Một trong những nỗi sợ của tôi mùa Trung thu là bị ép ăn bánh. Từ gia đình cho đến nơi làm việc, cả khi gặp đối tác, tôi thường bị ấn vào tay một miếng bánh nướng hoặc bánh dẻo. Mẹ tôi thì nói: “Ăn đi kẻo phí, một cái bánh bằng tiền cả con gà đấy” . Đối tác thân thiết lâu năm bảo thẳng: “Chú ủng hộ chị, đồ ăn mà đổ đi thì trời bắt tội. Được biếu nhiều quá”.
Còn ở công ty tôi, mọi người có bánh trung thu thì cứ cắt hết ra, pha trà rồi ới cả phòng. Anh chị em coi đó là cơ hội để tạm rời mắt khỏi máy tính, đứng dậy vươn vai pha trò vài phút.
Nhưng ai nấy cũng chỉ cầm bánh lên rồi đặt xuống, hoặc nhấm chút xíu, hoặc chỉ gẩy ăn mẩu trứng muối. Cuối buổi, trên bàn la liệt bánh thừa, có những cái bánh cắt ra nhưng không được đụng đến.
Khi buộc phải vứt tất cả vào thùng rác, ai cũng tiếc, nhưng hết cách. Cái bánh đẩy người ta vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: Ăn không nổi, mà bỏ cũng chẳng đành, vì nó không rẻ.
Một chiếc bánh trung thu bé tẹo cầm gọn trong lòng bàn tay loại bình dân cũng có giá 40 – 50 nghìn đồng, bằng tiền mua cả hộp bánh choco-pie, bánh trứng của nhãn hiệu lớn trong siêu thị. Còn bánh trung thu cao cấp thì giá vô cùng, vài triệu đồng mỗi hộp cũng chẳng có gì lạ.
Nhưng thật kỳ lạ khi người ta coi chuyện mua hộp bánh trung thu tiền triệu để biếu rồi vứt đi là hết sức bình thường. Bánh là để ăn, nhưng bánh trung thu thì cứ đến tay người được tặng là coi như “hết chức năng, nhiệm vụ”, ăn được thì tốt, mà bỏ cũng không sao.
(Ảnh: Practicalmandarinbanh)
Có những người cả năm không ăn nổi một miếng bánh trung thu nhưng năm nào cũng được biếu hơn chục hộp đủ loại, hoặc chính họ mua rất nhiều để biếu khách hàng, đối tác.
Nhiều người khác cứ mùng 1 và rằm tháng 8 Âm lịch là nhất định mua bánh trung thu về thắp hương cho đúng kiểu, nhưng khi hạ lễ thụ lộc thì cả nhà đều từ chối. Trẻ con không thích bánh này, bố mẹ chúng vừa không thích vừa sợ béo, còn ông bà càng phải kiêng vì bệnh tiểu đường.
Món quà trung thu ý nghĩa cứ thế trở thành… cục nợ. Vứt bỏ thì quá phí phạm, nhưng cố ăn cũng lãng phí không kém – lãng phí khẩu vị, lãng phí sức khỏe…
Đã rất nhiều người đặt câu hỏi, sao cứ sản xuất tràn ngập loại bánh có giá tiền quá đắt so với giá trị sử dụng khi chỉ một phần nhỏ trong số đó được ăn một cách thích thú, còn bác sỹ dinh dưỡng thì luôn khuyến cáo hạn chế?
Sao cứ nhất thiết tặng nhau bánh trung thu khi người nhận không muốn ăn và người trao có khi còn ghét? Người biếu hễ trao được bánh, nhất là bánh đắt tiền, thì yên tâm rằng mình đã thể hiện được tấm lòng; còn người nhận bỗng có thêm “gánh nặng trách nhiệm” phải giải quyết chỗ bánh đó sao cho ít bị bỏ mứa nhất, mà chuyện này thật sự nan giải.
Nhiều năm về trước, bánh trung thu là món quà trông trăng quý giá mà cả người lớn lẫn trẻ con đều mong đợi đến ngày rằm để được thưởng thức. Những chiếc bánh nướng, bánh dẻo hồi đó ngon lạ lùng, vì nhiều lẽ.
Thứ nhất là người dân còn thiếu thốn, khi có chút đồ ngọt thì đều thưởng thức một cách trân trọng, chậm rãi và cảm nhận đầy đủ hương vị của nó. Chiếc bánh được chia cho cả nhà, chút thòm thèm giúp cho dư vị ngọt ngào vẫn còn lưu mãi đến vài ngày sau.
Thứ hai là khi nói đến hương vị Tết Trung thu, ký ức thường nhắc nhớ đến loại bánh truyền thống với vị ngọt bùi, thơm béo của lạp xưởng, thịt mỡ, mứt bí, hạt bí, hạt sen…, được làm dịu và trở nên tinh tế khi kết hợp với cái thơm cay của lá chanh. Mỗi chiếc bánh được làm từ mười mấy loại nguyên liệu, mà sự gia giảm của mỗi nhà tạo nên sự khác biệt khiến ai nấy háo hức cảm nhận.
Còn bây giờ, tràn ngập thị trường là loại bánh trung thu công nghiệp xa lạ, công thức nhàm chán, sơ lược, chủ yếu chỉ có lòng đỏ trứng muối nằm giữa khối bột mang màu của đậu xanh, khoai môn, trà xanh… Thậm chí nhiều loại bánh còn đơn điệu đến mức không hề có chút nhân nào, chỉ có lớp áo mỏng phía ngoài và khối bột bên trong.
Mở hộp bánh tiền triệu có thiết kế lộng lẫy, tháo hết túi giấy, hộp cứng lót satin, đến lớp giấy nến và vỏ nylon bọc từng chiếc bánh, lắm khi người ta chưng hửng, cảm thấy như bị lừa khi bên trong sự cầu kỳ vương giả đó chỉ là “những cục bột dập thành hình bánh trung thu”.
Đối với thế hệ ngửa cổ trông trăng, đốt đèn hạt bưởi, rước đèn ông sao chờ đến giờ phá cỗ, những sản phẩm đó đâu phải là bánh trung thu thực sự, chỉ giống mỗi vỏ ngoài, còn hương vị, hồn cốt thì hoàn toàn xa lạ. Còn đối với thế hệ trẻ có vô số món ăn vặt thời thượng, nó càng không được để mắt tới.
Chả trách mà bánh trung thu bây giờ thường phải nhờ vào cái hộp thật sang trọng để bán cho những người cần đi biếu nhằm lấy quan hệ, biếu xong thì vỏ cũng vứt mà bánh cũng đổ bỏ. Lãng phí và vô nghĩa biết bao!
Mùa Trung thu lại đến, ngoài mong muốn về một ngày ấm áp bên gia đình trong Tết Đoàn viên, tôi còn có một cầu mong nho nhỏ: Đừng ai biếu, tặng bánh trung thu cho tôi nữa.
Để cảm nhận Trung thu như mình hình dung, tôi sẽ tự mua đúng với nhu cầu của mình: Một cặp bánh nướng – bánh dẻo nhân thập cẩm truyền thống, không cần hộp hay bao gói cầu kỳ, vậy là đủ đầy cho một mùa trăng đầy cảm xúc.