và cà phê) về sàng lọc bán kiếm lãi. Cách đây mấy tháng, 1 phụ nữ thu mua tiêu bụi tới hỏi mua đống thải loại mà cơ sở của bà phơi, với giá 3.000 đồng/kg.
"Sau đó gia đình đã ủ các tạp chất vào một góc kho để chuyển màu đen như đống tiêu mà người phụ nữ hỏi mua. Tuy nhiên, ủ được một thời gian, do phải tưới nước nên bức tường bị sập, lún nền.
Trong một lần cầm viên pin, chồng tôi thấy tay bị nhuộm đen nên mới nghĩ ra cách mua pin về nhuộm tạp chất cho chuyển thành màu đen để bán cho người phụ nữ hỏi mua", bà Loan lý giải với nguồn trên về việc dùng pin nhuộm.
Chủ cơ sở này còn khẳng định chưa bán được cân tạp chất nhuộm pin nào ra thị trường. Về số tạp chất 3 tấn được công an thông tin, bà này nói "chưa nhuộm". Bà quả quyết, trong kho của gia đình không có bất cứ vật dụng nào chế biến cà phê bột thì sao lại nói cơ sở dùng tạp chất nhuộm than pin để sản xuất cà phê bột.
Theo bà Loan, cơ sở chỉ mua bán kiếm lời chứ không chế biến, sản xuất cà phê bột bán ra thị trường.
"Đói quá thì chúng tôi đi xin ăn, để đức cho con cháu chứ lương tâm con người không cho phép làm thế", nguồn trên dẫn lời bà Loan.
Đáng nói, chủ cơ sở Nguyễn Thị Thanh Loan còn trách móc người phụ nữ thu mua tiêu bụi, vì chính người này đã hứa mua hàng mà không tới lấy để gia đình bà liên lụy.
"Người phụ nữ hỏi mua lúc đó tôi có lấy số điện thoại nhưng sau đó bị mất điện thoại nên giờ không biết người này ở đâu. Nếu còn số tôi sẽ gọi chửi...", bà Loan khẳng định trên Người lao động.
Lý giải về số lượng lớn các bao tạp chất cà phê, tiêu trong cơ sở của mình, bà Loan nói chỉ để đó đề phòng khi có cán bộ ngân hàng vào thấy có hoạt động kinh doanh và cho mượn tiền.
Sự việc vẫn đang được nhà chức trách tiếp tục làm rõ, tuy nhiên, những thông tin bà Loan nói ở trên có nhiều mâu thuẫn với lời khai trước đó của bà này với cơ quan chức năng.
Cụ thể, báo Thanh niên thông tin, thời điểm bị phát hiện, bà Loan khai cơ sở của mình thu mua cà phê thải loại, phế phẩm cà phê, cà phê vụn... rồi nhuộm đen bằng nước hòa từ lõi pin, sau đó đóng gói bán ra thị trường.
"Làm việc với cơ quan công an, bà Loan khai từ đầu năm đến nay, cơ sở của bà đã xuất ra thị trường hơn 3 tấn "cà phê bột"", báo Tuổi trẻ thông tin như vậy tại thời điểm sự việc mới bị phát hiện.
Ghi nhận của tờ Công an nhân dân về lời khai ban đầu của bà Loan có thuật lại, sau khi nhuộm cà phê, cơ sở này rang xay, đóng gói bán ra thị trường kiếm lời. Thế nhưng, sau đó bà Loan lại nói cơ sở của mình "chỉ là nơi tập kết thu mua phế phẩm cà phê chứ không tổ chức rang xay cà phê".
Công an tỉnh Đắk Nông hôm qua nói trong cuộc họp báo, bà Loan rất ngoan cố, quanh co và không chịu khai báo sự việc.
Theo lời Đại tá Lê Vinh Quy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông thì "bước đầu chủ cơ sở này khai nhận sản xuất theo đơn đặt hàng của một đối tượng ở địa phương khác".
Hình ảnh được ghi lại tại cơ sở của gia đình bà Loan.
Dùng lõi pin nhuộm cà phê: "Ác đến vậy là cùng"
(Tổng hợp)