Trong thời gian kỳ họp Lưỡng hội của Trung Quốc đang diễn ra ở Bắc Kinh, đề án của các đại biểu Quốc hội, bao gồm những đề án thuộc lĩnh vực khoa học, đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Viện sĩ viện khoa học Trung Quốc, Tổng chỉ huy tàu thăm dò mặt trăng Hằng Nga, Diệp Bồi Kiến đã đề xuất xây dựng một cơ chế quốc gia liên quan đến dự án thăm dò sao Hỏa của giới khoa học nước này.
Diệp Bồi Kiến xuất hiện trên chương trình thời sự Đài truyền hình trung ương TQ với tuyên bố: Tuyệt đối không thể lại để mất cơ hội năm 2020. Ảnh: CCTV
Diệp Bồi Kiến cho hay, đề xuất của ông ta xuất phát từ việc Bắc Kinh đã bỏ lỡ nhiều cơ hội khám phá sao Hỏa; đồng thời tiết lộ, ngay từ năm 2007, Diệp và các cộng sự đã có ý tưởng thăm dò sao Hỏa nên nếu khi đó kế hoạch hoàn thiện thì muộn nhất vào năm 2013, Trung Quốc đã có hoạt động trên hành tinh này.
Theo Diệp, kế hoạch thất bại do "bản báo cáo không được phê chuẩn".
"Ý kiến của một trăm chuyên gia không bằng lời nói của một Giám đốc sở tài chính", Diệp nói và cho biết, giám đốc đó chỉ hỏi vặn chuyên gia: "Lên Mặt Trăng làm gì? GDP chiếm được bao nhiêu phần trăm?".
Phản bác lại ý kiến của quan chức trên, Diệp cho rằng vấn đề lên mặt trăng giống như vấn đề giải quyết quyền lợi hàng hải.
"Vũ trụ chính là đại dương, Mặt Trăng là Senkaku/Điếu Ngư, sao Hỏa là bãi Scarborough. Chúng ta hiện nay có thể lên mà không lên, con cháu sẽ trách chúng ta. Người khác lên rồi chiếm lấy thì anh muốn lên cũng không lên được", Diệp ngang nhiên tuyên bố.
Ông này còn khẳng định, cơ hội khám phá sao Hỏa rất khó khăn, Trung Quốc đã mất đi cơ hội vào những năm 2013, 2015 trong khi năm 2018 lại khó nên tuyệt đối không thể để mất cơ hội vào năm 2020.