Nỗi niềm của những người ông bà bị chỉ trích không chăm cháu giúp là không thương con cháu: Đừng bắt chúng tôi phải "làm cha mẹ lần 2"

Minh Nhật |

Một phụ nữ lớn tuổi kể câu chuyện của bản thân thay lời muốn nói cho thế hệ ông bà khi bị lớp trẻ kêu ca chuyện không trông cháu giúp.

Trong những thập kỷ qua, khái niệm "vai trò của ông bà" đã thay đổi đáng kể, mặc dù vẫn có những quan niệm sai lầm. Chẳng hạn như việc ông bà "phải có trách nhiệm" trong việc chăm sóc, dạy dỗ các cháu.

Ngày nay, các bậc phụ huynh đã lên chức ông bà sống hiện đại hơn rất nhiều. Có người làm quá tuổi nghỉ hưu, có người vi vu du lịch đây đó thường xuyên hoặc tham gia các hoạt động giải trí, xã hội cho người cao tuổi... Nói chung, họ đã khác xưa rất nhiều bởi họ không muốn chỉ quanh quẩn trong nhà "làm cha mẹ lần thứ hai" với những đứa cháu lít nhít.

Mới đây, Marcia Kester Doyle, một phụ nữ lớn tuổi đã kể ra câu chuyện của bản thân mình thay lời muốn nói cho thế hệ ông bà khi bị lớp trẻ kêu ca chuyện không trông cháu giúp con cái.

Thế mới thấy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng nên đặt mình vào vị trí của người khác để suy xét.

Nỗi niềm của những người ông bà bị chỉ trích không chăm cháu giúp là không thương con cháu: Đừng bắt chúng tôi phải "làm cha mẹ lần 2"- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

"Mẹ tôi sẵn sàng trông cháu giúp khi các con tôi còn nhỏ nhưng bố tôi lại có dự định khác. Ông thích đi dạo chơi trong thị trấn và không sẵn lòng hy sinh một buổi tối yên tĩnh ở nhà hàng năm sao để ở nhà trông con cho tôi. Ngôi nhà của bố mẹ tôi thì giống như một bảo tàng nghệ thuật thu nhỏ, với nhiều đồ vật có giá trị được trưng bày mà những ngón tay bé xíu đầy tò mò của bọn trẻ thì chẳng phân biệt được và có thể nhầm là đồ chơi.

Trái ngược với bố ruột tôi, bố mẹ chồng thì rất thích được chăm sóc các cháu, khổ nỗi họ ở cách xa cả nghìn cây số.

Cuối cùng, tôi phải chấp nhận điều không thể tránh khỏi: Bố mẹ tôi rất vui khi được ở bên các cháu nhưng phải có sự có mặt của vợ chồng tôi. Tóm lại, họ không muốn phải chăm cháu nếu không có chúng tôi ở đó.

Cuối cùng, khi tôi đặt câu hỏi về việc bố không trông cháu giúp, ông khẳng định ông đã hoàn thành nghĩa vụ làm cha mẹ khi nuôi lớn tôi (cả các anh chị em của tôi) và không có nghĩa vụ phải giúp nuôi thêm bất kỳ đứa cháu nào nữa.

Bố tôi thừa nhận rằng ông không thoải mái khi có trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi. Bởi chúng quá ồn ào và nghịch ngợm. Ông sẽ giúp dạy dỗ các cháu khi chúng lớn hơn. Lời giãi bày của bố thực sự khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Thực tế là bố yêu các con tôi; ông chỉ không thoải mái với sự hỗn loạn của việc trông trẻ khi chúng còn nhỏ".

Tại sao nhiều ông bà không muốn chăm cháu giúp con cái?

Trả lời cho câu hỏi này, nhà tâm lý học lâm sàng Barbara Greenberg cho biết: "Một số ông bà có thể cảm thấy bực bội khi bị giao vai trò chăm sóc trẻ khi họ cảm thấy đến lúc được tận hưởng một giai đoạn trong cuộc đời mà họ có thể tự do theo đuổi những sở thích khác. Những người khác có thể cảm thấy rằng ở độ tuổi của họ, việc chăm sóc trẻ nhỏ là quá mệt mỏi, quá sức".

Điều này đặc biệt đúng khi đối mặt với một đứa cháu hay nghịch ngợm hoặc quấy khóc.

Marcia Kester Doyle tiếp tục câu chuyện của mình: "Tôi phải thú nhận rằng lần đầu tiên tôi làm bà ngoại, tôi chưa sẵn sàng.

