Bên cạnh các loại nồi, bếp điện, nồi áp suất với khả năng nấu nướng nhanh chóng thì gần đây, trên các hội nhóm về đồ gia dụng tiện ích, nhiều chị em "yêu bếp" còn bàn tán sôi nổi về một thiết bị nồi khác. Thiết bị mang tên nồi nấu chậm.
Nồi nấu chậm (Slow Cooker) tuy chưa thực sự được biết nhiều ở Việt Nam, nhưng đã có mặt và được ưa chuộng sử dụng ở nhiều quốc gia khác trên thế giới từ lâu.
Theo thông tin trên Wikipedia, thiết bị phổ biến ở Mỹ từ những năm 1940, khi nhiều phụ nữ bắt đầu ra ngoài đi làm và họ dùng nồi nấu chậm để nấu bữa ăn từ buổi sáng, và đến tối khi trở về thức ăn đã hoàn thành và vẫn thơm ngon.
Nồi nấu chậm phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. (Ảnh minh họa)
Cấu tạo cơ bản của một chiếc nồi nấu chậm bao gồm phần ruột và thân nồi. Ruột nồi thường làm bằng sứ ceramic, thân thiện với sức khỏe người dùng. Còn phần thân được gia nhiệt, giúp làm nóng lõi sứ bên trong, bao quanh bởi vỏ làm bằng kim loại, thường là thép không gỉ.
Nắp rời của nồi nấu chậm thường được làm bằng kính để người nấu dễ dàng quan sát thực phẩm bên trong trong quá trình nấu nướng. Nồi thường được thiết kế dạng hình tròn, chiều cao linh hoạt và có tay cầm 2 bên.
Đúng như tên gọi, nồi nấu chậm chế biến và nấu chín thức ăn bằng điện năng trong thời gian dài và với nhiệt độ thấp. Khi tiến hành nấu với nồi nấu chậm, ta có thể điều chỉnh nhiệt độ nấu trong khoảng 70 độ C - 135 độ C, hoặc theo các mức thấp - trung bình - cao bằng các nút xoay hoặc nút bấm điện tử.
Có thể điều chỉnh nhiệt độ của nồi bằng nút bấm hoặc nút xoay. (Ảnh minh họa)
Cách dùng nồi nấu chậm như thế nào?
Nồi nấu chậm thường được sử dụng trong việc chế biến các món ăn từ thịt và một số loại rau củ nhất định. Nó đặc biệt phù hợp với những món ăn hầm, kho.
Bạn cần chuẩn bị nguyên liệu từ trước, căn thời gian muốn hoàn thành và cho toàn bộ vào nồi rồi chọn chế độ. Nếu như một món ăn thông thường mất khoảng 15 - 30 phút để nấu chín, thì thời gian xử lý với nồi nấu chậm sẽ là 1-2 giờ khi nhiệt độ cao và có thể lâu hơn nếu nhiệt độ thấp.
Tuy nhiên, cũng có một số loại nguyên liệu không được khuyến khích sử dụng với nồi nấu chậm, có thể kể tới như các loại rau lá, phô mai, mì ống, thảo mộc tươi, bít tết hay thịt xông khói.
Ảnh minh họa.
Tại sao nồi nấu chậm lại được khuyên dùng?
Trên các hội nhóm về đồ gia dụng nhà bếp, nhiều người dùng đưa ra quan điểm khuyên các bà nội trợ khác nên trang bị cho gia đình ít nhất là một chiếc nồi nấu chậm.
"Nhà mình mới mua và dùng nồi nấu chậm gần đây thôi nhưng thấy nấu chậm thì đồ ăn ngon hơn thật", người dùng với tài khoản Quỳnh Hoa Nguyễn (Hà Nội) cho biết.
Một người dùng khác với tài khoản tên Hà Trang nhận xét thêm: "Về chất lượng đồ ăn thì nấu chậm giữ được nhiều dinh dưỡng và mình thấy thơm ngon hơn."
Theo chia sẻ từ chính những người đã trải nghiệm, việc dùng nồi nấu chậm chế biến giúp thực phẩm ngon hơn.
Nồi nấu chậm cho ra thức ăn ngon hơn, đặc biệt là với món hầm, ninh, cần sự nhừ, kỹ. (Ảnh minh họa)
Theo chuyên trang The Spruce, có được điều này là do thời gian nấu lâu hơn nên các loại gia vị trong thức ăn sẽ được phân phối đều hơn, tốt hơn. Bên cạnh đó, nồi nấu chậm còn có những ưu điểm khác nữa:
- Việc nấu trong nhiệt độ thấp giúp làm giảm nguy cơ cháy xém các loại thực phẩm, thực phẩm sẽ không bị dính vào đáy nồi.
- Các món ăn được nấu với nồi nấu chậm gần như giữ được nguyên vẹn chất dinh dưỡng. Nhiệt độ thấp và thời gian dài sẽ giúp các vitamin không bị phân hủy hay phản ứng hóa học cùng các hợp chất khác.
- Thức ăn được ninh nhừ, kỹ.
- Công suất của nồi nấu chậm thường thấy khoảng 120W - 150W, thấp hơn so với nồi áp suất hay các loại nồi nấu nhanh. Vì vậy, nồi nấu chậm giúp tiết kiệm điện hơn.
- Nồi nấu chậm hay phương pháp nấu chậm đặc biệt phù hợp với những gia đình có người già hay trẻ nhỏ, dùng để hầm xương, nấu cháo, chưng yến...
Chuyên gia về dinh dưỡng, sức khỏe và an toàn thực phẩm của trường Đại học bang Pennsylvania cũng đưa ra những lưu ý khi sử dụng nồi nấu chậm để an toàn và thức ăn được thơm ngon nhất.
Đầu tiên là với những thực phẩm đông lạnh, nên nhớ luôn rã đông hoàn toàn trước khi cho chúng vào nồi nấu chậm. Việc làm này giúp đảm bảo việc thực ăn được nấu chín hoàn toàn dưới nhiệt độ thấp.
Thực phẩm trước khi cho vào nồi nấu chậm phải được rã đông hoàn toàn. (Ảnh minh họa)
Tiếp đến là nước được đổ vào nồi nấu chậm nên đổ không ít hơn một nửa dung tích nồi. Nếu đổ quá ít nước có thể ảnh hưởng tới thời gian nấu và chất lượng món ăn.
Cuối cùng là đậy nắp trong khi nấu. Để việc nấu hiệu quả hơn, có thể đặt chế độ cao trong giờ đầu tiên, sau đó chuyển cài đặt về chế độ thấp để hoàn thành quá trình nấu.
Hiện nay các nồi nấu chậm chất lượng trên thị trường có giá khoảng từ 1 triệu đồng trở lên. Mùa đông sắp đến, nhu cầu nấu những món hầm, ninh nóng hổi sẽ tăng lên so với mùa hè. Người mua có thể lựa chọn dựa trên dung tích của nồi, từ 1 - 4 lít, tùy vào nhu cầu của gia đình.