Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông), trong vòng 2 tháng vừa qua, ủy ban ổn định tài chính - tức nhóm trợ lý kinh tế cấp cao của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phải tổ chức 10 cuộc họp khẩn để bàn về rủi ro của cuộc chiến thương mại đối với nước này, và tìm ra giải pháp đối với nền kinh tế đang có dấu hiệu suy yếu.
Hôm thứ 7 (20/10) vừa qua, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu hạc cùng Ủy ban Ổn định và Phát triển Tài chính đã tổ chức "cuộc họp chuyên đề" lần thứ 10 về ngăn chặn và giải quyết các rủi ro tài chính, theo thông cáo được ban hành trên website của chính phủ Trung Quốc ngày 21/10.
"Mối lo ngại trong giới lãnh đạo đã lên tới 100%", ông Xu Jianwei, một nhà kinh tế học Trung Quốc, nhận định.
"Một trong số những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong năm nay là giảm nợ, nhưng chính phủ đã phải điều chỉnh chính sách này do đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng hơn.
Nếu quá trình giảm nợ tiếp tục được tiến hành, thì rất nhiều công ty Trung Quốc có thể sẽ phá sản trong quá trình này. Nhưng nếu quá trình ấy chậm lại, thì những hiểm họa tài chính sẽ tiếp tục chất chồng.
Vì những lí do kể trên nên các nhà điều phối kinh tế Trung Quốc chắc chắn đang rất lo ngại, và tôi không nghĩ rằng họ đã tìm ra giải pháp nào tốt để giải quyết tình hình này", ông Xu nói.
Thông cáo về cuộc họp ngày 20/10 cho biết ủy ban đã nhất trí thiết lập một khuôn khổ "tam trụ" cho chính sách kinh tế của Trung Quốc, bao gồm lập trường trung lập về chính sách tiền tệ, thành phần doanh nghiệp năng động, và thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả.
Cụ thể, các ngân hàng Trung Quốc không được "rút khỏi, chấm dứt, cắt giữa chừng hay tạm đình chỉ" khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ và tư nhân.
Kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thử thách do cuộc chiến thương mại với Mỹ. Ảnh: Reuters.
Một ngày trước khi cuộc gặp trên được tổ chức, ông Lưu và 3 quan chức tài chính hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang, Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng và Điều tiết Bảo hiểm Guo Shuqing, và Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc Liu Shiyu, đã tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp giúp củng cố niềm tin vào nền kinh tế và thị trường chứng khoán của nước này.
Trong Quý III năm nay, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 6,5% - mức tăng trưởng thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Con số này được đánh giá là rất đáng lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nước Trung-Mỹ hiện nay chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt.
Tuy nhiên, một tín hiệu khả quan trong cuộc xung đột này là ông Tập đã đồng ý gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo G20, được tổ chức tại Buenos Aires vào tháng tới.
Ủy ban ổn định tài chính được thành lập năm 2017, với mục tiêu điều phối các chính sách từ các bộ ngành của Trung Quốc. Các hoạt động của ủy ban này đều do một văn phòng tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giám sát và quản lý.
Mặc dù nhiệm vụ chính thức của cơ quan này là điều phối, chứ không phải là ra quyết định, nhưng tần suất hoạt động gần đây cho thấy ủy ban này, trong thực tế, đã trở thành siêu cơ quan điều phối tài chính của Trung Quốc.