Nỗi niềm của những người ông bà bị chỉ trích không chăm cháu giúp là không thương con cháu: Đừng bắt chúng tôi phải "làm cha mẹ lần 2"- Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Trên thực tế, tôi rất sợ những trách nhiệm trên cương vị một người bà. Con gái tôi sống cách nhà tôi vài giờ lái xe nên việc trông cháu thường xuyên không phải là một lựa chọn. Nhưng vài năm sau, khi con gái tôi chuyển về nhà ở hẳn, con bé cần được giúp đỡ.

Bản năng đầu tiên của tôi là giúp đỡ bằng mọi cách có thể, ngoài việc trông cháu. Tôi làm vậy chủ yếu vì sợ hãi. Cháu gái tôi lúc đó trải qua giai đoạn "khủng hoảng". Con bé khóc không kiềm chế được mỗi khi mẹ nó rời khỏi phòng.

Không thể dỗ được cháu, tôi cảm thấy thất vọng và vô dụng với tư cách là ông bà, điều này dẫn đến quyết định không trông cháu giúp.

Nhưng một ngày, sau sinh nhật thứ 3 của cháu gái tôi, tôi dành vài giờ một mình với cháu, làm đồ thủ công và xem những video vui nhộn dành cho trẻ mới biết đi trên YouTube.

Con bé hầu như luôn ngồi trên đùi tôi và nép mình vào lòng, vòng tay nhỏ bé ôm lấy tôi. 2 bà cháu cười đùa suốt buổi chiều.

Khoảng thời gian đặc biệt đó đã phá vỡ rào cản sợ hãi ngăn cản tôi tận hưởng những phút giây vui vẻ bên cháu ngoại. Sau đó, tôi rất vui mừng được trông cháu bất cứ khi nào có thể. Tất cả những gì các ông bà cần làm là 'làm quen lại' việc đối phó với tiếng khóc của trẻ nhỏ sau hơn 20 năm không phải chăm con nhỏ".

Nỗi niềm của những người ông bà bị chỉ trích không chăm cháu giúp là không thương con cháu: Đừng bắt chúng tôi phải "làm cha mẹ lần 2"- Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Không trông cháu giúp là không yêu cháu?

Có rất nhiều lý do khiến một số ông bà ngại việc trông trẻ, nhưng chắc chắn không bao giờ có lý do "thiếu tình yêu thương với cháu".

Thế hệ của tôi đã quen với lịch trình bận rộn và luôn năng động trong xã hội, vì vậy nếu ai đó quy kết rằng tất cả ông bà phải dành phần lớn thời gian tuổi già của mình để trông cháu thì thật sai lầm.

Ngay cả khi bạn có mối quan hệ thân thiết với bố mẹ, điều này không đảm bảo rằng họ sẽ đóng vai trò tích cực trong cuộc sống của con bạn.

Ngoài ra, việc ép họ trông cháu có thể gây ra sự oán giận và tổn thương. Điều này đặc biệt đúng với những bậc cha mẹ hiếm khi chủ động liên lạc với ông bà trừ những lúc cần sự giúp đỡ. Khi ông bà cảm thấy không được coi trọng sẽ khó lòng sẵn sàng giúp đỡ trông cháu.

Một lý do khác khiến ông bà từ chối chăm cháu là do sức khỏe hoặc họ không còn khả năng chạy theo một đứa trẻ hiếu động. Hoặc họ có thể đang phải đối mặt với một căn bệnh nào nó - hoặc thậm chí phải dùng một loại thuốc khiến họ mệt mỏi.

Theo nhà tâm lý học Greenberg, việc tìm hiểu lý do đằng sau việc ông bà không muốn trông cháu goups là một hành động cân bằng tinh tế.

Cô khuyên: "Hãy tiếp cận, nói chuyện với sự bình tĩnh và đừng phán xét". Cô nói thêm, tránh so sánh họ với những ông bà khác mà bạn biết "những người có thể nhiệt tình chăm sóc cháu hơn. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả, để sự oán giận và hiểu lầm không trở thành vấn đề".

Cuối cùng, lớp trẻ nên "cởi mở và thẳng thắn" về nguyện vọng của mình và cho bố mẹ mình "thời gian và không gian để phản hồi", Greenberg nói.

Bạn cũng có thể xem xét những cách mới để thu hút ông bà tham gia vào cuộc sống của bọn trẻ bằng cách chọn các hoạt động mà họ quan tâm: bảo tàng dành cho trẻ em với các triển lãm tương tác, bữa tối gia đình hàng tuần, đêm chiếu phim tại nhà, làm vườn, dã ngoại trong công viên hoặc thậm chí là một kỳ nghỉ gia đình cùng nhau.

Việc gắn kết các thành viên trong gia đình có thể mất thời gian, nhưng nó sẽ bắt đầu bằng việc bắt đầu cuộc trò chuyện cực kỳ quan trọng đó, tìm ra sự thỏa hiệp và kiên nhẫn.

Nguồn: Yahoo Life

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại