PGĐ Công an Tp Hà Nội: ‘Khai tử’ hộ khẩu giấy, sau 1/7 người dân sẽ có xu hướng chuyển từ tạm trú sang thường trú

Bài: Thanh An. Ảnh: Việt Huy-Mạnh Quân. Thiết kế: Trang Đinh |

Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ 1/7 xoá bỏ nhiều rào cản, điều kiện để công dân nhập khẩu vào TP Hà Nội, trong khi đó nhiều tháng trời, cán bộ, chiến sĩ Công an làm cả ngày lẫn đêm thu nhận, cấp thẻ Căn cước công dân và những hình ảnh đẹp này được người dân thủ đô ngợi ca.

PGĐ Công an Tp Hà Nội: ‘Khai tử’ hộ khẩu giấy, sau 1/7 người dân sẽ có xu hướng chuyển từ tạm trú sang thường trú - Ảnh 1.

Từ 1/7 xoá bỏ nhiều rào cản, điều kiện để công dân nhập khẩu vào TP Hà Nội, ngoài ra các thủ tục nhập khẩu, đăng ký cư trú được rút ngắn một nửa thời gian, chỉ còn 7 ngày; trong khi đó chiến dịch thu nhận cấp Căn cước công dân cho gần 5 triệu công dân ở Hà Nội được làm cả ngày lẫn đêm và đã đạt được những kết quả khả quan, để làm rõ các điểm mới này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Hồng Ky - PGĐ Công an TP Hà Nội.

Thanh An: Người dân Hà Nội đang rất quan tâm về những thay đổi trong thủ tục đăng ký cư trú ở Hà Nội từ sau ngày 1/7/2021. Cụ thể những thay đổi đó sẽ là gì thưa Đại tá?

Đại tá Nguyễn Hồng Ky: Từ ngày 1/7, Luật Cư trú 2020 chính thức có hiệu lực thi hành, công tác đăng ký, quản lý cư trú chuyển từ phương pháp thủ công sang phương pháp quản lý thông tin công dân bằng dữ liệu điện tử thông qua mã định danh cá nhân. Do đó, đương nhiên sẽ có rất nhiều thay đổi mà người dân vừa cần lưu ý vừa được hưởng lợi.

Đầu tiên, khi làm thủ tục đăng ký cư trú thành công trên địa bàn Hà Nội, kết quả nhận được sẽ không phải là cuốn sổ hộ khẩu hay sổ tạm trú giấy như trước đây. Thay vào đó, thông tin sẽ được cập nhật vào hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư (CSDLQGDC) và thông báo cho công dân biết sau 7 ngày làm việc.

Trên cơ sở đó, các cơ quan, tổ chức có kết nối CSDLQGDC sẽ khai thác thông tin cư trú của công dân từ dữ liệu điện tử, không cần yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ cư trú trong mọi thủ tục hành chính liên quan.

PGĐ Công an Tp Hà Nội: ‘Khai tử’ hộ khẩu giấy, sau 1/7 người dân sẽ có xu hướng chuyển từ tạm trú sang thường trú - Ảnh 2.

Người dân ở Tp Hà Nội trong một lần đi làm thủ tục hành chính phải mang theo sổ hộ khẩu giấy.

PGĐ Công an Tp Hà Nội: ‘Khai tử’ hộ khẩu giấy, sau 1/7 người dân sẽ có xu hướng chuyển từ tạm trú sang thường trú - Ảnh 3.

Đối với những trường hợp cần xác nhận thông tin cư trú và chưa từng kết nối đến CSDLQGDC, công dân có thể đề nghị xác nhận thông tin tại Công an cấp xã/phường gần mình nhất mà không cần phải quay về nơi đăng ký thường trú. Để thực hiện yêu cầu này, thậm chí công dân chỉ cần gửi hồ sơ đăng ký thông qua Cổng dịch vụ công. Sau khi nhận được lịch hẹn thì chỉ cần đến cơ quan đăng ký cư trú 1 lần (để làm các thủ tục như lấy vân tay, chụp ảnh...), kết quả sẽ được thông báo qua thư điện tử hoặc tin nhắn điện thoại theo đúng yêu cầu của công dân.

Bên cạnh đó, các trường hợp ly hôn mà một bên nào đó, vợ hoặc chồng do mâu thuẫn không cho mượn sổ hộ khẩu để làm thủ tục thì nay sẽ được giải quyết triệt để. Do thành phần những loại hồ sơ này đã không còn yêu cầu sổ hộ khẩu. Đây chính là vướng mắc về cư trú lâu nay chưa có hướng giải quyết.

PGĐ Công an Tp Hà Nội: ‘Khai tử’ hộ khẩu giấy, sau 1/7 người dân sẽ có xu hướng chuyển từ tạm trú sang thường trú - Ảnh 4.

Như vậy, khi sử dụng hệ thống quản lý dân cư bằng nền tảng công nghệ số ta đã loại bỏ được giấy tờ, sổ sách. Cụ thể ở đây ai cũng nhìn được là quyển sổ hộ khẩu. Phải nói quyển sổ hộ khẩu có vai trò rất quan trọng trong quản lý cư trú ở giai đoạn trước. Tuy nhiên, với nền tảng công nghệ hiện đại quyển sổ hộ khẩu giấy đang và sẽ được thay bằng dữ liệu số hóa.

Theo Luật Cư trú sửa đổi năm 2020, phải đến hết ngày 31/12/2023 sổ hộ khẩu giấy mới chính thức khai tử, tuy nhiên người dân Thủ đô Hà Nội có thể yên tâm rằng, chúng tôi sẽ thực hiện một cách thuận lợi nhất mọi việc thay đổi để dần hướng đến không cấp sổ hộ khẩu giấy nữa.

Cụ thể, từ ngày 1/7, khi làm thủ tục đăng ký thường trú, cơ quan công an sẽ không trả sổ hộ khẩu giấy nữa mà kết quả sẽ trả bằng tin nhắn điện thoại hoặc email điện tử, hình thức do công dân lựa chọn.

PGĐ Công an Tp Hà Nội: ‘Khai tử’ hộ khẩu giấy, sau 1/7 người dân sẽ có xu hướng chuyển từ tạm trú sang thường trú - Ảnh 6.

Thanh An: Luật Cư trú 2020 cũng đã đồng thời sửa đổi, bãi bỏ các thủ tục, điều kiện đối với người dân các tỉnh về Thủ đô. Vậy từ 1/7 các thủ tục để nhập khẩu vào TP Hà Nội sẽ diễn ra như thế nào thưa ông?

Đại tá Nguyễn Hồng Ky: Từ ngày 1/7, mọi công dân khi làm thủ tục đăng ký cư trú đều như nhau, không phân biệt có hộ khẩu hay không có hộ khẩu tại Hà Nội. Các quy định về thời gian tạm trú, tình trạng việc làm hay giấy chuyển hộ khẩu... đã được bãi bỏ, do vậy công dân Việt Nam ở bất kỳ đâu đều có thể đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp của mình trên địa bàn TP Hà Nội hoặc các điều kiện khác theo quy định tại Điều 20 Luật Cư trú mới.

Ví dụ, đối với trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp của mình thì người dân chỉ cần chuẩn bị tờ khai thay đổi thông tin cư trú. Tờ khai này có thể khai trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú tức là tại Công an phường, xã, thị trấn nơi công dân có chỗ ở hợp pháp hoặc khai trực tiếp trên Công dịch vụ công. Thêm vào đó là tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp, ngoài ra không cần thêm giấy tờ gì khác.

PGĐ Công an Tp Hà Nội: ‘Khai tử’ hộ khẩu giấy, sau 1/7 người dân sẽ có xu hướng chuyển từ tạm trú sang thường trú - Ảnh 7.

Thanh An: Hà Nội luôn là địa bàn có nhu cầu nhập cư lớn trong cả nước. Vậy một khi không còn bất kỳ rào cản nào để kiểm soát vấn đề này, Thủ đô liệu có đối mặt với tình trạng quá tải về mặt quản lý cư trú không thưa Đại tá?

Đại tá Nguyễn Hồng Ky: Theo quy định của Luật Cư trú 2013 và Luật Thủ đô có một số điều kiện áp dụng đối với người dân tỉnh ngoài nhập khẩu vào Hà Nội.

