Sẽ có “sự thật” là ông Chấn “tự chặt chân mình”

“Suy đoán có tội” đã được Ủy viên ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, có lẽ là không ngẫu nhiên, phát biểu trước Quốc hội.

Đại ý bà nói nếu cơ quan điều tra không chứng minh được Lý Nguyễn Chung, nghi phạm vừa tự thú trong vụ giết người 10 năm trước ở Bắc Giang, là thủ phạm đích thực, thì cũng không có nghĩa họ được phép “suy đoán” ông Chấn là hung thủ.

Phải nói với Chánh án về sự tối kỵ mà ngay một sinh viên vỡ lòng ngành luật cũng đã “thừa biết”, có lẽ bà Nga đã không vô tình, khi mà bản chất vụ án oan 10 năm ở Bắc Giang đang là một điển hình cho sự vô lối trong việc áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội.

Hôm qua, câu chuyện “có ép cung, dùng nhục hình”, theo… suy đoán, tưởng đã rõ như ban ngày trong vụ án Bắc Giang đã được đem ra chất vấn.

Chánh án đã trả lời, đại ý thế này:

Bất cứ nền tư pháp nào cũng có thể có oan sai. Oan sai, nhất là với những người có mức án 20 năm, chung thân, tử hình, là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, oan hay không lại không thể chỉ nghe dư luận. Nếu có, phải chứng minh. Và “Việc có phát hiện ép cung hay không là rất khó”.

Có thể, sau đây, một vụ án “xâm phạm các hoạt động tư pháp” sẽ được khởi tố, để điều tra và trả lời công luận câu hỏi: Người tù oan Nguyễn Thanh Chấn “tự chặt chân mình” khi “tự nguyện” xin ở lại cơ quan điều tra, để “tự giác” khai nhận hành vi giết người để đối mặt với án tử. Hoặc có hay không việc ép cung, dùng nhục hình.

Nhưng có gì để chứng minh điều đó khi vết sẹo nào đó nếu có sau 10 năm cũng đã liền da. Ngay cả lời khai của một tù nhân nào đó, người gián tiếp ép cung Nguyễn Thanh Chấn, kiểu gì chẳng được xem “chỉ là cung chứ không phải chứng”.

Ông Chấn khi được tạm đình chỉ thi hành án.

Nguyên tắc suy đoán vô tội sẽ cho ra một kết quả khắc nghiệt, nhưng là sự thật, rằng chỉ lời khai ông Chấn không thể đủ để chứng minh cho hành vi ép cung, dùng nhục hình. Các điều tra viên trong vụ án, như đã biết, đã đồng loạt phản bác việc ép cung. Và ngay cả khi họ thừa nhận thì, như Chánh án nói, cũng còn phải chứng minh. Để tránh…oan sai chẳng hạn.

Có thể, trong vụ án oan như một vết nhơ trong lịch sử của ngành tư pháp này, người dân sẽ tiếp tục phải chứng kiến một vết nhơ khác: Cơ quan chức năng sẽ đưa ra kết luận không có việc ép cung, dùng nhục hình. Chính xác là không chứng minh được điều đó.

Một vết nhơ nói rằng pháp luật đã bất lực trong việc kết án một tội ác tưởng rõ như ban ngày, trong khi lại làm oan cho một người vô tội. Một vết nhơ khi dư luận phải chấp nhận “sự thật” là người ngay Nguyễn Thanh Chấn “tự chặt chân mình”.

Trong những câu trả lời của Chánh án, cử tri, chắc trong đó có cả ông Chấn, nghe rất rõ câu “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.

Nhưng dường như, chỉ những người oan ức như ông Chấn mới có quyền được nói câu đó.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại