Vì sao lần này Mỹ mất nhiều thời gian như vậy? Câu trả lời có thể nằm ở quy mô đòn tấn công. Vào tháng 4-2017, sau khi Hải quân Mỹ bắn 59 tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Syria, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định 20% số máy bay đang hoạt động ở Syria đã bị xóa sổ. Thế nhưng, chỉ một ngày sau, người ta thấy máy bay vẫn cất cánh từ căn cứ bị tấn công.
Với thiệt hại quá nhỏ như vậy, giới phân tích cho rằng sắp tới Mỹ có thể ra tay nặng hơn. "Đó sẽ là một cú đấm, chứ không phải cái tát" - bà Emily Hawthorne, chuyên gia về Trung Đông và Bắc Phi của công ty tình báo toàn cầu Stratfor, nhận định.
Ngược lại, một số nhà phân tích quân sự khác đánh giá kịch bản lần này vẫn không khác mấy bởi hiện tại Mỹ chưa tập trung nhiều khí tài gần Syria. Một lý do kéo dài thời gian nữa là Mỹ muốn phối hợp hành động với các đồng minh, chủ yếu là Anh, Pháp, thay vì "độc diễn" như năm ngoái.
Nhiều chuyên gia có chung nhận định lần đụng độ này, nếu có, sẽ không quá dữ dội bởi cả Mỹ và Nga đều không muốn leo thang quá mức. Theo trang BuzzFeed, nỗi e ngại lớn nhất của Lầu Năm Góc là vô tình sát hại người Nga nào đó.
Lâu nay, quân đội Mỹ vẫn hết sức tránh xung đột trực tiếp với Nga trên chiến trường. Mỹ đã thông báo cho Nga biết trước khi tấn công căn cứ Syria hồi năm ngoái. "Các cơ sở hóa học của chính phủ Syria mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn phá hủy nằm rất gần nơi có đông lực lượng Nga" - bà Hawthorne nhấn mạnh.
Trong khi Mỹ lần lữa, các lực lượng Syria và đồng minh có nhiều thời gian để chuẩn bị đối phó. Truyền thông Israel đưa tin lực lượng Nga đã bảo vệ một đoàn xe đi từ dinh tổng thống Syria đến một địa điểm khác. Tuy nhiên, nhiều khả năng Mỹ không nhằm vào Tổng thống Bashar al-Assad, bởi làm vậy sẽ kéo Mỹ vào một cuộc xung đột toàn diện.