Câu chuyện ở đây là khi Luật Cư trú mới có hiệu lực với sự thông thoáng như vậy thì có hay không hiện tượng người dân tỉnh, thành khác nhập khẩu về Hà Nội một cách ồ ạt? Trên thực tế khi khảo sát cho sự thay đổi của điều luật này, mọi vấn đề đều đã được tính toán.

PGĐ Công an Tp Hà Nội: ‘Khai tử’ hộ khẩu giấy, sau 1/7 người dân sẽ có xu hướng chuyển từ tạm trú sang thường trú - Ảnh 8.

Ủy ban thường vụ Quốc hội xuống khảo sát Hà Nội để có cơ sở hoàn thiện nội dung của Luật, chính tôi là người báo cáo vấn đề này. Và tôi đã báo cáo trên cơ sở hoàn toàn đồng nhất với đề xuất bỏ rào cản kỹ thuật trong quản lý dân nhập cư về Hà Nội. Bởi vì trên thực tế, chúng ta có đang rào cản thì người dân vẫn đến Hà Nội. Trong thời đại này, việc xây các rào cản để quản lý đã tỏ ra không còn mang lại nhiều tác dụng, ngược lại còn có thể gây khó khăn cho chúng ta khi người dân tìm mọi cách thực hiện nhu cầu của họ.

Đúng là Công an thành phố đã gặp nhiều khó khăn trong thực tế quản lý cư trú thời gian qua. Khi mà nhiều người dân thay vì làm các thủ tục đăng ký tạm trú theo đúng quy định thì họ chọn giải pháp đăng ký tạm trú dưới 30 ngày để lách luật không phải xuất trình sổ tạm trú. Và trên địa bàn Thủ đô số lượng người tạm trú luôn diễn biến thay đổi rất mạnh. Thường chỉ tăng mạnh chứ ít khi có thay đổi giảm.

Do đó, chúng ta phải có quan điểm rất rõ khi làm luật là không thể cấm hay cản công dân Việt Nam ở bất cứ đâu đến Hà Nội. Chúng ta chỉ cần tìm ra cách quản lý hoạt động cư trú này một cách chính xác, kịp thời.

PGĐ Công an Tp Hà Nội: ‘Khai tử’ hộ khẩu giấy, sau 1/7 người dân sẽ có xu hướng chuyển từ tạm trú sang thường trú - Ảnh 9.

Dự kiến sau ngày 1/7 có thể người dân sẽ có xu hướng chuyển từ tạm trú sang thường trú ở Hà Nội. Về cơ bản công tác quản lý cư trú không có nhiều biến động vì trước đó lực lượng công an tại cơ sở vẫn quản lý số nhân khẩu này. Thậm chí, với những thông thoáng trong luật định, những thuận lợi trong thủ tục, công dân sẽ hoàn toàn yên tâm khai báo trung thực và chúng ta sẽ còn làm tốt hơn công tác quản lý.

Kết quả là giúp cho công tác quản lý an ninh trật tự và đánh giá tổng thể các điều kiện điều tra cơ bản về dân cư, cư trú trên địa bàn Hà Nội trở nên rất thuận lợi và chính xác. Cá nhân tôi lại đang nhìn thấy cơ hội khắc phục được rất nhiều nhược điểm so với phương pháp và chính sách quản lý trước đây.

Chẳng hạn như điểm rất mới của Luật Cư trú 2020 khi quy định người dân có thể yêu cầu các cơ quan quản lý cư trú, cụ thể là công an xã, phường bất kỳ nơi đâu xác nhận thông tin cho họ. Đó là một quyền rất cơ bản. Tính ưu việt ở đây là chỉ trên cơ sở số hóa, chúng ta mới giải quyết được, đáp ứng được quyền cơ bản đó của mọi công dân ở mọi lúc, mọi nơi.

PGĐ Công an Tp Hà Nội: ‘Khai tử’ hộ khẩu giấy, sau 1/7 người dân sẽ có xu hướng chuyển từ tạm trú sang thường trú - Ảnh 10.

Thanh An: Có nghĩa là dù không có hộ khẩu thường trú, chỉ cần sinh sống ở Hà Nội, tôi đã có thể đến ngay một cơ quan Công an phường/xã nào đó gần nhất đề nghị xác nhận thông tin cư trú cơ bản. Mặc dù hộ khẩu của tôi ở Điện Biên hay Cà Mau…?

