Căn nhà của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nằm trong một con hẻm cụt tại quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Khi tôi đến, ông đang tiếp khách. Chẳng biết hai người đã nói chuyện gì với nhau, chỉ biết khi người đàn ông có ý định ra về, nhạc sĩ khóc.
Theo lời cô cháu họ, người đã chăm sóc ông suốt mấy chục năm trở lại đây, thì mỗi lần tiễn khách, ông đều khóc như vậy. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý năm nay 92 tuổi, ông còn khá minh mẫn, chỉ bị nặng tai nên việc giao tiếp cũng không mấy khó khăn.
Cả câu chuyện, ông cứ liên tục nhắc đi nhắc lại câu: "Tôi khổ lắm". Hỏi ông vì sao khổ, ông nói vì không có ai yêu thương. Ông muốn được gần con nhưng lâu rồi không thấy con gái đến thăm, ông gọi cũng chẳng thèm nghe máy.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý không hề nhớ giữa ông và con gái có xích mích gì khiến cô không thèm đoái hoài đến ông nữa. Ông chỉ nhớ ngày xưa, khi con gái ông từ Đức về, cô và chồng ở với ông một thời gian trong căn nhà này.
Sau đó, hai vợ chồng cô mua được nhà nên ra riêng. Vợ ông lên ở với con, ông ở lại đây vì quen rồi, chẳng rời đi được.
Thời gian đầu, vợ chồng con gái ông vẫn còn qua lại nhưng sau khi vợ ông mất, họ đưa ông lên phòng công chứng để chuyển quyền chủ sở hữu thì chẳng thấy sang thăm lần nữa.
Hỏi ông còn thương con không, ông nói: "Tôi thương lắm". Ông còn nhờ tôi gọi điện thoại cho cô để hỏi rõ sự tình.
Phòng khách trong căn nhà của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được bài trí sơ sài. Xung quanh nhà treo ảnh ông và những bằng khen người nhạc sĩ đạt được trong những năm còn sáng tác.
Đồ đạc và vật dụng đóng một lớp bụi dày. Mọi thứ được xếp đặt khá lộn xộn, dựa vào bức tường ẩm mốc.
Bên trong căn phòng nhỏ, nơi mọi sinh hoạt của vị nhạc sĩ diễn ra hàng ngày. Vì tuổi già sức yếu, ông gần như không bước ra khỏi phòng.
Ngay cả việc nằm, ngồi, ông cũng phải cần sự trợ giúp của cô cháu họ.
Ngày xưa ông từng phong độ, có vợ và con cái đủ đầy nhưng bây giờ chỉ lủi thủi nhớ thương vì vợ mất, con gái không còn lui tới.
Mọi thứ trong phòng được sắp đặt lộn xộn. Có tấm bảng tỉnh Hà Tĩnh ủng hộ ông mỗi tháng 5 triệu được treo ở góc phòng nhưng ông nói, người ta chỉ nói cho vui chứ ông không thấy đồng nào.
Bên cạnh giường ngủ, phần cơm bị bỏ dở. Ông thường đợi khách về rồi mới ăn cơm. Ông thích uống nước trà nhưng cô cháu họ ít cho uống vì sợ không tốt cho đường tiêu hoá của ông.
"Tôi buồn lắm", đó là lời than thở mà ông lặp đi lặp lại không biết mệt. Chốc chốc, ông lại lấy tay quệt nước mắt.
Thứ được gìn giữ nhất trong căn nhà có lẽ là những bức chân dung của vị nhạc sĩ.
Cô cháu họ, người chăm sóc ông mấy chục năm nay thỉnh thoảng lại chạy ra chạy vào khi ông gọi.
Điều nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mong muốn nhất ở thời điểm này là có được một người thương ông.