“Mình nhớ là có một lần hẹn gặp một người ở quán cà phê và người đấy có nhắn tin là ‘Anh ra muộn một lúc, em có thể chờ anh được không’. Mình mới nói là nếu anh ra muộn thì em sẽ tính tiền, cứ 1 phút em tính 100.000 đồng. Cuối cùng, người đấy ra muộn 30 phút và đưa cho mình 3 triệu đồng”.
Đó là những chia sẻ của một nữ YouTuber tên @queen.kimmie trong video có tiêu đề “Những lần mình kiếm tiền trên Tinder” đang gây tranh cãi trên mạng.
Trong clip, cô gái trẻ lần lượt chia sẻ nhiều cách để "bỏ túi" trong những lần đi hẹn hò, từ đồ ăn được cung cấp miễn phí, vài trăm nghìn tiền di chuyển taxi hay "thù lao" viết hộ profile, cho đến vài triệu đồng tiền "phạt" đối phương đến muộn.
“Không có nhan sắc, không có bằng cấp, mình phải dùng đến não thôi. Mình chỉ có thể dùng vận động hết tất cả cái gì mình có khả năng để kiếm tiền. Vì mình phải sống mà đúng không? Mình không thể nào mà không cần tiền được” là lý do mà chủ kênh đưa ra khi chọn "kiếm tiền" theo hình thức này.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên nữ YouTuber thực hiện các video rao giảng lối sống độc hại. Trước đó, cô nàng cũng sản xuất các clip với nội dung tương tự như "Những lần mình kiếm tiền trên Tinder", "Mình leo lên vị trí này từ đâu", "Mình bịa CV để đi xin việc thế nào", "Mình không sinh ra để đi làm!!! Bạn cũng thế"...
Với đối tượng người dùng chủ yếu của các nền tảng mạng xã hội hiện nay là thanh, thiếu niên, mối lo thế hệ trẻ bị nhiễm các tư tưởng xấu khi "lướt" mạng là vốn là điều đã được cảnh báo từ lâu. Bởi hầu hết, các bạn trẻ đang ở giai đoạn phát triển và tâm trí dễ bị tổn thương, khi khả năng đánh giá thông tin của nhóm tuổi này chưa đủ "chín" so với những người đã trưởng thành.
Bày tỏ quan điểm cá nhân sau khi xem clip “Những lần mình kiếm tiền trên Tinder”, chị Hannah Nguyễn, nữ doanh nhân, beauty blogger rất hi vọng đây chỉ là video "câu view" chứ không phải là thật. Mong các bé gái mới lớn đừng bao giờ học theo những lời khuyên khôn lỏi như vậy.
"Là phụ nữ là phải biết giá trị của bản thân, và phải "tham" lên đi. Đừng vì mấy trăm nghìn mà phải moi tiền của đàn ông là rẻ mạt hết sức. Số tiền đó dù là mới ra trường, thậm chí là đang đi học vẫn có thể kiếm được dễ dàng.
Hãy mơ ước lớn hơn, mơ được đi du lịch vòng quanh thế giới, mơ mua được siêu xe, biệt thự. Mơ sống sung túc cả đời chứ dăm ba đồng bạc lẻ đừng có thèm", nữ doanh nhân cho hay.
Cũng theo chị Hannah Nguyễn, để đạt được thành công và những ước mơ đó, các bạn trẻ cần phải tự hoàn thiện chính mình.
"Thứ nhất, hãy chăm chỉ học hành và trau dồi bản thân. Bước này ban đầu có vẻ khó khăn hơn so với kiếm tiền trên Tinder nhưng bù lại cả đời của mình sẽ rất dễ dàng. Thật ra đi xin tiền của người khác cực hơn là mình tự làm rất nhiều.
Thứ hai, làm người tử tế và sống có ích cho xã hội. Có lòng tự trọng và biết giá trị của bản thân để tự hào và ngẩng cao đầu. Một người dù có đang nghèo, đang ở vị trí thấp mà có giá trị thì người khác cũng phải nể phục.
Thứ ba, hãy siêng năng nỗ lực, bền bỉ không bỏ cuộc để càng ngày càng hoàn thiện bản thân, càng giỏi hơn và thăng tiến. Từ đó, tiền bạc cũng sẽ tự tìm tới mình.
Thứ tư, chăm chút ngoại hình. Bởi đây cũng là một lợi thế và cũng là cái đầu tiên mà người khác nhìn thấy mình trước khi họ muốn tìm hiểu mình thêm.
Sau khi đã làm được những điều này, chúng ta không chỉ tự có được cuộc sống sung túc mà còn có thể thu hút được những người đàn ông cùng tần số với mình. Lúc đó mình không cần xin xỏ mà họ còn năn nỉ cho mình giữ lương của họ và dâng hiến gia tài của họ cho mình đó", chị Hannah Nguyễn cho hay.
Theo khảo sát gần đây của Insider, ít nhất 34% người dùng Internet thuộc Gen Z tin vào hướng dẫn kiếm tiền online. Trong khi đó, chỉ 24% thực sự tìm kiếm lời khuyên từ cố vấn tài chính chuyên nghiệp.
Trong khi đó, các chuyên gia "rởm" chỉ khiến người xem ảo tưởng về cuộc sống đủ đầy, chứ không cung cấp cái nhìn thực tế về rủi ro trong kinh doanh.
Ngoài ra, nhiều người chỉ đưa lời khuyên mơ hồ, thậm chí sai lệch vì thiếu kiến thức. Điều họ quan tâm nhất là "câu" người xem để trở nên nổi tiếng hơn, dụ dỗ mua sách điện tử hoặc tham gia khóa học kiếm tiền online, thậm chí cả kênh dạy bói toán, đọc bài tarot của mình.
Khi đến cuối clip, các infuencer hầu hết sẽ đi theo mô típ đưa ra một câu chốt rất chân thành nhưng thiếu trách nhiệm như cách YouTuber @queen.kimmie đang làm.
"Mình kể ra ở đây chỉ để các bạn biết mình từng sống như thế nào thôi, chứ không phải bảo các bạn đem đi áp dụng. Đừng như thế, không thì mọi người lại nói mình đi truyền bá những thứ độc hại", nữ YouTuber nói.
Song, phần kết 10 giây này hoàn toàn không đáng kể trong clip kéo dài hơn 10 phút với toàn những ý tưởng độc hại.
Vì vậy, các bạn trẻ hãy thực sự tỉnh táo khi theo dõi các nội dung trên mạng xã hội và đừng bao giờ tin vào giấc mơ "làm giàu thật dễ dàng". Bởi lý thuyết này không hề có thật.