Dự án mang tên Hệ thống Điện từ Không dây (WEM) xây dựng mất 13 năm nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng nó cuối cùng cũng sẵn sàng phát sóng radio tần số cực kỳ thấp, còn gọi là sóng ELF.
Dự án phục vụ mục đích dân sự - chính thức nó sẽ được dùng để phát hiện động đất, khoáng sản và là một phần của kế hoạch 5 năm lần thứ 11 của Trung Quốc. Thế nhưng nó cũng có thể đóng vai trò quan trong hoạt động viễn thông quân sự.
Các nhà khoa học nói rằng thông tin truyền từ hệ thống có thể tới tận tàu ngầm đang lặn sâu hàng trăm mét dưới biển, giúp tàu ngầm bớt phải ngoi lên mặt nước để tiếp nhận thông tin.
Dự án này theo sau công trình xây dựng trạm truyền tin tần số siêu thấp cấp độ quân sự đầu tiên của Trung Quốc năm 2009.
Việc tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc liên lạc thành công với trạm từ biển sâu sẽ đưa Trung Quốc thành quốc gia thứ 3 trên thế giới thiết lập một hệ thống liên lạc tàu ngầm như vậy, sau Mỹ và Nga.
Tuy nhiên, Hải quân Trung Quốc nóng lòng muốn tăng cường công năng, họ đã và đang đổ nhiều nguồn lực vào các công nghệ radio ELF tiến bộ hơn nữa, cho phép tàu ngầm liên lạc với trung tâm chỉ huy ở sâu trong mặt đất hơn và khó gây gián đoạn hơn.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc có vẻ kín tiếng về cơ sở nói trên trong khi nó nằm trên khu đất lớn tới 3.700 km2.
Ngoài mục đích bảo vệ một tài sản chiến lược quan trọng, một số nhà nghiên cứu nói rằng sự kín kẽ đó nhằm tránh đánh động công chúng.
Theo các nhà nghiên cứu, hệ thống anten này sẽ phát tín hiệu ELF với tần số giữa 0,1 tới 300 hertz.
Vị trí chính xác của cơ sở này vẫn chưa được tiết lộ nhưng thông tin đăng tải trên các tạp chí nghiên cứu của Trung Quốc cho thấy nó nằm ở vùng Huazhong, một khu vực miền Trung Trung Quốc bao gồm các tỉnh Hồ Bắc, Hà Nam, Hồ Nam và là nhà của hơn 230 triệu cư dân, tức lớn hơn dân số của cả nước Brazil.
Việc tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc liên lạc thành công với trạm từ biển sâu sẽ đưa Trung Quốc thành quốc gia thứ 3 trên thế giới thiết lập một hệ thống liên lạc tàu ngầm như vậy, sau Mỹ và Nga.Ảnh: SCMP
Cấu trúc bề mặt chính của dự án WEM là một cặp dây cung cấp năng lượng điện áp cao kéo dài từ bắc xuống nam, từ đông sang tây trên tháp lưới thép, tạo thành hình chữ thập với bề ngang 60 km (37 dặm) và dài từ 80-100km.
Cuối mỗi đường dây, phần dây đồng dày được đi xuống đất qua một lỗ khoan sâu. Hai trạm điện sản sinh những dòng điện mạnh và nhiễm điện mặt đất với các xung điện chậm và lặp đi lặp lại, biến mặt đất thành một nguồn bức xạ điện từ tích cực.
Theo các nhà khoa học của dự án, các xung radio không chỉ đi qua khí quyển mà còn truyền qua lớp vỏ trái đất với phạm vi lên tới 3.500 km.
Một trạm thu sóng nhạy cảm trong phạm vi đó, vốn tương đương với khoảng cách giữa trung Quốc với Singapore hoặc Guam, sẽ có thể bắt được những tín hiệu đó.
Càng gần với nguồn năng lượng, các xung điện càng mạnh.
Radar sẽ khó phát hiện các vệ tinh do thám bởi nó gần như không khác lưới điện thông thường. Tuy nhiên, một chuyên gia radar nói rằng có thể phát hiện điện phát ra và dùng nó để xác định địa điểm.
Vị trí sâu trong nội địa của cơ sở mới nói trên cũng sẽ khiến kẻ thù khó tấn công so với một cơ sở nằm trên bờ biển.
Nhà nghiên cứu Chen Xiaobin, thuộc Viện Địa chất và Cơ quan Quản lý Động đất Trung Quốc và đang làm việc trong dự án nói trên, cho biết ông không nắm chính xác địa điểm của dự án bởi vì thông tin cần được đảm bảo an ninh ở mức cao.
“Cơ sở này sẽ phục vụ mục đích sử dụng quân sự quan trọng nếu chiến tranh nổ ra. Mặc dù tôi làm việc trong dự án nhưng tôi không biết nó ở đâu”- ông Chen chia sẻ.
Hoạt động xây dựng dự án do Viện Nghiên cứu 724 chỉ đạo, Viện này thuộc Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu của Trung Quốc - vốn là một nhà cung cấp lớn các thiết bị viễn thông và chiến tranh điện tử cho Hải quân Trung Quốc.
Tuy nhiên, dự án trên gây ra những lo ngại trong giới học thuật về khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung tư, thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước đây từng cảnh báo sóng ELF có thể gây ung thư đối với con người.
Nhiều nghiên cứu dịch tễ học và thực nghiệm từ các nhà nghiên cứu khắp thế giới cho thấy phơi nhiễm lâu với ELF có thể dẫn tới gia tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu ở trẻ em.
Trong một báo cáo dài 500 trang được cập nhật liên tục từ năm 2007, WHO đã ghi nhận một số lượng lớn các cuộc điều tra học thuật liên quan đến bức xạ ELF với một loạt các bệnh bao gồm hoang tưởng, thiếu ngủ, căng thẳng, trầm cảm, u vú và não, sẩy thai và tự tử.
Phía WHO cũng đưa ra những biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu phơi nhiễm với ELF.
Ông Chen từ chối bình luận về ảnh hưởng của cơ sở nói trên đối với sức khỏe cư dân. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho biết giới chức môi trường Trung Quốc cũng lo ngại về dự án.
Chẳng hạn, Bộ Sinh thái và Môi trường đã yêu cầu xem xét toàn diện đối với tác động môi trường của dự án. Tuy nhiên, yêu cầu này chưa được đáp ứng.
“Tiền đến từ ngân sách dân sự nhưng quân đội lại can thiệp và bịt miệng những khiếu nại”- một nhà nghiên cứu giấu tên ở Bắc Kinh nói với The South China Morning Post (Hồng Kông).