Đại tá Nguyễn Hồng Ky: Đúng rồi! Bạn có thể đến bất kỳ một Công an phường nào đó gần bạn nhất và đề nghị xác nhận thông tin công dân cơ bản của bạn. Đó chính là tính ưu việt của dự án Căn cước công dân (CCCD) và CSDLQGDC đấy!

PGĐ Công an Tp Hà Nội: ‘Khai tử’ hộ khẩu giấy, sau 1/7 người dân sẽ có xu hướng chuyển từ tạm trú sang thường trú - Ảnh 11.

Thanh An: Ông có nhắc đến tính ưu việt của dự án CCCC và CSDLQGDC, vậy Công an Hà Nội đã triển khai nhiệm vụ như thế nào để hai dự án này hoàn thành, kết nối, phục vụ đăng ký cư trú thưa Đại tá?

Đại tá Nguyễn Hồng Ky: Tháng 9/2020, đề án cấp và sản xuất Căn cước công dân (CCCD) gắn chip của Bộ Công an được Chính phủ phê duyệt. Đi vào triển khai CCCD tại Hà Nội, Bộ trưởng ra yêu cầu cho chiến dịch là từ ngày 1/3 - 30/4/2021 phải hoàn thành.

Còn đối với nhiệm vụ xây dựng CSDLQGDC, theo kế hoạch của Bộ Công an đến 30/7/2020 tất cả các địa phương phải thu thập xong số liệu. Hà Nội nhận nhiệm vụ bắt đầu từ tháng 3/2020. Tại thời điểm đó, thành phố đang sở hữu nguồn dữ liệu sẵn có, nhưng khi bắt tay vào kiểm tra để lên kế hoạch thực hiện thì nguồn dữ liệu đó không khai thác được. Vì lý do kỹ thuật thôi. Do vậy mà phải đến cuối tháng 5/2020 chúng tôi mới đề xuất xong phương án xây dựng hệ thống dữ liệu mới.

Có thể khẳng định rằng, đây là những nhiệm vụ với thời hạn hoàn thành chưa từng có trong tiền lệ. Đây là cả một thách thức, áp lực cực kỳ.

Chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm cho nên đúng như Bộ trưởng vẫn nhận xét Hà Nội “vừa chạy vừa xếp hàng”. Đã chạy rồi lại còn phải xếp hàng, đã xếp hàng lại luôn yêu cầu phải ngay ngắn. Có nghĩa là chúng tôi luôn phải hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất trong những hoàn cảnh gấp rút nhất.

Một mặt chúng tôi tham mưu cho các cấp ủy, Đảng, chính quyền của thành phố huy động nguồn nhân lực cực kỳ lớn tham gia. Đến thời điểm này, Hà Nội đã huy động hơn 6.000 cán bộ, chiến sĩ làm việc 24/24 và 24/7 để đảm bảo tốc độ, tiến độ thu thập CSDLQGDC và hoàn thành cấp CCCD cho nhân dân trên toàn địa bàn.

Mặt khác, chúng tôi tổ chức nghiên cứu để sử dụng, tận dụng thiết bị đặc chủng đến từng giây, khắc phục tình trạng thiếu máy và quá tải. Máy lăn vân tay ở các điểm làm thủ tục cấp CCCD đúng là không được nghỉ một giây nào. Cán bộ, chiến sĩ đồng thời thử nghiệm rất nhiều phương pháp khác nhau để đưa ra năng suất cao nhất với chất lượng tốt nhất trong hoạt động thu nhận dữ liệu. Ngoài ra, ngay từ 30/12/2020, Công an thành phố đã làm lễ phát động ra quân cấp CCCD lưu động. Hình thức lưu động này cho thấy giải pháp vượt khó của công an Hà Nội đã đáp ứng tình hình. Về sau toàn quốc cũng triển khai như vậy.

Tiếp theo, chúng tôi đưa ra khẩu hiệu LÀM HẾT VIỆC CHỨ KHÔNG LÀM HẾT GIỜ cho toàn bộ lực lượng. Cho nên mới có những hình ảnh anh chị em làm tới 1 - 2 giờ sáng, 4 - 5 giờ sáng và công dân vẫn nhận được sự phục vụ hết sức nhiệt thành của lực lượng công an.

PGĐ Công an Tp Hà Nội: ‘Khai tử’ hộ khẩu giấy, sau 1/7 người dân sẽ có xu hướng chuyển từ tạm trú sang thường trú - Ảnh 13.

Kết quả, tất cả mọi mục tiêu cơ bản Bộ Công an giao cho Hà Nội đã được thực hiện. Công an thành phố đã đổ về Bộ hơn 7 triệu dữ liệu chính xác theo đúng nghĩa ĐÚNG - ĐỦ - SỐNG - SẠCH. Với tỷ lệ làm sạch lên đến 97% trong tổng hơn 7 triệu dữ liệu đó. Đối với dự án CCCD chúng tôi đã thu nhận và cấp gần 4,7 triệu dữ liệu CCCD trên toàn địa bàn.

PGĐ Công an Tp Hà Nội: ‘Khai tử’ hộ khẩu giấy, sau 1/7 người dân sẽ có xu hướng chuyển từ tạm trú sang thường trú - Ảnh 14.

Thanh An: Thực tế đang có xu hướng người dân Thủ đô check-in, chụp ảnh với CCCD mới vừa được cấp đấy, Đại tá biết chứ?

Đại tá Nguyễn Hồng Ky: Chia sẻ rất thật với bạn là tôi bị xúc động vì điều đó đấy.

Đặc biệt những câu chuyện chiến sĩ, đồng nghiệp, bạn bè chia sẻ sau khi đi làm CCCD về thì rất nhiều người dân Thủ đô từ già đến trẻ đã thốt lên: “Anh công an có tâm”!

Nói như đồng chí Bộ trưởng vẫn dặn dò cán bộ chiến sĩ, “chuyển từ trạng thái làm bằng tay sang trạng thái làm bằng đầu kết quả sẽ rất khác biệt”. Và đúng như thế thật.

Có thể nói, với 2 dự án trọng điểm này người làm rất vất vả nhưng người hưởng sẽ rất hạnh phúc. Cho nên được nhân dân đánh giá cao khiến cho cán bộ, chiến sĩ chúng tôi rất vui. Sự ghi nhận ban đầu này đã trở thành động lực tinh thần rất mạnh, quay trở lại động viên anh chị em, chiến sĩ công an Thủ đô rất lớn.

PGĐ Công an Tp Hà Nội: ‘Khai tử’ hộ khẩu giấy, sau 1/7 người dân sẽ có xu hướng chuyển từ tạm trú sang thường trú - Ảnh 15.

Thanh An: Có vẻ như ông đang rất muốn chia sẻ tâm sự của cán bộ, chiến sĩ mình sau khi hoàn thành nhiệm vụ?

Đại tá Nguyễn Hồng Ky: Phải nói rằng, trải qua những khó khăn, thử thách và cả sự hy sinh. Hy sinh về cuộc sống riêng tư. Đúng là phóng viên đã hỏi câu ít người hỏi đến.

Có rất nhiều chiến sĩ trong khi làm nhiệm vụ đã vui vẻ cõng người khuyết tật, đỡ người bị ốm, hay mang máy móc, hồ sơ đến các khu cách ly... để giúp công dân thực hiện quyền được cấp CCCD của mình. Ngay như trường hợp một nữ chiến sĩ làm mẹ đơn thân phải gửi con cho người nhà để làm việc suốt 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần. Nữ chiến sĩ ấy tay làm mắt nói miệng cười... dù chúng tôi hiểu, đồng chí đang nhớ và lo cho con nhỏ rất nhiều.

Những hình ảnh đẹp đó công dân khi giao dịch với cán bộ, chiến sĩ công an có thể chứng kiến một cách dễ dàng, trực diện. Đó mới chỉ là một phần, là lực lượng bề nổi tiếp xúc với dân. Còn phía sau đó biết bao nhiêu con người tham gia nhập liệu, hậu cần, công nghệ... để đến cuối cùng có thể ra được dữ liệu chính xác, sản xuất ra CCCD chất lượng nhất. Lực lượng đấy là âm thầm trong nhà, đèn sáng suốt ngày đêm. Đó là sự thật ít ai có thể biết đến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại