Khó khăn vì tàu neo bến
Cặm cụi một mình dọn dẹp con tàu bên bến cảng sông Hàn, ông Võ Đình Chinh (SN 1974, trú tại tổ 38, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng - chủ tàu du lịch “Võ Nhật Quý” có số hiệu ĐNa 0347) chất chứa nhiều nỗi niềm.
Ông Chinh cho biết, từ hôm xảy ra vụ việc tàu Thảo Vân 2 bị chìm khiến 3 người thiệt mạng, tâm trạng các chủ tàu du lịch ai cũng buồn. Buồn vì bao gia đình phải chịu cảnh ly tan, nhiều người suýt bỏ mạng.
Đặc biệt, sau sự việc, chính quyền TP Đà Nẵng đã có lệnh tạm ngưng hoạt động các tàu du lịch trên sông Hàn. Nhiều tàu neo đậu chỏng chơ nơi bến cảng.
Khách các nơi gọi điện đặt tàu để tham quan ngắm cảnh sông Hàn đành phải lỗi hẹn. “Sự việc cũng đã xảy ra rồi, chúng tôi nghĩ ai làm người đó chịu, chứ không thể để “con sâu làm rầu nồi canh” được.
Tôi mong sớm được quay trở lại nghề để phục vụ du khách…”, ông Chinh nói.
Theo ông Chinh, trước đây ông mua lại con tàu gỗ này với giá 180 triệu đồng. Sau đó ông sửa chữa, mua máy móc, trang thiết bị để làm thành con tàu du lịch theo đúng quy định hết khoảng 600 triệu đồng.
Tổng vốn con tàu gần 800 triệu đồng, trong đó đa số là tiền vay ngân hàng và người thân. Tàu ông Chinh có đầy đủ giấy tờ các loại, được phép chở 30 khách.
Ông Chinh thở dài: “Trước đây tôi làm nghề đi biển, có dành dụm được một ít tiền và thấy thành phố phát triển du lịch đường sông nên mạnh dạn mua tàu đăng ký chạy tàu du lịch.
Mỗi đêm nếu may mắn chạy được vài chuyến thì có đồng ra đồng vào, vừa đủ ăn và trả nợ. Giờ tàu neo bến, không biết lấy gì trả nợ và nuôi con đây…”.
Cũng neo đậu cách tàu ông Chinh không xa có 3 tàu du lịch có tên “Du thuyền Sông Hàn For You” là ĐNa 0523, ĐNa 0524 và ĐNa 0525.
Thuyền trưởng tàu ĐNa 0525 Nguyễn Văn Dũng (SN 1983, trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết, cả 3 con tàu này có tổng chi phí đóng mới hơn 7 tỷ đồng.
Nhìn 3 con tàu chắc chắn, nội thất hiện đại mà phải neo bến, không đưa đón khách tham quan ai cũng xót xa. “Tàu chúng tôi được các cấp, các ngành kiểm tra kỹ và đầy đủ các loại giấy tờ rồi mới hoạt động.
Chúng tôi cũng đã mua bảo hiểm cho hành khách, mỗi hành khách 30 triệu đồng. Vừa rồi xảy ra sự cố như thế, làm nghề, chúng tôi ai cũng buồn.
Nhưng không vì thế mà thành phố dừng hoạt động tất cả những tàu đủ điều kiện, chúng tôi mong muốn thành phố xuống kiểm tra, rà soát lại các tàu du lịch.
Những tàu nào đảm bảo an toàn thì nên cho hoạt động trở lại”, anh Dũng nói.
Điều đáng nói, ngay đêm xảy ra tai nạn chìm tàu Thảo Vân 2, tàu “Du thuyền Sông Hàn” này sau khi phát hiện sự việc đã tức tốc chạy tới cứu được rất nhiều người.
Trong đó, anh Dũng, ông Lê Văn Lực (SN 1973, thuyền trưởng tàu ĐNa 0523) và ông Đặng Ngọc Anh đã mưu trí, dũng cảm trong thời khắc sinh tử cứu những người bị nạn.
Truy cứu trách nhiệm sau vụ chìm tàu
Ông Võ Đình Chinh mong sớm được chạy tàu du lịch trở lại để có tiền trả nợ, nuôi gia đình.
Trong khi các tàu du lịch phải neo bến, chờ “lệnh” tiếp theo mới được hoạt động thì lãnh đạo TP Đà Nẵng họp khẩn để truy trách nhiệm sau vụ chìm tàu Thảo Vân 2.
Tại cuộc họp ngày 6/6, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã đình chỉ công tác đối với ông Lê Sáu - Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa TP Đà Nẵng và ông Nguyễn Công Hiệu - Đội trưởng Đội quản lý Cảng sông Hàn để kiểm tra, làm rõ trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý, điều hành dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Ông Huỳnh Đức Thơ giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Chánh Thanh tra thành phố, Giám đốc Sở GTVT, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố, Giám đốc Công an thành phố và thủ trưởng các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có liên quan do thiếu trách nhiệm cũng như buông lỏng quản lý nhà nước dẫn đến hậu quả nghiêm trọng (kể cả trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có cá nhân vi phạm) và đề xuất các hình thức xử lý.
Đặc biệt, Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra, sớm đưa vụ án ra xét xử nghiêm minh, công khai.
Ông Huỳnh Đức Thơ cũng cho biết, việc tạm ngừng hoạt động của các tàu du lịch trên sông Hàn để rà soát lại toàn bộ các điều kiện đảm bảo an toàn, đặc biệt là các tàu cá cải hoán để hoạt động du lịch.
Việc rà soát phải được tiến hành khẩn trương từ nay đến ngày 16/6.
Nếu tàu, phương tiện nào bảo đảm các điều kiện thì cho phép hoạt động trở lại, tránh kéo dài gây tổn thất cho các doanh nghiệp. Giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu thành lập Hiệp hội Tàu du lịch trên sông Hàn; xây dựng các kịch bản phù hợp với thực tế để ứng cứu khi gặp tình huống tai nạn trên sông, hồ.
Khách có quay lưng với du lịch đường sông?
Chị Võ Thanh Mai (du khách đến từ Hà Nội) chia sẻ: “Khi thấy tàu quá tải hoặc chật chội, không đảm bảo an toàn thì không nên bước lên tàu để đi. Tôi thấy ở bến cảng sông Hàn còn nhiều tàu to, rất đẹp, ghế được làm chắc chắn.
Nếu các tàu này được hoạt động trở lại thì chúng tôi vẫn tiếp tục đi thưởng ngoạn cảnh đẹp trên sông Hàn. Nhưng ngành chức năng phải có chế tài nào đó để kiểm tra số hành khách của các tàu trước khi xuất bến.
Đừng cho họ chở quá tải, để khi tai nạn xảy ra thì hối hận đã quá muộn”.
Anh Nguyễn Văn Đức (38 tuổi, đến từ Quảng Bình) cho biết: “Nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho du khách trên các tàu du lịch là của ngành chức năng Đà Nẵng và chính chủ tàu.
Chúng tôi là du khách nên làm sao biết được tàu nào có phép hay không phép, có đảm bảo an toàn hay không? Nếu lãnh đạo TP Đà Nẵng đứng ra công bố chịu trách nhiệm khi tàu không an toàn hoạt động có sự cố thì tôi nghĩ, khách du lịch không quay lưng lại với du lịch đường sông sau sự cố vừa qua”.