Những lời dự đoán và đồn đại về kịch bản kinh tế Trung Quốc gặp khủng hoảng hay hạ cánh cứng trong một vài năm sắp tới thì nhiều vô kể, và được xem như một điều tất yếu sẽ xảy ra đối với một quốc gia sử dụng mô hình tăng trưởng nhiều rủi ro như Trung Quốc.
Nhưng, nỗi sợ hãi lớn nhất với các nhà lãnh đạo Trung Quốc không phải là một cuộc khủng hoảng, mà là nỗi sợ hãi sa vào một cái lọ thần không thể thoát ra mang tên gọi "bẫy thu nhập trung bình".
Bẫy thu nhập trung bình theo định nghĩa là tình trạng trong quá trình phát triển kinh tế, khi một quốc gia đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định và giậm chân tại mức thu nhập ấy mà không thể vượt qua ngưỡng đó.
Bẫy thu nhập trung bình thường xảy ra với các quốc gia đang phát triển, gặp khó khăn trong việc chuyển sang một mô hình tăng trưởng hiệu quả hơn và bị mắc kẹt trong tình trạng không thể đạt được mức phát triển cao hơn do các hạn chế về công nghệ và tài chính.
Thông thường, một trong những thước đo chủ đạo để xác định xem một nền kinh tế có đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay không là việc thu nhập bình quân đầu người của nền kinh tế đó có rơi vào khoảng từ 1.000 - 12.000 USD/người/năm hay không.
Đối với kinh tế Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, nỗi sợ hãi về nguy cơ bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn hơn nhiều so với kịch bản rơi vào khủng hoảng mà một số chuyên gia kinh tế như George Soros hay Kyle Bass dự đoán.
Khủng hoảng là một vấn đề có thể xảy ra với bất kỳ nền kinh tế nào, kể cả những nền kinh tế lớn nhất và có trình độ phát triển cao nhất như Mỹ hay Nhật Bản.
Với các nhà kinh tế học khủng hoảng được xem như một việc diễn ra mang tính chu kỳ mà hầu như nền kinh tế nào cũng sẽ gặp phải trong quá trình phát triển.
Khủng hoảng có thể kéo tụt tốc độ tăng trưởng của một nền kinh tế xuống, nhưng thông thường theo thời gian các nền kinh tế sẽ dần phục hồi trở lại mức tăng trưởng trước khi khủng hoảng nổ ra.
Còn bẫy thu nhập trung bình thì không như vậy. Một khi đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình, các nền kinh tế sẽ bị giam hãm ở một trình độ phát triển nhất định và không thể lên cao hơn. Thoát được bẫy thu nhập trung bình thường là khó hơn nhiều so với việc tránh được khủng hoảng.
Hầu hết các nền kinh tế ở châu Á Thái Bình Dương nói chung đều phải đối mặt với một sự giảm tốc sau một thời gian tăng trưởng nóng, nhưng chỉ có 5 nền kinh tế ở khu vực này thoát được bẫy thu nhập trung bình, đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore.
Cho đến trước năm 2015 Trung Quốc được xem là ứng cử viên sáng giá nhất có thể trở thành nền kinh tế tiếp theo trong khu vực thoát được bẫy thu nhập trung bình.
Tốc độ tăng trưởng hai con số trong hơn hai mươi năm đã khiến thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc có một bước nhảy vọt ấn tượng.
Chỉ trong vòng 7 năm từ 2006-2013, thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc đã tăng vọt từ mức 2.000 USD/người lên mức 7.000 USD/người.
Kể cả Hàn Quốc cũng phải mất tới 10 năm để làm được điều này (1981-1991), còn Đài Loan là 9 năm (1979-1988).
Không ai nghi ngờ việc Trung Quốc có thể đạt mức thu nhập bình quân đầu người trên 12.000 USD/người trước năm 2020 để chính thức thoát bẫy thu nhập trung bình.
Nhưng khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh và các đòi hỏi chuyển đổi mô hình tăng trưởng nổi lên mạnh mẽ, thì sự hoài nghi về mục tiêu này lại trỗi dậy.
Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang là nền kinh tế có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình lớn nhất trong số tất cả các nền kinh tế đang phát triển trên khắp thế giới.
Tất cả đã thay đổi hoàn toàn chỉ trong vòng 2 năm từ năm 2014-2016, trước thời điểm đó Trung Quốc là nền kinh tế có nhiều khả năng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình nhất, và giờ đây mọi thứ đã đảo ngược.
Trong đó, lý do chủ yếu nhất đẩy Trung Quốc vào nguy cơ bẫy thu nhập trung bình hiện nay lại chính là chìa khóa đã giúp nước này có bước phát triển nhảy vọt trong gần ba thập kỷ qua: một nền kinh tế dựa quá nhiều vào đầu tư nước ngoài.
Mười bốn năm phát triển mạnh mẽ nhất của kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn 2001-2015 chính là khoảng thời gian nước này gia nhập WTO – sự kiện được xem như chìa khóa mở cánh cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt vào thị trường Trung Quốc, biến nước này thành công xưởng thế giới.
Thâm dụng lao động quy mô lớn trong một thời gian ngắn kỷ lục bằng đầu tư nước ngoài đã tạo nên sự thần kỳ Trung Quốc, từ một nước nghèo và thiếu ăn trở thành cường quốc kinh tế số hai thế giới.
Nhưng cái gì đến nhanh thì đi cũng nhanh. Làn sóng ồ ạt rút vốn đầu tư khỏi Trung Quốc từ cuối năm 2014 đang là một trong những nguyên nhân chủ đạo đẩy kinh tế nước này vào tình trạng phải đối mặt với bẫy thu nhập trung bình.
Phát biểu về vấn đề này, chuyên gia Karlis Smits của Ngân hàng Thế giới (WB) bình luận:
"Khi quốc gia bạn giàu có hơn, thị trường sẽ chuyển dịch lên một nấc mới trong chuỗi sản xuất và hầu như nền kinh tế sẽ loại bỏ dần những ngành sản xuất kỹ thuật thấp. Tuy nhiên, số liệu cho thấy điều này không xảy ra với Trung Quốc như với các nước khác".
Việc các nhà đầu tư nước ngoài sau khi ồ ạt xâm nhập thị trường Trung Quốc và thúc đẩy mọi lĩnh vực trong nền kinh tế nước này với lượng lao động kỷ lục gần 250 triệu người khi rút vốn đầu tư khỏi nước này đồng nghĩa với việc để lại một khoảng trống cực lớn trong rất nhiều lĩnh vực.
Đúng là Trung Quốc đã có những bước tiến dài về một số lĩnh vực, điển hình là công nghệ khi một số tập đoàn nước này đã có thể sản xuất những sản phẩm công nghệ cao như smartphone và cạnh tranh được với Apple hay Samsung, nhưng đó chỉ là một thiểu số rất nhỏ.
Rất nhiều lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc gần như phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ của các nhà đầu tư nước ngoài, và khi họ rời khỏi, thì Trung Quốc đang rơi vào tình trạng một nền kinh tế số hai thế giới với xuất phát điểm thấp về công nghệ.
Đó là lý do vì sao Trung Quốc trong thời gian qua đã đẩy mạnh các hoạt động mua bán và thâu tóm các hãng công nghệ lớn của phương Tây trong rất nhiều lĩnh vực, với hy vọng có thể nhanh chóng bù đắp những khoảng trống mênh mông của mình.
Sự chững lại về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cộng với một xuất phát điểm thấp về mặt công nghệ và sản xuất, là hai yếu tố có vai trò quyết định trong việc một nền kinh tế có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay không.
Và Trung Quốc thì lại hội tụ đủ cả hai yếu tố này, nhất là lại ở một mức độ lớn chưa từng thấy.
Điều thần kỳ nhất về phát triển kinh tế trong thế kỷ 21 như nhiều người ca tụng về Trung Quốc có thể trở thành nỗi thất vọng lớn nhất thế kỷ, nếu kịch bản bẫy thu nhập trung bình xảy ra.