Nhưng sau nhiều thập kỷ thực hiện quy định đó, ngày càng nhiều người Nhật muốn thay đổi.
Đối với Akiko Saikawa, một nhân viên văn phòng đến từ Tokyo, "cơn ác mộng" về thủ tục hành chính bắt đầu ngay sau khi cô kết hôn.
Akiko đã phải trải qua hàng chục thủ tục để đổi tên trên hộ chiếu và các giấy tờ tùy thân khác, cũng như cập nhật tên mới trên tài khoản mạng xã hội của mình. Tất cả chỉ vì luật pháp yêu cầu cô phải thay đổi họ của mình khi là phụ nữ đã có gia đình.
Các cặp vợ chồng ở Nhật Bản được tự do lựa chọn họ khi kết hôn (theo họ vợ hoặc họ chồng), nhưng phải đồng nhất. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, có tới 95% các cặp vợ chồng, trong đó người phụ nữ phải đổi họ theo chồng một cách miễn cưỡng.
Akiko nói: "Việc đổi họ tên rất tốn thời gian và bất tiện. Nhưng điều rắc rối nhất là khi họ của tôi trong sổ hộ khẩu đã đổi theo chồng, tôi vẫn phải nói rõ với nhà tuyển dụng rằng tôi muốn tiếp tục được gọi bằng tên thời con gái ở nơi làm việc".
Vào cuối những năm 1800, một phần Bộ luật dân sự của Nhật Bản được thông qua lần đầu tiên quy định các cặp vợ chồng không được dùng họ khác nhau. Chính phủ Nhật từng đề xuất thay đổi quy định này gần 30 năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa có sự thay đổi nào.
Gạt sự bất tiện đó sang một bên, các nhà vận động cho rằng việc nhất quyết sử dụng cùng họ là một dấu hiệu khác cho thấy Nhật Bản thiếu tiến bộ về bình đẳng giới.
Machiko Osawa, giáo sư và chuyên gia về kinh tế lao động tại Đại học Phụ nữ Nhật Bản, đó là do "tư tưởng gia trưởng lạc hậu".
"Phụ nữ mới cưới phải lãng phí rất nhiều thời gian để đổi tên trên tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, hộ chiếu và tất cả các giấy tờ tùy thân quan trọng khác. Và đối với những người đã khẳng định mình là những người chuyên nghiệp, việc buộc phải đổi tên là sự phủ nhận những gì họ đã đạt được. Nó gieo rắc sự bối rối và khiến họ phải phục tùng người đàn ông", giáo sư Machiko Osawa nói.
Hủy hoại sự nghiệp của những người phụ nữ
Sau nhiều năm, áp lực đang đè nặng lên các nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ Tự do (LDP) Nhật Bản, không chỉ từ các nhà vận động nhân quyền mà còn từ các lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao. Bởi họ cho rằng quy định này đang gây trở ngại cho các công ty Nhật Bản đầu tư kinh doanh ở nước ngoài.
Masahiko Uotani, giám đốc điều hành của hãng mỹ phẩm khổng lồ Shiseido, cho biết ông biết có những nữ giám đốc điều hành đã bị từ chối đặt phòng khách sạn hoặc bị loại khỏi các cuộc họp trong các chuyến công tác nước ngoài vì giấy tờ tùy thân của họ "không khớp".
"Những quy định về giấy tờ hành chính hiện tại đang trở thành rào cản phát triển nghề nghiệp cho những người hoạt động ở cả nước ngoài", Uotani nói trong hội nghị của Liên đoàn Kinh doanh Nhật Bản (Keidanren), tổ chức vận động hành lang quyền lực.
Keidanren đã tiến hành khảo sát thông tin từ những người phụ nữ thành đạt từng rơi vào rắc rối vì họ tên.
Một người nói rằng: "Việc phải thay đổi họ trong tên đang hủy hoại sự nghiệp của tôi vì các bài báo học thuật tôi viết dưới tên thời con gái của mình không được công nhận".
Một người khác cho biết: "Có trường hợp tên doanh nghiệp của tôi không được chấp nhận khi ký hợp đồng".
Giờ đây Keidanren đã dồn hết sức lực cho chiến dịch này để phản ánh sự thay đổi trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản.
Trong khi gần 84% công ty cho phép phụ nữ giữ họ gốc ở nơi làm việc, theo một cuộc khảo sát năm 2022 của Viện Quản lý Lao động Nhật Bản, các tài liệu bổ sung cần thiết khi đi công tác nước ngoài tiếp tục gây nhầm lẫn.
"Tôi muốn nó được thực hiện như một ưu tiên hàng đầu để hỗ trợ quá trình làm việc của phụ nữ", người đứng đầu Keidanren, Masakazu Tokura, cho biết.
Mong không ai còn phải loay hoay trong "mê cung" giấy tờ
Trong khi chính phủ cho phép tên thời con gái xuất hiện cùng với tên đã kết hôn trên hộ chiếu, giấy phép lái xe và giấy chứng nhận cư trú, Nhật Bản vẫn là quốc gia duy nhất trên thế giới yêu cầu các cặp vợ chồng phải sử dụng cùng họ.
Các thành viên đảng LDP cho rằng việc sửa đổi bộ luật dân sự sẽ dẫn đến sự tấn công vào các giá trị truyền thống bằng cách "làm suy yếu" sự đoàn kết gia đình và gây nhầm lẫn ở trẻ em.
Giáo sư Machiko Osawa nói: "Tỷ lệ ly hôn của Nhật Bản ngang bằng với Anh và Đức, vì vậy luật về họ tên hiện hành không hỗ trợ sự ổn định gia đình. Thời thế đã thay đổi và hầu hết các hộ gia đình cần thu nhập gấp đôi để trang trải cuộc sống, vì vậy việc các cặp vợ chồng có quyền lựa chọn họ tên là hợp lý và nó thúc đẩy bình đẳng giới".
Thủ tướng Fumio Kishida đã đưa ra tuyên bố vào năm 2023 rằng "nhiều ý kiến khác nhau trong công chúng có nghĩa là cần phải thảo luận nhiều hơn để nhận được sự ủng hộ rộng rãi cho sự thay đổi".
Akiko Saikawa hy vọng những người phụ nữ khác không phải loay hoay trong "mê cung" giấy tờ thủ tục hành chính mà cô phải đối mặt sau khi kết hôn.
Cô nói: "Việc có họ riêng đồng nghĩa với việc phụ nữ sẽ không còn phải đổi tên hàng chục lần ở các loại giấy tờ, không phải gây dựng lại sự nghiệp và xây dựng lại danh tiếng mà họ đã tạo dựng bằng cái tên quen thuộc thời con gái.
Và họ sẽ được trân trọng cái tên đại diện cho lịch sử gia đình nơi mình sinh ra và là một phần bản sắc riêng của bản thân".
Nguồn: The Guardian